Tập trung thanh tra đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường
Đất đai - Ngày đăng : 11:55, 23/02/2021
Thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong quản lý, sử dụng đất đối với dự án khu đô thị, phát triển nhà ở; dự án kinh doanh dịch vụ du lịch có bán biệt thự, căn hộ khách sạn.
Bám sát chỉ đạo của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ
Theo Bộ TN&MT, giai đoạn 2016 - 2020, lĩnh vực thanh, kiểm tra về đất đai của Bộ đã bám sát chỉ đạo của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ như: Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; Đề án “Tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đến năm 2020” được phê duyệt tại Quyết định số 1675/QĐ-TTg ngày 29/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo đảm an ninh, trật tự đối với khu kinh tế, khu công nghiệp, doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Tập trung thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật và xử lý các vi phạm đối với đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường. |
Theo đó, Bộ đã tập trung chỉ đạo thống nhất trong công tác thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực đất đai với các nội dung trọng tâm, trọng điểm, dễ phát sinh các vấn đề sai phạm như: Thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong việc quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thanh tra đối với đất nông, lâm trường; thanh tra đối với các dự án có sử dụng quỹ đất để tạo vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và các dự án xây dựng - chuyển giao (BT) được thanh toán bằng giá trị quyền sử dụng đất; thanh tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế; thanh tra đối với các dự án FDI và các dự án khác sử dụng nhiều diện tích đất, mặt nước ven biển nhưng chậm triển khai, hoạt động kém hiệu quả…
Trong năm 2020, các đơn vị trực thuộc Bộ đã triển khai thực hiện 4 cuộc kiểm tra (có 2 cuộc kiểm tra đột xuất) đối với 25 tổ chức gồm: 1 cuộc kiểm tra chính sách chiến lược Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất tại tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn và Bình Phước; kiểm tra đôn đốc đề án theo Đề án 1675 đã phê duyệt tại tỉnh Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Long An, Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ và An Giang.
Bên cạnh đó, đã tổ chức 2 cuộc kiểm tra đột xuất gồm: kiểm tra tình trạng lấn, chiếm, chuyển đổi mục đích, xây biệt thự trên rừng tại Núi Đinh (Núi Con Voi) thuộc thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc; kiểm tra xác minh thông tin phản ánh của báo chí về sai phạm trong quản lý, sử dụng đất tại hồ Đại Lải, tỉnh Vĩnh Phúc.
Tiếp tục duy trì công tác tiếp nhận xử lý thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp về những hành vi vi phạm trong quản lý và sử dụng đất thông qua đường dây nóng phản ánh vi phạm về đất đai. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện xử lý thông tin và tổ chức thành lập các tổ công tác tiến hành kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết đối với các vụ việc nổi cộm, gây bức xúc dư luận trên địa bàn cả nước.
Tập trung thanh tra đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường
Theo bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, năm 2021, Tổng cục sẽ thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch được duyệt, trong đó tập trung vào 3 nội dung chính gồm: Thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật và xử lý các vi phạm đối với đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; Thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong quản lý, sử dụng đất đối với một số dự án có dấu hiệu chưa hoặc chậm đưa đất vào sử dụng; Thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong quản lý, sử dụng đất đối với dự án khu đô thị, phát triển nhà ở; dự án kinh doanh dịch vụ du lịch có bán biệt thự, căn hộ khách sạn.
Trong năm 2020, Tổng cục Quản lý đất đai đã tiếp nhận 412 thông tin phản ánh sai phạm về đất đai, trong đó: đã ban hành 150 văn bản chuyển địa phương yêu cầu xem xét, xử lý; 130 văn bản hướng dẫn công dân nêu kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết; chuyển Thanh tra Bộ xem xét, giải quyết 7 kiến nghị; các trường hợp còn lại do không đủ cơ sở, điều kiện để xem xét, giải quyết hoặc đơn đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Đồng thời, phối hợp với Thanh tra Bộ thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở từng cấp; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc Thủ tướng Chính phủ giao và các vụ việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ. Chủ động phối hợp với Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành khác và các địa phương trong giải quyết các vụ việc khiếu kiện tồn đọng, kéo dài.
Ngoài ra, Tổng cục sẽ duy trì và tăng cường công tác tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh qua đường dây nóng các vi phạm về lĩnh vực đất đai; nắm bắt, xử lý kịp thời các thông tin mà báo chí và dư luận quan tâm.