Quyết tâm “khai tử” bếp than tổ ong
Môi trường - Ngày đăng : 11:55, 23/02/2021
Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có những trao đổi với bà Lê Thanh Thủy - Trường phòng Quản lý dự án và Truyền thông - Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa bà, theo Chỉ thị 15 của UBND TP. Hà Nội yêu cầu xóa bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong vào năm 2020, đến nay, kết quả thực hiện lộ trình này ra sao? Và việc xóa bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố vào năm 2021, theo bà có khả thi không?
Bà Lê Thanh Thủy:
Theo báo cáo cập nhật của 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố, tính đến cuối tháng 12/2020 còn khoảng 4.571 bếp than tổ ong, loại bỏ được 49.921 bếp (giảm 91,61 %) so với kết quả điều tra, khảo sát ban đầu năm 2017. Cụ thể, năm 2017 là 54.492 bếp; tháng 6/2020 là 14.880 bếp; tháng 9/2020 là 11.081 bếp và tháng 12/2020 là 4.571 bếp.
Bà Lê Thanh Thủy - Trường phòng Quản lý dự án và Truyền thông - Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội |
Với kết quả thực hiện Chỉ thị 15/CT-UBND giảm theo từng năm, từng quý theo bảng số liệu như trên, mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố vào năm 2021 là hoàn toàn có thể. Hiện nay, Sở TN&MT TP. Hà Nội đang phối hợp cùng UBND các quận, huyện, thị xã; các Sở, ban, ngành tiếp tục tăng cường các giải pháp, phấn đấu xóa bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong trong thời gian tới.
Tuy vậy, tính khả thi rất cần sự chỉ đạo tập trung quyết liệt đồng bộ của các cấp, sự chỉ đạo, vào cuộc của các Sở, ban, ngành, tổ chức thực hiện, giám sát của UBND các quận, huyện, thị xã và các tổ chức chính trị - xã hội, sự ủng hộ đồng lòng của người dân.
Công tác tuyên truyền, vận động người dân từ bỏ bếp than tổ ong và chuyển đổi sang các loại bếp khác thân thiện với môi trường cũng cần được thực hiện liên tục, thường xuyên và hiệu quả.
Ngoài ra, các quận, huyện đã nhận thức được rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc thực hiện mục tiêu xóa bỏ bếp than tổ ong thông qua việc thực hiện các nội dung được nêu trong Chỉ thị 15/CT-UBND. Đồng thời, các quận, huyện, thị xã cần chủ động vận dụng linh hoạt các quy định hiện có về vệ sinh môi trường trong công tác giám sát, kiểm soát nhằm xử lý triệt để tình trạng sử dụng bếp than tổ ong tại địa phương.
Cuối cùng, cần sự phối hợp và đồng hành của các tổ chức, doanh nghiệp để cộng hưởng các nguồn lực, tiến hành nghiên cứu và thực thi các giải pháp kỹ thuật đồng bộ, hiệu quả.
PV: Như vậy, việc xóa bếp than tổ ong trong sinh hoạt không quá khó, nhưng với những gia đình phải dựa vào nó để mưu sinh quả thực không dễ dàng. Vậy theo bà, đâu là yếu tố quan trọng nhất để họ thay đổi thói quen này?
Bà Lê Thanh Thủy:
Tôi cho rằng, yếu tố quan trọng nhất để người dân thay đổi thói quen chính là việc nhận thức được tác hại của việc sử dụng bếp than tổ ong tới sức khỏe và môi trường xung quanh. Những nghiên cứu và tính toán về chi phí lợi ích khi sử dụng bếp than tổ ong và các loại bếp khác cũng cần được thực hiện.
Bếp than tổ ong đang được các trường học sử dụng để giáo dục môi trường, trang trí thành các chậu hoa. |
Thêm nữa, khi nhu cầu sử dụng bếp than tổ ong giảm đi thì nguồn cung cấp than tổ ong cũng giảm và tiến tới là không còn than tổ ong thì người dân cũng sẽ chuyển đổi sử dụng bếp than tổ ong sang các loại bếp khác thân thiện với môi trường.
