Thừa Thiên Huế: Xử lý vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Tài nguyên - Ngày đăng : 16:27, 24/02/2021

(TN&MT) - Dự án cao tốc Cam Lộ- La Sơn đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế đang bị ảnh hưởng tiến độ do thiếu nguồn đất san lấp, chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng.

Thiếu nguồn đất san lấp

Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lộ - La Sơn qua tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đã được Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công vào tháng 9/2019.

Dự án có tổng chiều dài 98,35km, điểm đầu tại Km 0 (Cam Lộ), trùng với Km 10+440 QL9, thuộc địa phận xã Cam Hiếu (Cam Lộ, Quảng Trị). Điểm cuối Km 102+200 (La Sơn), trùng với Km 4 Tỉnh lộ 14B, trùng với điểm đầu dự án La Sơn - Túy Loan (thuộc địa phận xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế). Tính đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã bàn giao được 65,9 km/66,3Km (đạt 99,25%).

Thi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Theo Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh, Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện đang thiếu khoảng 2 triệu m3 đất san lấp. Việc thiếu nguồn đất san lấp đã gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, nhất là các gói thầu thuộc những đoạn đường đi qua vùng đồng bằng, do cần khối lượng đất san lấp rất lớn.

Trước tình trạng này, thời gian qua, Ban Quản lý dự án đã nhiều lần làm việc với cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế tăng nguồn cung ứng đất san lấp bằng việc gia hạn, mở rộng những mỏ đất trên địa bàn tỉnh và cấp phép thêm những mỏ đất mới.

Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh cho hay, đối với những mỏ đất sẽ được cấp mới, phía đơn vị sẽ tham gia đấu thầu nhằm chủ động nguồn đất san lấp phục vụ dự án.

Nguồn đất san lấp thiếu là một trong những nguyên nhân khiến việc thi công cao tốc bị ảnh hưởng

Ngoài việc thiếu nguồn đất san lấp, hiện giá đất san lấp ở Thừa Thiên Huế cũng cao hơn các địa phương khác. Vừa qua, sau khi Ban Quản lý Dự án làm việc với Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế và các chủ mỏ đất, giá đất san lấp có giảm xuống nhưng không đáng kể.

Về tái định cư, Tỉnh Thừa Thiên Huế có 9 khu/tái định cư cho 178 hộ. Đến nay đã hoàn thành và người dân đã xây nhà, di dời đến các khu tái định cư; Hiện trên tuyến còn 20 ngôi nhà tại thị xã Hương Trà đang xây dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 2/2021. Về xây dựng nghĩa trang, di dời mồ mả đến nay đã hoàn thành, trong đó di dời khoảng 800 ngôi lăng, mộ các loại.

Quyết liệt xử lý những vướng mắc

Theo Sở GTVT Thừa Thiên Huế, nguyên nhân giải phóng mặt bằng chậm trễ chủ yếu như một số hộ dân chưa thông nhất theo phương án bồi thường (giá đất và tài sản trên đất); Người dân đang đợi làm xong nhà tại các khu tái định cư mới di chuyển; Điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mưa kéo dài ảnh hưởng đến việc triển khai di dời công trình hạ tầng kĩ thuật; Kinh phí bồi thường hổ trợ di dời, xây dựng tái định cư còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của công tác di dời của địa phương…

Công tác giải phóng mặt bằng còn vướng mắc

Ông Lê Công Diễn, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, nhằm đẩy nhanh công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật trên tuyến, Ban giải phóng mặt bằng Sở GTVT cùng các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, đôn đốc tại hiện trường các điểm di dời. Tất cả các bên liên quan đang nổ lực giải quyết vướng mắc, dự kiến kế hoạch xong cuối tháng 2/2021. Đối với hạ tầng kỹ thuật cấp nước, Viễn thông (VNPT và Viettel) cơ bản đã được di dời hoặc di dời tạm đảm bảo mặt bằng cho đơn vị thi công. Tại một số vị trí do các hạ tầng kỹ thuật phải chôn sâu dưới nền đường đào nên phải đợi đơn vị thi công cao tốc hạ cao độ nền đường, các đơn vị thi công hạ tầng kỹ thuật mới tiến hành triển khai lắp đặt.

Đại diện Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh kiến nghị chính quyền địa phương cùng các sở, ban ngành liên quan tập trung di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật để bàn giao theo cam kết. Những hộ dân đã nhận tiền đền bù, chưa di chuyển và bàn giao mặt bằng cho dự án, chính quyền địa phương cần vận động, có giải pháp quyết liệt, kịp thời để bàn giao mặt bằng dứt điểm, không để kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Lãnh đạo Thừa Thiên Huế kiểm tra, đôn đốc việc thi công dự án

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, trong thời gian qua, công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã được những kết quả nhất định, còn lại khối lượng tương đối ít do gặp phải một số vướng mắc trong quá trình đền bù, di dời người dân. Tuy nhiên, dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn là công trình trọng điểm của quốc gia, vì vậy đề nghị các đơn vị tập trung hơn nữa, cương quyết xử lý, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng theo đúng quy định của pháp luật để đảm bảo tiến độ chung của dự án. Đồng thời tăng cường phối hợp, hỗ trợ Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh trong việc tiếp nhận mặt bằng và thi công.

Cách đây một tuần, trong chuyến kiểm tra thực địa tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế, Thứ trưởng Bộ GTVT - Lê Đình Thọ khẳng định, đây là công trình trọng điểm, mẫu mực quốc gia nên cần hạn chế tối đa những thiếu sót. Sau kỳ nghỉ Tết, các đơn vị phải tập trung lực lượng, ra quân thực hiện dự án, trong đó tiến độ thi công, chất lượng công trình là hai yếu tố luôn được đặt lên hàng đầu. Thứ trưởng Bộ GTVT yêu cầu các nhà thầu phải xây dựng tiến độ thi công phù hợp, khoa học để thực hiện thi công công trình đúng tiến độ đặt ra. Đơn vị giám sát công trình cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm.

“Các đơn vị phải kiểm soát tốt phòng, chống dịch Covid-19 trong quá trình thi công, nhất là công nhân viên chức, người lao động trở về làm việc sau kỳ nghỉ tết, đặc biết chú trọng người lao động về từ Quảng Ninh và Hải Dương. Đảm bảo các yếu tố an toàn, góp phần hoàn thành tiến độ theo yêu cầu đã đề ra...”, Thứ trưởng Thọ nhấn mạnh.

Văn Dinh