Sơn La: Có 26 loài sinh vật ngoại lai xâm hại và có nguy cơ xâm hại

Môi trường - Ngày đăng : 17:53, 21/02/2021

(TN&MT) - Theo kết quả Nhiệm vụ Điều tra, đánh giá sinh vật ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh do Sở TN&MT Sơn La làm chủ đầu tư, toàn tỉnh có 26 loài sinh vật ngoại lai xâm hại và có nguy cơ xâm hại, trong đó, 8 loại cần cô lập, diệt trừ, hạn chế.

Hoạt động điều tra, khảo sát, thu mẫu ốc bươu vàng

Sở TN&MT Sơn La vừa ban hành Công văn số 419/STNMT-QLMT, về việc công bố và gửi kết quả điều tra, đánh giá sinh vật ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, trên địa bàn tỉnh có 15/19 loài sinh vật ngoại lai xâm hại và 11/61 loài sinh vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại có tên tại Phụ lục I, II, Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT ngày 28/12/2018 của Bộ Tài nguyên Môi trường; đã lập bản đồ phân bố các loài thực vật, động vật, vi sinh ngoại lai xâm hại; đã lập bản đồ phân bố các loài thực vật, động vật, vi sinh vật, bản đồ tổng thể hiện trạng và tiêu bản các ngoại lai xâm hại, có nguy cơ xâm hại trên địa bàn tỉnh; đã đánh giá được mức độ ảnh hưởng của sinh vật ngoại lai xâm hại trong giai đoạn hiện tại và dự báo được mức độ ảnh hưởng trong giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030.

Cụ thể, 15 loài ngoại lai xâm hại gồm: Vi-rút gây bệnh chùn ngọn chuối; Nấm gây bệnh thối rễ; Vi khuẩn gây bệnh dịch hạch ở chuột và động vật; Vi-rút gây bệnh cúm gia cầm; Bọ cánh cứng hại lá dừa; Ốc bươu vàng; Ốc sên Châu Phi; Cá ăn muỗi; Cá tỳ bà lớn; Bèo tây; Cây ngũ sắc; Cỏ lào; Cúc liên chi; Trinh nữ móc; Trinh nữ thân gỗ.

11 loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại, gồm: Xén tóc hại gỗ châu Á; Cá chim trắng toàn thân; Cá rô phi đen; Cá trê phi; Cá vược miệng rộng; Cây cứt lợn; Cây hoa tulip châu Phi; cây cúc bò; keo giậu; Cây lược vàng; cỏ lào đỏ.

Hoạt động thu mẫu Ốc sên châu Phi tại huyện Quỳnh Nhai

Ở mỗi huyện, thành phố và mỗi hệ sinh thái chính trên địa bàn tỉnh Sơn La sự phân bố của các loài sinh vật ngoại lai xâm hại cũng có sự khác nhau.

Hiện nay, các loài sinh vật ngoại lai xâm hại và có nguy cơ xâm hại này đã và đang phát triển trên địa bàn tỉnh, đặc biệt với sự phát triển mạnh mẽ của loài ốc bươu vàng đã gây ảnh hưởng không nhỏ đối với sản xuất nông nghiệp của người dân và tính đa dạng sinh học của tỉnh.

Cùng với đó, đã xác định được 8 loài cần cô lập, diệt trừ, hạn chế gồm: Ốc bươu vàng; Ốc sên Châu Phi; Nấm gây bệnh thối rễ; Vi-rút gây bệnh chùn ngọn chuối;Vi khuẩn gây bệnh dịch hạch ở chuột và động vật; Vi-rút gây bệnh cúm gia cầm;Trinh nữ móc; Trinh nữ thân gỗ. Đối với các loài ngoại lai xâm hại và có nguy cơ xâm hại còn lại cần có biện pháp kiểm soát phòng ngừa sớm để giảm thiểu tác hại tới môi trường.

Qua quá trình nghiên cứu, đơn vị tư vấn thực hiện Dự án đã đề xuất cần kết hợp áp dụng các biện pháp quản lý và biện pháp kỹ thuật trong kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại và có nguy cơ xâm hại đang có mặt trên địa bàn tỉnh Sơn La. Với mỗi loài sẽ áp dụng các biện pháp tương ứng phù hợp với điều kiện địa phương. Ngoài ra, các cấp, ngành, địa phương cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn ngừa sự xâm nhập của các loài ngoại lai xâm hại và có nguy cơ xâm hại mới.

Đề nghị đơn vị trực tiếp quản lý và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh, là Sở NN&PTNT, Sở TN&MT phối hợp chặt chẽ đánh giá, giám sát, rà soát, cập nhật danh mục sinh vật ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh hàng năm.

Đề nghị các cấp có thẩm quyền chỉ đạo, vận động và phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban ngành, người dân địa phương liên quan trong các hoạt động phát hiện, ngăn chặn, diệt trừ sinh vật ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn như đã trình bày ở trên.

Sở TN&MT cũng đề nghị các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố nghiên cứu báo cáo tổng hợp kết quả điều tra, đánh giá sinh vật ngoại lai xâm hại để phục vụ công tác quản lý, xây dựng kế hoạch ngăn ngừa, kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

Người dân phun thuốc phòng trừ ốc bươu vàng, sâu bệnh trên cây lúa tại tỉnh Sơn La

Sơn La là một trong những tỉnh có tài nguyên đa dạng sinh học cao với khoảng 1.187 loài thực vật, 101 loài thú, 347 loài chim, 64 loài bò sát… Trong đó, có nhiều loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm như: Lát hoa, Bách xanh, Nghiến, Chò chỉ, Thông ba lá.. và các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm như: Vượn đen, Cầy vằn, Sóc bay... Trong các báo cáo thống kê kết quả điều tra đa dạng sinh học chưa thấy đề cập nhiều đến các loài ngoại lai hay ngoại lai xâm hại, mà điển hình nhất là loài ốc bươu vàng đã và đang ảnh hưởng lớn đến nhiều diện tích lúa tại địa phương.

Với sự đa dạng, phong phú về cảnh quan, hệ sinh thái, đa dạng sinh học, đặc biệt trước những cảnh báo về tác động của các loài ngoại lai xâm hại hiện nay đến môi trường, hệ sinh thái, đa dạng sinh học, phát triển kinh tế - xã hội,… cần phải có những đánh giá và biện pháp kiểm soát kịp thời để phòng ngừa, hạn chế những ảnh hưởng của các loài này gây ra đối với tỉnh Sơn La.

Nhiệm vụ Điều tra, đánh giá sinh vật ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh được phê duyệt tại Quyết định số 1056/QĐ-UBND ngày 25/5/2020. Dự án được thực hiện tại 204 xã thuộc 12 huyện, thành phố.

Qua đó, đã điều tra hiện trạng, lập danh mục các loài sinh vật ngoại lai xâm hại và có nguy cơ xâm hại tại Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT ngày 28/12/2018 của Bộ TN&MT. Kết quả của nhiệm vụ đã xây dựng 4 bản đồ, gồm 1 bản đồ về hiện trạng phân bố thực vật ngoại lai xâm hại, 1 bản đồ về hiện trạng phân bố động vật ngoại lai xâm hại, 1 bản đồ về hiện trạng phân bố vi sinh vật ngoại lai xâm hại, 1 bản đồ tổng thể về hiện trạng phân bố các loài ngoại lai xâm hại; 3 báo cáo chuyên đề về 3 nhóm sinh vật ngoại lai xâm hại và 1 báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện nhiệm vụ.

Nguyễn Nga