Châu Âu cần chi gần 600 tỷ USD để đạt được mục tiêu khí hậu năm 2030

Thế giới - Ngày đăng : 08:30, 19/02/2021

(TN&MT) - Một báo cáo của Công ty tư vấn Wood Mackenzie (Vương quốc Anh) ngày 18/2 cho biết Châu Âu cần đầu tư hàng tỷ USD vào năng lượng tái tạo và lưu trữ điện để có thể đạt được mục tiêu khí hậu năm 2030.

Khói và hơi nước bốc lên từ Nhà máy điện Belchatow, nhà máy nhiệt điện than lớn nhất châu Âu do Tập đoàn PGE vận hành tại Belchatow, Ba Lan

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 12/2020 đã nhất trí đặt mục tiêu khí hậu tham vọng hơn, tiến tới cắt giảm 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với các mức ghi nhận năm 1990, cao hơn đáng kể so với mục tiêu 40% trước đó.

Tuy nhiên, phân tích của Wood Mackenzie cho thấy, theo các kế hoạch hiện tại, châu Âu sẽ đạt mức cắt giảm 46% lượng phát thải vào năm 2030 so với mức của năm 1990. Báo cáo cho biết, để đạt được mục tiêu mới, EU cần tăng đáng kể công suất năng lượng tái tạo, như năng lượng gió, năng lượng mặt trời và lưu trữ điện, với mức đầu tư khoảng 585 tỷ USD vào năm 2030.

Theo báo cáo, để tiến tới mục tiêu trên, cần tập trung vào công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon (CCS), sử dụng rộng rãi hydro làm nhiên liệu, nhiều xe điện hơn và cải cách Hệ thống thương mại khí thải của EU (ETS) bao gồm cả việc đưa ra mức giá sàn đối với chi phí phát thải carbon.

Báo cáo nêu rõ, giá các-bon 65 USD/tấn sẽ đảm bảo hỗ trợ quá trình chuyển dịch từ các nhà máy điện than gây ô nhiễm sang các nhà máy nhiệt điện khí phát thải thấp hơn và sẽ thúc đẩy đầu tư vào công nghệ. Mức giá này cao hơn gần 30% so với giá chuẩn hiện tại ở ETS của Châu Âu - 39 euro/tấn (tương đương 47,03 USD/tấn).

Giám đốc nghiên cứu của Wood Mackenzie, ông Murray Douglas cho biết: “Nếu giá carbon được thống nhất, sẽ giúp phát triển đường ống dẫn CO2 của các dự án CCS và hydro cần thiết”.

Lan Chi