Thay đổi vì môi trường trong lành hơn

Môi trường - Ngày đăng : 11:54, 23/02/2021

(TN&MT) - Hít thở không khí trong lành lẽ ra phải là một việc bình thường như ăn cơm, uống nước, chứ không phải ngày ngày chuẩn bị khẩu trang phòng độc hay máy lọc không khí và câu hỏi: có nên ra đường không...?! Mọi người có lẽ đang ý thức hơn về vấn đề ô nhiễm môi trường không khí, nhưng thật sự chúng ta đã sẵn sàng thay đổi lối sống hay chưa?

Sắc đỏ “đánh bật” sắc xanh

Ô nhiễm không khí tiếp tục là vấn đề nghiêm trọng, tàn phá sức khỏe mỗi người hôm nay và đe dọa cuộc sống ngày mai, nếu vẫn còn lối nghĩ “không phải việc của tôi”.

Những ngưỡng kỷ lục ô nhiễm không khí Hà Nội từ năm 2020 tiếp tục được thiết lập ngay những tháng đầu năm 2021, với gam màu “đỏ - tím” trong nỗi lo lắng, ngao ngán và bất lực của người dân. Ô nhiễm không khí - Biết rồi… nhưng vẫn phải nói. Nhất là trong bối cảnh các cơ quan chức năng vẫn mắc kẹt tìm giải pháp tối ưu để “kéo” bầu trời xanh trở lại.

Theo Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT, gần đây, mức độ ô nhiễm không khí tại một số đô thị lớn, đặc biệt là TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có nguyên nhân chính là bụi, khí thải từ phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả, kết hợp yếu tố thời tiết bất lợi (nghịch nhiệt) trong các giai đoạn giao mùa.

Ô nhiễm không khí là vấn đề nghiêm trọng.

Trước đó, đại diện Sở TN&MT Hà Nội đã đưa ra dự báo, từ nay đến tháng 3/2021, khoảng thời gian xuất hiện nhiều hình thái thời tiết khí tượng bất lợi, gây suy giảm chất lượng không khí, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân. Dự báo được đưa ra trong bối cảnh kết quả quan trắc của Chi cục Bảo vệ môi trường TP. Hà Nội tại 35 trạm đo trên địa bàn thành phố thời điểm gần đây cho thấy, chỉ số chất lượng không khí xu hướng xấu đi từ những ngày đầu năm, thậm chí, có thời điểm (sáng 5/1/2021) chạm ngưỡng "rất xấu".

Thực tế, TP. Hà Nội từng mổ xẻ và đưa ra tới hơn 12 nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm không khí gồm: khí xả thải từ ô tô, xe máy; đun bếp than tổ ong, đốt củi; xây dựng, phá dỡ các công trình; vận chuyển vật liệu; mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Các nguyên nhân khác là đốt rơm rạ, rác; thu gom rác thải chưa tốt; ô nhiễm ao hồ lâu năm; bùn thải chưa được xử lý; khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận; tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa.

Khi một ngưỡng kỷ lục xuất hiện, chúng ta thừa biết nguyên nhân - không chỉ là các hiện tượng thiên nhiên kiểu “ông trời” và vẫn loay hoay với tâm lý “cha chung không ai khóc”. Điệp khúc cầu mưa tiếp tục được chờ đợi như một sự cứu cánh nhất thời.

Loại bỏ tư duy “cha chung không ai khóc”

Ô nhiễm không khí khiến nhiều người tự đặt câu hỏi: Không khí tôi đang hít thở là không khí của tôi hay là không khí của chung?

Cách chúng ta ứng phó là đổ lỗi cho những kẻ tham lam, vì cái lợi trước mắt mà hủy hoại tài nguyên của chung; phẫn nộ những nhà máy ngày ngày vẫn “vô tư” thải ra nguồn khí độc làm đen ngòm cả bầu trời; tặc lưỡi trước hình ảnh cá chết đầy sông khi đọc báo, chúng ta phản ứng. Nhưng, lại quá ít hành động để đánh động đến ý thức rằng: “Trái đất này là của chúng mình”.

Thực tế, hoạt động sản xuất công nghiệp, dù làm phát thải nguồn ô nhiễm lớn, nhưng dù sao cũng được đặt dưới sự kiểm soát bằng các tiêu chí, tiêu chuẩn, công cụ đo đếm, quan trắc và có giải pháp khá rõ ràng. Trong khi, các hoạt động diễn ra hàng ngày, hàng giờ, trong đời sống sinh hoạt của người dân lại hoàn toàn khác. Việc chưa thể bóc tách tỷ lệ ô nhiễm mà nhóm này tham góp vào các chỉ số ô nhiễm không khí nói chung, đã khiến cho mọi đánh giá đều đang dừng lại ở sự cảm tính. Điều đó nhiều người chủ quan và thấy mình vô can.

Theo Báo cáo Tình trạng không khí toàn cầu 2020 do Viện Ảnh hưởng Sức khỏe (HEI) và Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) tại Đại học Washington và Đại học British Columbia thực hiện, ô nhiễm không khí gây ra 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm, trong đó, khoảng 4 triệu ca tử vong xảy ra ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ô nhiễm không khí đã cướp đi sinh mạng của 6,7 triệu người trên toàn cầu trong năm 2019.

Chỉ riêng chuyện phải thay đổi các làng nghề nhỏ lẻ, các cách mưu sinh bằng tái chế thủ công hay thậm chí là sử dụng những loại thiết bị máy móc, xe cộ đã “quá đát” từ rất lâu là nguồn phát thải tương đối lớn ảnh hưởng tới chất lượng không khí cũng là vấn đề khó khăn với vô số người. Mọi nỗ lực bảo vệ môi trường liên quan đến phát thải của chúng ta đều vấp phải thói quen cố hữu sống sao cho tiện, cho nhanh, cho đơn giản, tiết kiệm, cho người khác gánh chứ không phải trách nhiệm của mình… khiến hậu quả là bầu khí quyển luôn ở tình trạng “báo động”!

Muốn không có “bão”, mỗi ngọn gió cần được giữ cho thật hiền hòa. Ô nhiễm không khí sẽ tiếp tục là vấn đề nghiêm trọng, tàn phá sức khỏe mỗi người hôm nay và đe dọa cuộc sống ngày mai, nếu vẫn còn lối nghĩ: “không phải việc của tôi”.

Thay đổi lớn luôn bắt đầu bằng những dịch chuyển nhỏ. Nhưng cũng không thể trông chờ một sự thay đổi đáng kể nào, nếu các cơ quan quản lý không ra sức tìm cách hướng dẫn người dân điều chỉnh hành vi, tạo mọi điều kiện thúc đẩy sự thay đổi tích cực trong sinh hoạt, trong đời sống của họ theo hướng thân thiện với môi trường, thay vì chỉ dừng lại ở các đánh giá chung chung, hay đổ lỗi cho nhận thức.

Phương Anh