Quyết liệt bảo vệ môi trường không khí sạch
Môi trường - Ngày đăng : 11:54, 23/02/2021
Trong năm 2021 và thời gian tới, Bộ TN&MT cũng như các Bộ, ngành, địa phương cần làm gì để kiểm soát, cải thiện chất lượng không khí. Với mong muốn hiểu rõ hơn về vấn đề này, Báo TN&MT đã có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường.
PV: Thực tiễn cho thấy, tình trạng ô nhiễm không khí đã, đang có chiều hướng gia tăng và trở thành vấn đề “nóng” trong xã hội. Vậy các cơ quan chức năng đã có những hành động cụ thể nào để hạn chế, kiểm soát tình trạng ô nhiễm không khí?
Ông Hoàng Văn Thức:
Trước thực trạng ô nhiễm không khí do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp… ảnh hưởng tới đời sống của người dân cũng như quá trình phát triển bền vững, ngay từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 985a/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ lại tiếp tục ra Chỉ thị 03/CT-TTg về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí. Đây là những nội dung, giải pháp chính để Bộ TN&MT cũng như các Bộ, ngành, địa phương triển khai các hoạt động kiểm soát, bảo vệ môi trường không khí.
Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường. |
Để thực hiện Quyết định số 985a/QĐ-TTg, Bộ TN&MT đã xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng không khí và hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương thực hiện Kế hoạch này; bổ sung, sửa đổi các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường liên quan đến kiểm soát không khí; xây dựng và ban hành quy định về đăng ký, kiểm kê nguồn khí thải công nghiệp, quan trắc khí thải công nghiệp tự động, liên tục.
Bộ TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tích cực thực hiện Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên, môi trường quốc gia đến năm 2020, trong đó quan tâm đến các hệ thống quan trắc không khí, giám sát các nguồn khí thải công nghiệp lớn; xây dựng và ban hành quy định về chuẩn kết nối và yêu cầu kết nối số liệu trong hệ thống quan trắc môi trường quốc gia, các địa phương và khu công nghiệp. Đến nay, hệ thống quan trắc môi trường không khí tự động đã được đầu tư phát triển khá mạnh mẽ. Các số liệu quan trắc chất lượng không khí cũng đã được công bố trên báo chí, truyền thanh, truyền hình, trang thông tin điện tử; đặc biệt đã đưa vào khai thác Ứng dụng VN Air trên thiết bị di động để công bố thông tin trực tuyến về chỉ số chất lượng môi trường không khí (VN AQI) trên phạm vi toàn quốc cho cộng đồng và Ứng dụng Envisoft dùng cho cơ quan quản lý để theo dõi, quản lý dữ liệu, giám sát các số liệu quan trắc môi trường trên toàn quốc.
Đặc biệt, Bộ đã tăng cường các nguồn lực tài chính, đa dạng hóa các nguồn đầu tư, tăng cường kinh phí cho quản lý môi trường không khí, đặc biệt là hình thành hệ thống công cụ kinh tế như phí bảo vệ môi trường đối với khí thải, xây dựng cơ chế trao đổi hạn ngạch phát thải khí thải giữa các doanh nghiệp. Mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác kỹ thuật với các nước có kinh nghiệm và hỗ trợ nguồn lực trong bảo vệ môi trường không khí.
PV: Mặc dù nhiều hoạt động bảo vệ môi trường không khí đã được triển khai, tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm không khí vẫn chưa được giải quyết triệt để. Trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ thực hiện các giải pháp cụ thể nào để kiểm soát ô nhiễm không khí, thưa ông?
Ông Hoàng Văn Thức:
Tại Chỉ thị 03/CT-TTg về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành. Căn cứ vào nhiệm vụ được giao, Bộ TN&MT đã ban hành văn bản hướng dẫn các Bộ, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể. Trong đó có một số nhiệm vụ cần phải triển khai ngay như điều tra, kiểm kê, đánh giá nguồn phát sinh khí thải (nguồn cố định, nguồn di động, nguồn diện) trên toàn quốc; xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn phát thải nói chung trong đó có nguồn thải khí thải; tập trung phân tích, đánh giá, xác định nguyên nhân, nguồn gốc bụi mịn (PM2.5) gây ô nhiễm môi trường không khí vừa qua, trên cơ sở đó sẽ đề xuất các biện pháp, giải pháp cụ thể kiểm soát triệt để nguồn phát tán ô nhiễm bụi.
Tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 985a/QĐ-TTg, đề xuất Kế hoạch quản lý chất lượng không khí trong giai đoạn 2021 - 2025, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I năm 2021. Tăng cường quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình quan trắc chất lượng không khí bảo đảm hiệu quả, thực hiện kiểm soát chặt chẽ về chất lượng trong quan trắc môi trường không khí, công bố kết quả quan trắc và kịp thời cảnh báo ô nhiễm không khí cho cộng đồng. Khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện việc đầu tư, tăng cường năng lực quan trắc chất lượng môi trường không khí phù hợp với quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia, đảm bảo đến năm 2025 phải kiểm soát, cảnh báo, dự báo được diễn biến chất lượng không khí tại các đô thị, vùng miền trên phạm vi cả nước.
Trạm tự động quan trắc môi trường không khí. |
Năm 2021, Bộ tập trung rà soát, hoàn thiện, ban hành hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường đối với khí thải công nghiệp, khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam, chất lượng không khí xung quanh tiệm cận với tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới; rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam, hoàn thành trong quý IV năm 2021. Đồng thời, xây dựng, ban hành tiêu chí và chứng nhận nhãn sinh thái đối với các sản phẩm, phương tiện và dịch vụ giao thông vận tải thân thiện môi trường; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát quy định pháp luật về bảo vệ môi trường không khí, hoàn thiện theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện các quy định, chính sách pháp luật về kiểm soát ô nhiễm không khí.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch quản lý chất lượng không khí; Chỉ thị 03/CT-TTg. Đặc biệt là các quy định liên quan đến kiểm soát ô nhiễm không khí tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
PV: Việc kiểm soát, bảo vệ môi trường không khí không thể làm đơn lẻ mà cần sự chung tay góp sức của các Bộ, ngành, địa phương. Theo ông, các đơn vị này cần triển khai những hoạt động gì để cùng vào cuộc?
Ông Hoàng Văn Thức:
Việc kiểm soát, bảo vệ môi trường không khí là việc khó khăn, phức tạp, lâu dài cần có sự chỉ đạo tập trung thống nhất, sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và cần có nguồn lực tài chính thích đáng để triển khai các nhiệm vụ được giao. Chính vì vậy, tại Chỉ thị 03, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, Bộ TN&MT ngoài việc được giao là đơn vị chủ trì thực hiện các nhiệm vụ quan trọng đã nêu còn là đầu mối theo dõi đôn đốc các Bộ, ngành thực hiện Chỉ thị và tổng hợp báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện.
Bộ GTVT phải khẩn trương xây dựng chương trình, đề án quốc gia phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng thân thiện với môi trường trong đó có phương tiện giao thông điện; tổ chức triển khai thực hiện lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với khí thải phương tiện giao thông vận tải; đảm bảo giảm thiểu bụi, khí thải trong xây dựng công trình giao thông.
Bộ Công Thương tăng cường kiểm soát đối với các dự án, nhà máy có nguồn thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Nghiên cứu, xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng năng lượng sạch và công nghệ thân thiện với môi trường.
Bộ Xây dựng hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định, biện pháp về kiểm soát bụi, khí thải trong hoạt động xây dựng; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch đô thị, bảo đảm tỷ lệ cây xanh, mặt nước trong đô thị, đáp ứng yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan.
Các Bộ khác như: Bộ KH&CN xây dựng, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhiên liệu theo hướng giảm phát thải các chất gây ô nhiễm không khí; đầu tư nghiên cứu các hoạt động về quản lý và kiểm soát chất lượng không khí. Bộ NN&PTNT tăng cường tuyên truyền tới người dân không đốt phụ phẩm nông nghiệp và xử lý đúng quy định bảo vệ môi trường. Bộ Y tế kiểm tra thực hiện việc quan trắc các tác động từ hoạt động của ngành đối với môi trường không khí; tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí từ các lò đốt chất thải y tế. Bộ Tài chính rà soát, hướng dẫn thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Bộ Công an chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm pháp luật về môi trường gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Đối với các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, cần giám sát, kiểm tra, thanh tra kiểm soát bụi, khí thải phát sinh từ các phương tiện giao thông vận tải, phát triển đô thị, xây dựng đân dụng trong phạm vi từng địa bàn. Thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành. Đầu tư xây dựng thêm không gian xanh trong đô thị; tổ chức và duy trì phun nước rửa đường nhiều lần trong ngày tại các trục, tuyến đường. Đôn đốc, giám sát các cơ sở sản xuất thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở TN&MT theo quy định; có chính sách hỗ trợ các hộ gia đình, hộ kinh doanh nhỏ hạn chế, tiến tới không sử dụng than, than tổ ong.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!