Bộ TN&MT triển khai Đề án phục hồi, phát triển hệ thống cây xanh nhằm ứng phó tình trạng khẩn cấp về BĐKH, ô nhiễm môi trường
Trong nước - Ngày đăng : 17:24, 24/02/2021
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến và Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang trồng cây lưu niệm tại Khu di tích kháng chiến Tân Trào, Tuyên Quang |
Tất cả vì mục tiêu phát triển bền vững
Tại Lễ phát động Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh "Vì một Việt Nam xanh" và hưởng ứng Tết trồng cây Xuân Tân Sửu năm 2021 của tỉnh Tuyên Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Đất nước ta có rừng vàng biển bạc. Đó là món quà thiên nhiên đã ban tặng và ưu đãi mà chúng ta có trách nhiệm bảo vệ và phát triển. Phải coi đây là tài sản quý báu của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và Việt Nam là một trong những nước phát thải khí CO2 tăng nhanh. Bảo vệ môi trường sinh thái là trách nhiệm của mọi người dân. Trồng và bảo vệ cây xanh là một trong những việc làm hết sức thiết thực để phát triển bền vững.
Trước đó, sáng kiến trồng mới 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ rộng rãi của các chuyên gia, nhà khoa học và đồng bào, đồng chí cả nước. Điều này cho thấy, sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với môi trường sống, với việc bảo vệ và phát triển rừng, chăm lo sinh kế cho người dân.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham gia Lễ trồng cây |
Góp phần hưởng ứng, triển khai sáng kiến trồng mới 1 tỷ cây xanh, lan tỏa mạnh mẽ việc làm ý nghĩa này tới các địa phương trên cả nước, đồng thời, lan tỏa thông điệp chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng, góp phần nâng cao nhận thức của người dân và các cơ quan, tổ chức về phát triển cây xanh, bảo vệ môi trường, Bộ TN&MT triển khai đề án phục hồi, phát triển hệ thống cây xanh nhằm ứng phó tình trạng khẩn cấp về BĐKH, ô nhiễm môi trường hưởng ứng, góp phần thực hiện sáng kiến của Thủ tướng.
Đảm bảo thực hiện mục tiêu kép
Đề án được xây dựng nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu kép, đó là huy động sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, đồng thời bảo đảm thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong phân công quản lý nhà nước, cụ thể: Việc xây dựng và triển khai Đề án đồng thời đạt được mục tiêu thực hiện Sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ và các mục tiêu khác về môi trường, biến đổi khí hậu. Chỉ tiêu trồng cây xanh là 1 chỉ tiêu môi trường.
Đề án được xây dựng nhằm triển khai các hoạt động một cách bài bản, không mang tính phong trào mà nhằm tạo nếp sống, thói quen của mỗi tổ chức, cá nhân về việc trồng và bảo vệ cây xanh.
Bên cạnh đó, Đề án nhằm đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp tổng thể, bài bản, từ nghiên cứu khoa học, xác định điều kiện thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên, hệ thực vật, hệ sinh thái đặc hữu tại địa bàn cụ thể nhằm xác định việc trồng cây phù hợp, từ đó, bảo đảm mang lại giá trị lâu dài và tổng thể về đa dạng sinh học, về thảm thực vật đặc hữu, bản địa để phục vụ mục tiêu bảo vệ môi trường, hấp thụ khí nhà kính, lưu trữ nguồn gene quý hiếm…
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội Vương Đình Huệ; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tham gia tại Lễ phát động trồng cây tại Hà Nội |
Đặc biệt, Đề án xác định ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo nhằm xây dựng, công bố bản đồ cụ thể địa điểm trồng cây và các hướng dẫn cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho mọi tổ chức, cá nhân có thể chủ động lựa chọn địa điểm trồng cây.
Tăng cường xã hội hóa, đặc biệt là huy động nguồn kinh phí đóng góp từ xã hội, ngân sách nhà nước chỉ sử dụng cho các hoạt động thực sự cần thiết, mang tính nền tảng. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án sẽ nhanh chóng phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức xây dựng, công bố, huy động sự tham gia đóng góp theo quy định của pháp luật cho Quỹ xã hội hóa trồng 1 tỷ cây xanh.
Đề án nhằm xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước đó là việc quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch quỹ đất trồng cây xanh ở cả khu đô thị, nông thôn, các khu bảo tồn, xác định các khu rừng cần phục hồi để bảo đảm yêu cầu sinh thái, yêu cầu phòng hộ…, trách nhiệm tạo khuôn khổ thể chế phù hợp và hướng dẫn triển khai; các hoạt động cụ thể sẽ được triển khai qua huy động sự tham gia của mọi tổ chức, cá nhân.
Đề án sẽ huy động được sự tham gia toàn diện của các cấp, các ngành, trong đó, phát huy vai trò, trách nhiệm đầu tàu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan quản lý Nhà nước về lâm nghiệp) và Bộ Tài nguyên và Môi trường (cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai, môi trường, biến đổi khí hậu).
Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường với chức năng là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về đất đai, môi trường, biến đổi khí hậu, là cơ quan được giao đầu mối tổ chức thực hiện các văn bản Luật là nền tảng cơ bản của việc phát triển hệ thống cây xanh trong cả nước, đặc biệt là Luật Đất đai, Luật Đa dạng sinh học và Luật Bảo vệ môi trường.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bảo đảm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lâm nghiệp, do đó, có phạm vi, đối tượng quản lý cụ thể, rõ ràng đó là tập trung vào diện tích đất rừng, đồng thời, chỉ đạo, tổ chức việc cung cấp cây xanh phù hợp cho mục đích, địa bàn cụ thể.
Vì mục tiêu xanh hơn, bền vững hơn
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà tham dự Tết trồng cây Xuân Tân Sửu 2021 tại tỉnh Tuyên Quang |
Đề án sẽ đem lại kết quả về diện tích, số lượng và loại cây xanh được trồng mới và được chăm sóc, duy trì, phát triển. Trong đó, diện tích, số lượng và loại cây xanh theo đơn vị hành chính các cấp, các vùng sinh thái; tổng hợp số liệu diện tích, số lượng và loại cây xanh được trồng toàn quốc; xây dựng Phần mềm cơ sở dữ liệu về cập nhật, giám sát và theo dõi các khu vực được xác định trồng cây, số lượng cây trồng, loại cây trồng theo các đơn vị hành chính cấp xã, huyện và tỉnh; Bản đồ phân bố khu vực trồng cây xanh và số lượng cây trồng từng khu vực.
Các tài liệu, văn bản hướng dẫn xác định khu vực trồng, loại cây trồng, quy trình trồng cây xanh và chăm sóc, quản lý và phát triển hệ sinh thái cây xanh.
Phong trào trồng cây xanh được gây dựng một cách thực chất, mạnh mẽ trong toàn xã hội, tới các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong cả nước và được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Các thiết chế như Quỹ 1 tỷ cây xanh, các nhóm đối tác hỗ trợ trồng cây, các tổ chức tình nguyện về trồng cây… tiếp tục được duy trì, phát triển theo hình thức xã hội hóa sau khi đề án kết thúc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, mỗi một cây trồng hôm nay là một ước mơ, niềm tin và hy vọng mà nhân dân vun đắp gửi gắm. Hôm nay, chúng ta trồng cây xanh để thúc đẩy quốc kế dân sinh, cũng là để kế tục sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh. Trồng và bảo vệ cây xanh là một trong những việc làm hết sức thiết thực để phát triển bền vững.