Duy Tiên (Hà Nam): Nhiều bến bãi kinh doanh ngoài đê sông Hồng “hành dân”

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 11:23, 24/02/2021

(TN&MT) - Xe vận chuyển vật liệu xây dựng có biểu hiện quá khổ, quá tải vô tư chạy trên đê; nhiều bến bãi tập kết cát, than phía ngoài đê chất cao như núi không được che chắn, gây bụi, tiền ẩn nguy cơ cản trở không gian thoát lũ… là thực trạng đang diễn ra tại nhiều bến bãi kinh doanh dưới chân cầu Yên Lệnh thuộc xã Mộc Nam và xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên, Hà Nam.

Thời gian qua, Báo Tài nguyên và Môi trường liên tục nhận được phản ánh của người dân tại 2 xã Mộc Nam và Chuyên Ngoại (huyện Duy Tiên) vì tình trạng nhiều xe có biểu hiện quá khổ, quá tải chở vật liệu xây dựng, than vô tư lưu thông tàn phá tuyến đê Hữu sông Hồng. Việc xe vận chuyển cơi nới thành thùng, khiến vật liệu rơi vãi gây bụi, ảnh hưởng tới đời sống người dân. Bên cạnh đó, việc hàng loạt bãi tập kết cát phía ngoài đê cũng được chất cao như núi, không được che chắn, có biểu hiện gây cản trở dòng chảy, gây ảnh hưởng tới không gian thoát lũ, đe doạ tuyến đê.

Nhiều bãi tập kết cát phía ngoài đê Hữu sông Hồng chất cao như núi, không được che chắn.

Ông N.H.A, người dân xã Mộc Nam bức xúc: “Nhiều năm qua, người dân chúng tôi quá khổ vì bị ảnh hưởng từ các điểm tập kết cát, than nằm phía ngoài đê Hữu sông Hồng. Hàng ngày có hàng đoàn xe vận chuyển vật liệu xây dựng nối đuôi nhau chạy, nhiều xe không được che chắn cẩn thận gây rơi vãi, khiến bụi bay mù mịt. Mùa nắng thì bụi, mùa mưa thì lầy lội, nhầy nhụa cả tuyến đường, tuyến đê gây ô nhiễm môi trường”, ông A. bức xúc nói.

Tàu thuyền tấp nập ra vào cầu cảng để bơm cát, cẩu than tập kết.

Cùng chung nỗi bức xúc, ông N.H.H, người dân tại xã Mộc Nam cũng cho biết: “Việc những bãi tập kết cát, than và xe quá khổ, quá tải ở đây hằng ngày chạy trên đê đã gây hư hỏng mặt đê, cây cối của người dân trồng ở gần đó cũng bị ảnh hưởng, trồng cây mà không thể thu hoạch do bị bụi cát, than phủ không thể lớn để thu hoạch. Chúng tôi đã kiến nghị các cơ quan chức năng nhiều lần thế nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được xử lý triệt để, để cuộc sống người dân được ổn định”, ông H. bức xúc nói.

Xe có biểu hiện quá khổ, quá tải lưu thông trên tuyến đê không được che chắn cẩn thận khiến vật liệu rơi vãi.

Tuyến đê luôn bị lầy lội, nhầy nhụa cát, than do trong quá trình vận chuyển gây rơi, vãi.

Từ những phản ánh của người dân, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có buổi ghi nhận thực tế, tại đây hằng ngày có rất nhiều xe tải chở vật liệu, than có biểu hiện quá khổ, quá tải vô tư lưu thông trên tuyến đê Hữu sông Hồng. Phía ngoài đê là một loạt các bãi tập kết cát được chất cao ra đến mép bờ sông Hồng không được che chắn, chất cao như núi, xe cộ ra vào tấp nập, tàu thuyền nô nức cập bến để bơm cát lên bãi.

Tuyến đường trước cửa nhà người dân luôn bị phủ bởi cát, than.

Liên quan đến sự việc trên, ông Phạm Minh Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Mộc Nam cho biết, phía ngoài tuyến đê Hữu sông Hồng, cạnh chân cầu Yên Lệnh hiện có bãi cát của Công ty Thành Đạt và bãi than của Công ty TNHH Thuận An thuộc xã Mộc Bắc, bãi tập kết cát của Công ty TNHH Vận tải và Thương mại Trường Giang Hà Nam thuộc xã Chuyên Ngoại đã hoạt động tại đây nhiều năm.

Nhiều bãi tập kết kéo dài ra tận bờ sông Hồng tiền ẩn nguy cơ vi phạm không gian thoát lũ.

“Phía bên trong đê Hữu sông Hồng hiện có 1337 hộ dân đang sinh sống, đời sống bà con tại đây bị ảnh hưởng rất nhiều vì bụi bặm, xe quá khổ, quá tải. Nhiều bà con trồng cây còn không thể lớn để thu hoạch được. Toàn tuyến đường đê mới được bê tông kiên cố hoá, hoàn thiện xong trong năm 2020 cũng bị xe quá khổ, quá tải hằng ngày làm ảnh hưởng. Địa phương cũng đã nhiều lần đề nghị các cấp cần xây dựng một tuyến đường khác để phục vụ xe tải tránh ảnh hưởng tới người dân”, ông Đức nói.

Cũng theo ông Đức, tại các kì họp hội đồng nhân dân, các cuộc tiếp xúc cử tri bà con cũng liên tục phản ánh về vấn đề xe vận chuyển quá khổ, quá tải, các bãi tập kết phía ngoài đê gây bụi bặm.

“Sau khi ghi nhận phản ánh của bà con chúng tôi đều yêu cầu các công ty, doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn phải có trách nhiệm xử lý. Kể cả bây giờ bà con cũng thường xuyên phản ánh, chúng tôi đều thường xuyên theo dõi, yêu cầu các doanh nghiệp phải có biện pháp xử lý, tưới nước dập bụi để ổn định cuộc sống người dân. Tuy nhiên thực trạng cũng chỉ giảm đi phần nào thôi chứ không triệt để được. Mùa mưa thì còn đỡ chứ mùa nắng thì cũng chỉ biết tưới nước giảm bụi, nhưng cứ tưới được khoảng 30 phút thì đường lại khô và lại bụi”, ông Đức cho biết.

Liên quan đến việc các công ty tại đây xây dựng một số cầu cảng để tàu, thuyền ra vào bơm cát, cẩu than, ông Đức cho biết tại đây các đơn vị đã được các cơ quan chức năng cấp phép. Tuy nhiên, khi được đề nghị cung cấp hồ sơ, giấy tờ liên quan thì ông Đức cho biết xã không quản lý và không có các giấy tờ này.

Cũng theo ông Đức, đến thời điểm hiện tại tỉnh Hà Nam đã phê duyệt dự án xây dựng cầu cảng Yên Lệnh từ khoảng năm 2015 nhưng đến thời điểm hiện tại những công ty, doanh nghiệp tại đây vẫn đang dùng chung những cầu cảng có sẵn.

Trước những phản ánh về việc các bãi tập kết cát, than, cầu cảng, xe vận chuyển quá khổ, quá tải trong quá trình hoạt động đã gây ảnh hưởng tới đời sống người dân, đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam cần khẩn trương vào cuộc kiểm tra, xử lý không để các doanh nghiệp hoạt động gây ô nhiễm môi trường, trả lại môi trường sống cho người dân.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin!

Việt Linh