Quảng Ninh chuyển từ kinh tế “nâu” sang “xanh”
Kinh tế - Ngày đăng : 11:18, 18/02/2021
“Xanh” hóa những mảng “nâu” kinh tế
Tỉnh Quảng Ninh được ví như “Việt Nam thu nhỏ” với rất nhiều ưu thế cả về cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên khoáng sản lẫn những giá trị về văn hóa, lịch sử. Là tỉnh duy nhất có đường biên giới cả trên bộ, trên biển với Trung Quốc; có di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và những đặc sắc của vịnh Bái Tử Long cùng với hơn 500 di tích, danh lam thắng cảnh đã được công nhận...
|
Tiềm năng to lớn là vậy, nhưng ngành du lịch Quảng Ninh hơn 10 năm về trước gần như chỉ gắn liền với vịnh Hạ Long và dịch vụ còn khá nghèo nàn, không tương xứng với vị thế của một Di sản, Kỳ quan thiên nhiên thế giới. Du lịch của tỉnh qua mỗi năm đều có sự tăng trưởng nhất định. Tuy nhiên, tiềm năng, lợi thế về dịch vụ, du lịch của địa phương trong suốt một thời gian dài được đánh giá là chỉ khai thác được “bề nổi”, chưa mang tính bền vững. Mâu thuẫn trong phát triển du lịch, dịch vụ với công nghiệp, nhất là ngành khai thác than vẫn tồn tại khá rõ nét.
Giai đoạn năm 2010 trở về trước, so với các ngành kinh tế khác, tỷ trọng ngành công nghiệp của tỉnh Quảng Ninh chiếm tới 59% cơ cấu nền kinh tế; cơ cấu thu nội địa dựa vào than và đất chiếm tới 77% số thu ngân sách nội địa. Trong đó, chỉ riêng số thu ngân sách từ ngành than đã chiếm 67% số thu nội địa của tỉnh mỗi năm. Đóng góp của ngành công nghiệp, nhất là khai thác than với kinh tế của Quảng Ninh là không nhỏ. Nhưng đi cùng với đó là các mỏ than, nhà máy sản xuất nhiệt điện, xi măng, đóng tàu tập trung bên bờ vịnh Hạ Long, Bái Tử Long đã tác động không nhỏ đến môi trường du lịch, dịch vụ, phát triển kinh tế biển đảo, nguồn lợi thủy hải sản.
Những thách thức này không chỉ ảnh hưởng đến diện mạo, mà về chiều sâu, theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh từng khẳng định, đó chính là mâu thuẫn lớn giữa khai thác than, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển công nghiệp nặng, đô thị hóa nhanh với phát triển du lịch, dịch vụ theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Quảng Ninh đã giải quyết bài toán này bằng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhấn mạnh "tăng trưởng kinh tế đảm bảo chỉ tiêu đề ra trên nền tảng phát triển bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, quốc phòng - an ninh vững chắc. Nâng cao chất lượng và tỷ trọng các ngành dịch vụ, nhất là du lịch; phát triển công nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường".
Tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long đi vào hoạt động thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ninh |
Gỡ nút thắt để phát triển kinh tế “xanh” bền vững
Trong 5 năm trở lại đây, Quảng Ninh như đã “lột xác” với hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại với tuyến đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng nối liền với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn đi vào hoạt động. Đồng thời với những dự án hàng nghìn tỷ đồng của những tập đoàn lớn trong nước và quốc tế liên tục đầu tư vào Quảng Ninh, nâng tầm đẳng cấp du lịch, như: Khu nghỉ dưỡng Vinpearl Hạ Long, Công viên Sunworld, Quần thể du lịch nghỉ dưỡng và sân golf FLC, Khu nghỉ dưỡng Yên Tử Legacy, Khu nghỉ dưỡng cao cấp suối khoáng nóng Quang Hanh...
Năm 2020, trước những ảnh hưởng không nhỏ của đại dịch Covid-19 đối với ngành du lịch, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động, liên tiếp ban hành nhiều chính sách kích cầu du lịch. Những “trợ lực” này đã góp phần tạo động lực để ngành du lịch vượt khó, lấy lại đà tăng trưởng, khẳng định vị thế của một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Tính đến thời điểm này, Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc triển khai hiệu quả các gói kích cầu du lịch, hướng tới lợi ích của các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực du lịch, dịch vụ, lữ hành. Đặc biệt, mới đây nhất, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai gói kích cầu du lịch trong năm 2021 ước tính trị giá khoảng 500 tỷ đồng, tiếp tục tập trung vào thị trường khách nội địa với kỳ vọng tạo "cú hích" phục hồi ngành du lịch và giải quyết việc làm cho người lao động địa phương.
Lễ hội sắc màu Tuần Châu Hạ Long 2021 góp phần thu hút du khách đến với Quảng Ninh |
Với những bước đi đầy chiến lược, du lịch Quảng Ninh đã một lần nữa khẳng định được sức hút của mình. Dù ảnh hưởng của dịch, Quảng Ninh vẫn đón được 8,8 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng trong năm 2020, tổng thu từ du lịch ước đạt trên 17.000 tỷ đồng. Một trong những minh chứng rõ nét nhất cho sự thành công thực hiện “mục tiêu kép” của Quảng Ninh trong năm qua là tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 10,05%, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Đây là mức tăng trưởng cao, đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (sau Bắc Giang, Hải Phòng). Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 49.300 tỷ đồng, tăng 3% so với dự toán, tăng 7% so với năm 2019.
Với một năm đầy khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhưng với những quyết sách nhanh, táo bạo, hợp lý, hiệu quả, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành “mục tiêu kép”, được Trung ương đánh giá cao về hiệu quả trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”. Đặc biệt là những bứt phá ngoạn mục trong phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, đưa Quảng Ninh trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của Việt Nam đối với du khách và các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.