TP Sơn La: Triển khai các giải pháp phòng ngừa ô nhiễm nguồn nước

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 18:20, 18/02/2021

(TN&MT) - Thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa, bảo vệ môi trường, an toàn nguồn nước, ngay từ tháng 1/2021, UBND thành phố Sơn La đã xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban, đơn vị có liên quan.

TP Sơn La phối hợp với Sở TN&MT kiểm tra tại cơ sở sơ chế, chế biến cà phê Quàng Văn Hồng, xã Chiềng Cọ

Năm 2020, tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của thành phố vẫn xảy ra do hoạt động sơ chế, chế biến quả cà phê tươi; chăn nuôi gia súc, gia cầm xả thải ra môi trường không qua xử lý làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân trên địa bàn thành phố Sơn La.

Ông Đoàn Xuân Thi, Trưởng phòng TN&MT TP Sơn La cho biết: Qua kiểm tra, rà soát, năm 2020, có 14 cơ sở hộ gia đình, cá nhân thực hiện thu mua, sơ chế cà phê thuộc phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước sinh hoạt đối với nhà máy cấp nước số 1, số 2 thành phố; 8 cơ sở hộ gia đình, cá nhân thực hiện thu mua, sơ chế cà phê không thuộc phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước. Ngoài ra, có 1 cơ sở, hộ gia đình chăn nuôi lợn trên địa bàn xã Chiềng Cọ. Các cơ sở không đảm bảo điều kiện hoạt động, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Kết quả, trong năm 2020, Đoàn kiểm tra của UBND thành phố đã kiểm tra, xử phạt vi phạm theo thẩm quyền 11 trường hợp, tổng số tiền phạt 31 triệu đồng. Đã phối hợp với Sở TN&MT, Công an tỉnh kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kết quả xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường 1 trường hợp, với tổng số tiền 290 triệu đồng.

Tuy nhiên, do hoạt động sơ chế, chế biến cà phê là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình, trên địa bàn thành phố không có đơn vị thu mua, chế biến nên đã đẩy giá cà phê xuống thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và kinh tế của các hộ gia đình. Do giá thu mua thấp, các hộ gia đình tự sơ chế sản phẩm từ vườn cà phê của gia đình hoặc sơ chế thuê... thực hiện vào ban đêm và gần sáng nên khó khăn trong công tác kiểm tra, phát hiện, lập hồ sơ xử lý.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu; ý thức chấp hành pháp luật còn thấp (nhất là các hộ gia đình, cá nhân); nhận thức của xã hội về tầm quan trọng của việc bảo vệ, gìn giữ các nguồn nước và bảo vệ môi trường còn hạn chế. Công tác phối hợp trong kiểm tra, xử lý vi phạm đôi khi còn chậm, lúng túng, nhất là tại cấp xã, phường. Chế tài xử lý vi phạm đối với các hộ gia đình, cá nhân còn thấp, chưa đủ sức răn đe.

UBND Thành phố đã giao Phòng TN&MT chủ trì, xây dựng phương án khả thi xử lý dứt điểm lượng nước thải đang lưu trữ từ hoạt động sơ chế cà phê năm 2020 của hộ gia đình ông Quàng Văn Hồng

Để nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, thành phố Sơn La đã chỉ đạo các phòng, ban, Công an thành phố và UBND các xã, phường tiếp tục bố trí cán bộ, lực lượng giám sát liên tục đối với các cơ sở, hộ gia đình hoạt động sơ chế, chế biến cà phê. Tiến hành rà soát toàn bộ các cơ sở chế biến cà phê trong khu vực hành lang bảo vệ đầu nguồn nước để xem xét thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; Giấy xác nhận đăng ký Đề án bảo vệ môi trường đơn giản; Kế hoạch bảo vệ môi trường đã cấp. Kiên quyết không cấp phép hoạt động cho các hoạt động chế biến, sơ chế cà phê, nông sản trong hành lang bảo vệ nguồn nước.

Tăng cường trách nhiệm về quản lý môi trường đối với các phòng, ban chuyên môn cấp thành phố, UBND cấp xã, phường trong việc thẩm định môi trường; xác nhận, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch bảo vệ môi trường theo thẩm quyền.

Tiếp tục triển khai tuyên truyền Đề cương tuyên truyền phòng, chống ô nhiễm môi trường nguồn nước do chế biến cà phê theo Thông báo Kết luận số 138-KL/TU ngày 19/11/2020 của Ban Thường vụ thành ủy. Xử lý nghiêm cán bộ vi phạm, không chấp hành thực hiện hoặc có biểu hiện tiêu cực bao che, dung túng, tiếp tay cho các cơ sở vi phạm xả thải ra nguồn nước. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

UBND Thành phố đã giao Phòng TN&MT chủ trì, tham mưu với UBND thành phố phương án khả thi xử lý dứt điểm lượng nước thải đang lưu trữ từ hoạt động sơ chế cà phê năm 2020 của 2 hộ gia đình ông Quàng Văn Hồng tại xã Chiềng Cọ và hộ Quàng Văn Tính tại xã Chiềng Đen. Hoàn thành trước tháng 4/2021.

Xây dựng kế hoạch kiểm tra, rà soát, đánh giá các cơ sở, hộ gia đình sản xuất chế quả cà phê trên địa bàn xã Hua La, phường Chiềng Sinh có hệ thống chứa, lưu trữ chất thải giản đơn hoạt động năm 2020 nhưng không đáp ứng đủ các quy định về bảo vệ môi trường. Đề xuất giải pháp xử lý. Kết quả thực hiện xong trước tháng 5/2021.

Đề xuất thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; kế hoạch, bản xác nhận cam kết bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động sơ chế quả cà phê tươi nhưng không có hệ thống xử lý chất thải, nước thải theo đúng quy định sau khi rà soát, kiểm tra đánh giá. Hoàn thành trước tháng 5/2021.

Xây dựng bài tuyên truyền hướng dẫn nhân dân về thủ tục đăng kí kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định, phương pháp thực hiện xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nước thải theo hướng dẫn của Sở TN&MT để nhân dân thực hiện. Hoàn thành trước tháng 4/2021.

Xây dựng kế hoạch kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường trong chế biến, sơ chế cà phê mùa vụ 2021. Hoàn thành trước tháng 9/2021.

Giao Công an thành phố phối hợp phòng TN&MT, UBND các xã phường tổ chức tuyên truyền, ký cam kết đối với những tổ chức, cá nhân hoạt động chăn nuôi, sơ chế chế biến quả cà phê. Hoàn thành trước tháng 4/2021. Xây dựng kế hoạch chỉ đạo Công an các xã phường chủ động nắm tình hình, kiểm tra xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về môi trường, nhất là có liên quan đến an toàn nguồn nước…

Nguyễn Nga