PV: Thành phố Hà Nội đã có giải pháp tối ưu nào cho sự thay thế bếp than tổ ong, thưa bà?
Bà Lê Thanh Thủy:
Năm 2018, Chi cục Bảo vệ môi trường đã phối hợp với Cơ quan Phát triển Hà Lan (SNV) tìm kiếm, lựa chọn các loại bếp cải tiến đạt tiêu chuẩn thay thế để đưa vào giới thiệu tại các mô hình thí điểm là: bếp CCBM, Thế hệ xanh, DK. Đây là các mẫu bếp đã được SNV tiến hành kiểm tra thực tế và đo đạc kỹ thuật tại Viện Cơ điện và nhiệt lạnh - Đại Học Bách Khoa theo 3 tiêu chí: thân thiện với môi trường (giảm khí thải), tiết kiệm nhiên liệu, và an toàn.
Các bếp có thể sử dụng các phế phụ phẩm sẵn có trong nông nghiệp (như trấu, củi vụn, mùn cưa, lõi ngô...) để làm nhiên liệu đun bếp, góp phần giảm thiểu rác thải. Các phụ phẩm đã được nghiền nhỏ, kết hợp với các phụ gia và được nén thành các viên nén. Giá thành từ 3.000 - 4.000 đồng/kg tương đường với giá thành 1 viên than tổ ong.
Tuy nhiên, các loại bếp này đều là bếp khí hóa, sử dụng nhiên liệu viên nén như trên nên vẫn còn một số khuyết điểm như bị đen nồi, có khói khi tiếp nhiên liệu, khó sử dụng và phải dùng điện.
Trước thực trạng đó, Sở TN&MT đang phối hợp với các đơn vị tiếp tục nghiên cứu cải tạo, tiếp tục thử nghiệm và tìm kiếm các giải pháp khác phù hợp để giới thiệu rộng rãi cho người dân như một giải pháp thay thế bếp than tổ ong.
“Hiện nay, đã có 5 quận, huyện tại Hà Nội thực hiện tốt Chỉ thị 15/CT-UBND, hoàn toàn xóa bỏ 100% bếp than tổ ong trên địa bàn bao gồm: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoài Đức, Thạch Thất. Bên cạnh đó, vẫn còn 5 quận, huyện, thị xã thực hiện thấp Chỉ thị 15, chỉ đạt kết quả thực hiện < 70%: Thanh Oai, Đan Phượng, Mỹ Đức, Sơn Tây, Hà Đông”.
Ngoài ra, Sở cũng đã có những đánh giá, phân tích về tính tối ưu, so sánh giữa các loại bếp khác nhau (về an toàn, sử dụng năng lượng hiệu quả, chi phí, mức phát thải) để người dân dễ dàng đưa ra các quyết định lựa chọn phù hợp với điều kiện của mình.
PV: Với những hộ vẫn cố tình sử dụng bếp than tổ ong, Hà Nội sẽ có biện pháp hay chế tài gì để xử lý không?
Bà Lê Thanh Thủy:
Hiện nay, thành phố đang vận dụng Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó qui định chế tài xử lý cho các hành vi phát thải ra môi trường nhưng không qui định cụ thể cho hành vi sử dụng bếp than tổ ong. Đây là một hạn chế như tôi đã nói ở trên.
Tuy vậy, các quận, huyện cũng vận dụng các quy định về an toàn và vệ sinh môi trường để thu hồi các bếp than được sử dụng ngoài trời. Đây là một thách thức đòi hỏi trong thời gian tới, rất cần một quy định xử phạt cụ thể để xử lý triệt để các hành vi sản xuất, cung cấp và sử dụng bếp than tổ ong gây ô nhiễm môi trường và nguy hại cho sức khỏe cộng đồng.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!