Muốn hạnh phúc và thịnh vượng phải sống hài hòa với thiên nhiên
Thế giới - Ngày đăng : 14:12, 24/02/2021
Một người nông dân thu hoạch lúa tại Bantaeng, Indonesia |
Cần giải quyết đồng thời nhiều vấn đề
“Đại dịch Covid-19 đã gây ra một cuộc hỗn loạn, trong đó, hàng triệu người đang bị đẩy vào cảnh nghèo đói, bất bình đẳng ngày càng tăng giữa những người dân và các quốc gia. Hơn nữa, dịch bệnh này đã gây ra “ba tình huống khẩn cấp về môi trường" là tác động khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học và “đại dịch ô nhiễm” rút ngắn tuổi thọ của khoảng 9 triệu người một năm”, ông Guterres cho biết và nhấn mạnh năm 2021 là một năm quan trọng để thiết lập lại mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên.
Đề cập đến báo cáo có tiêu đề "Chung sống hòa bình với thiên nhiên" của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) công bố mới đây, người đứng đầu Liên Hợp Quốc khẳng định sự cần thiết của một hành tinh lành mạnh để phát triển bền vững.
Sau cuộc họp Hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc, các quốc gia thành viên sẽ thảo luận để giải quyết vấn đề mất đa dạng sinh học, ô nhiễm hóa chất, sức khỏe đại dương, sa mạc hóa và biến đổi khí hậu.
Đánh giá đây là dịp để gia tăng tham vọng và hành động, ông Guterres cho rằng, năm sắp tới, sẽ là một năm “bận rộn” với trách nhiệm lớn lao để làm rõ vai trò của yếu tố môi trường trong phát triển bền vững. “Các chính phủ và người dân cần hiểu tất cả các thách thức về môi trường, xã hội và kinh tế đều có mối liên hệ với nhau và chúng phải được giải quyết cùng lúc”, ông Guterres nói.
Đặt sức khỏe của hành tinh làm trọng tâm
Trong bối cảnh các đại dương chứa số lượng lớn nhựa và dần trở nên axit hơn, mối đe dọa thảm khốc của nhiệt độ tăng lên hơn 3 độ C và đa dạng sinh học suy giảm "với tốc độ nguy hiểm", Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cho rằng, không có lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển đổi các nền kinh tế và xã hội thân thiện và hòa hợp với thiên nhiên. “Chúng ta phải đặt sức khỏe của hành tinh làm trọng tâm trong mọi kế hoạch và chính sách của mình”, ông Guterres nhấn mạnh.
Mặc dù, hơn một nửa Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu phụ thuộc vào tự nhiên, nhưng nguồn vốn của thế giới phụ thuộc vào tự nhiên, giảm 40% trong 2 thập kỷ qua, do đó, Diễn đàn Kinh tế Thế giới liệt kê mất đa dạng sinh học và sụp đổ hệ sinh thái là một trong năm mối đe dọa hàng đầu mà nhân loại sẽ phải đối mặt trong thập kỷ tới.
Ông Guterres nói: “Tính cấp thiết hành động chưa bao giờ rõ ràng hơn. Cần có một cuộc họp để thúc đẩy ý chí hành động toàn cầu nhằm chuyển đổi mối quan hệ của chúng ta với thiên nhiên”.
Theo ông, tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) theo dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11/2021 tại Glasgow thuộc xứ Scotland, Vương quốc Anh, tất cả các quốc gia phải “thực hiện những đóng góp đầy tham vọng hơn do quốc gia tự xác định, nhằm đạt được mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2050”.
Ngoài ra, trong Hội nghị Đa dạng sinh học của Liên Hợp Quốc vào tháng 5 tại Côn Minh, Trung Quốc, các quốc gia phải chỉ ra biện pháp giảm thiểu sự mất mát của các loài và hệ sinh thái bằng các mục tiêu và phương thức thực hiện cụ thể.
Ông cũng khẳng định tầm quan trọng của việc đảm bảo một "khuôn khổ mạnh mẽ sau năm 2020" để quản lý chất thải và hóa chất lành mạnh, ủng hộ cho "các giải pháp bảo vệ sức khỏe của con người và môi trường". Đồng thời, cũng cần bảo vệ các đại dương thông qua việc chấm dứt các hoạt động đánh bắt không bền vững, mở rộng các khu bảo tồn biển và giảm mạnh ô nhiễm môi trường hàng hải.
Thành công của việc bảo vệ tầng ôzôn là nguồn cảm hứng và dẫn đường cho tất cả các nỗ lực của chúng ta để bảo vệ môi trường toàn cầu. Tuy vậy, tất cả chúng ta đều biết rằng lời nói là không đủ. Các cam kết phải được củng cố bằng các kế hoạch rõ ràng và đáng tin cậy.
Bà Inger Andersen - Giám đốc điều hành UNEP cảnh báo, nếu không hành động, các thế hệ tương lai có thể hứng chịu một hành tinh có nhiều carbon trong khí quyển hơn 800.000 năm nữa, sẽ sống trong những thành phố nhiều chất thải độc hại mỗi năm đến mức đủ để lấp đầy 125.000 bể bơi cỡ Olympic.
Đồng thời, kêu gọi hành động vì hành tinh, trong đó tin tưởng vào khoa học, tuân thủ các thỏa thuận toàn cầu, tái khẳng định chủ nghĩa đa phương, tài trợ, đoàn kết quốc tế, bảo vệ người nghèo và những người dễ bị tổn thương.