ĐBSCL: Nỗ lực cải thiện môi trường ở khu vực nông thôn
Môi trường - Ngày đăng : 14:51, 23/02/2021
Công tác bảo vệ môi trường ven các đô thị cũng như khu vực nông thôn vùng ĐBSCL đang thu hút đông đảo lực lượng cán bộ, đoàn viên, người dân tham gia |
Nhiều kết quả tích cực
Nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực nông thôn, hàng năm, Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng đều xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền, tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường cho các tầng lớp nhân dân; đồng thời, phối hợp với các sở, ngành, hội, đoàn thể duy trì và nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường tại khu vực nông thôn như ủ phân hữu cơ vi sinh từ rác và phế phẩm nông nghiệp; phụ nữ, nông dân tham gia bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng còn nghiên cứu, triển khai thực hiện các mô hình xử lý chất thải trong chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ các địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải các trạm y tế xã; cải tạo, nâng cấp các bãi rác, lò đốt rác, khắc phục ô nhiễm tại kênh, mương; thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, chống rác thải nhựa.
Thông tin với phóng viên, ông Phạm Văn Tùng, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ Môi trường- Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng cho rằng, bằng sự nỗ lực của các đơn vị trực thuộc Sở TN&MT và sự phối hợp chặt chẽ từ hội, đoàn thể, UBND huyện, thị xã, thành phố, trong thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức của người dân được nâng lên, tình trạng xả chất thải chưa qua xử lý xuống kênh rạch đã giảm đáng kể.
Tại TP. Cần Thơ, ông Lê Văn Tính, Phó Chánh phụ trách Văn phòng Ðiều phối nông thôn mới TP. Cần Thơ cho biết, qua quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trên địa bàn thành phố, ý thức bảo vệ môi trường của người dân ở nông thôn đã nâng lên rõ rệt. Các hộ gia đình ở khu vực nông thôn đã xây dựng các công trình hợp vệ sinh, trang bị dụng cụ đựng rác thải và tổ chức phân loại rác.
Cũng theo ông Lê Văn Tính, các mô hình thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng triển khai và nhân rộng ở hầu hết các xã trên địa bàn thành phố, qua đó giảm thiểu được tình trạng ô nhiễm môi trường đất, nước từ loại rác thải này. Đối với các hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm đã cam kết với cơ quan chức năng bảo đảm vệ sinh, an toàn bằng việc xây dựng hệ thống hầm bể biogas, không xả nước thải trong chăn nuôi trực tiếp ra kênh rạch.
Theo đánh giá của Sở TN&MT TP. Cần Thơ, trong thời gian qua, các xã trên địa bàn thành phố đã chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan xanh - sạch đẹp. Không chỉ thế, để các tầng lớp nhân dân thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường, UBND các xã, nhất là các xã được chọn xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao còn huy động đông đảo lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, người dân tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường như ra quân thu gom rác thải, nói không với chất thải nhựa dùng một lần.
Đối với tỉnh Hậu Giang, phong trào bảo vệ môi trường ở khu vực thành thị cũng như nông thôn đang được các sở, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương quan tâm triển khai thực hiện hàng năm với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, qua đó góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong nhân dân, đồng thời cải thiện môi trường sống tại khu vực nông thôn.
Trò chuyện với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Hải, ở khu vực 6, phường Ngã Bảy, TP. Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang cho biết: Thông qua các buổi tuyên truyền, vận động của UBND phường cũng như các hội, đoàn thể bản thân ông ý thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường. Hàng ngày, ngoài việc phân loại rác thải và bỏ rác đúng nơi quy định, tôi còn tham gia vào các hoạt động cộng đồng như dọn rác trên các tuyến đường, thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
Ngành TN&MT vùng ĐBSCL đã tích cực hỗ trợ dụng cụ lưu chứa rác, góp phần nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho khu vực nông thôn |
Tiếp tục triển khai các giải pháp
Theo lãnh đạo Sở TN&MT TP. Cần Thơ, để nâng cao chất lượng môi trường khu vực nông thôn, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường tạo sự chuyển biến trong ý thức, thói quen về bảo vệ môi trường của các tầng lớp nhân dân; đồng thời, tăng cường phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội, hội đoàn thể tập huấn, nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường; duy trì công tác phân loại chất thải tại nguồn, phong trào chống rác thải nhựa.
Cạnh đó, Sở TN&MT TP. Cần Thơ cũng tăng cường công tác quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt không để phát sinh tình trạng ô nhiễm; tổ chức rà soát, cập nhật định kỳ quy hoạch mạng lưới trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP. Cần Thơ. Cùng với đó, Sở TN&MT sẽ tham mưu UBND TP. Cần Thơ phân công nhiệm vụ về quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở các quận, huyện, triển khai kế hoạch bảo vệ môi trường ở đô thị cũng như khu vực nông thôn.
Tại tỉnh Hậu Giang, hiện nay, địa phương này đang tập trung triển khai thực hiện “Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó, năm 2021 UBND tỉnh Hậu Giang giao cho Sở TN&MT triển khai nội dung đề án này đến các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan; đồng thời, ban hành kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
Thông tin với phóng viên, ông Đào Trọng Ngữ, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường- Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang cho biết: Thực hiện Đề án Hậu Giang xanh, hiện nay, Chi cục đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị thí điểm các mô hình phân loại, thu gom vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở đô thị và nông thôn; cải tạo, khắc phục ô nhiễm môi trường ở một số bãi rác ở TP. Vị Thanh, huyện Phụng Hiệp.
Còn tại tỉnh Sóc Trăng, ông Phạm Văn Tùng thông tin, trong năm 2021, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân trong việc bảo vệ môi trường thì Chi cục Bảo vệ Môi trường tiếp tục hỗ trợ các thùng rác công cộng, thùng lưu chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, góp phần giúp các xã trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng nâng cao năng lực trong công tác bảo vệ môi trường.