Cảm hứng khơi dậy đại dương

Biển đảo - Ngày đăng : 17:03, 13/02/2021

(TN&MT) - Gìn giữ môi trường biển, góp phần phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; Tăng cường quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên và bảo vệ môi trường biển; Hạn chế sản phẩm nhựa dùng một lần, những tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường sinh thái, đến sức khỏe con người…

Đây chính là mục tiêu mà cuộc thi viết “Cùng giữ màu xanh của biển” lần thứ Nhất năm 2020 (do Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và Báo Tài nguyên và Môi trường tổ chức) đặt ra thông qua việc tôn vinh những tập thể, cá nhân tiêu biểu có những đóng góp giá trị, quan trọng trong công cuộc giữ gìn, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa biển, đi đôi với xây dựng xã hội, gắn kết thân thiện với biển; bảo đảm quốc phòng an ninh đối ngoại và hợp tác quốc tế.

 

Báo Tài nguyên và Môi trường trân trọng lược ghi và giới thiệu 3 trong các ý kiến của các nhà sử học, chuyên gia, nhà văn... tham gia cuộc thi với cương vị là thành viên Ban Giám khảo.

Nhà văn Chu Lai                                                      

“Đây không chỉ là về vấn đề tài nguyên, rác thải, mà còn là số phận con người và lịch sử tồn vong của nhân loại”

Các bạn ạ, tại ngôi nhà này (cuộc thi của Báo Tài nguyên và Môi trường) sẽ mở đầu cho một núi lửa. Nó sẽ bừng cháy lên và lan đến tất cả ngôi nhà của toàn quốc, tạo nên hào hứng, bổn phận thiêng liêng giữ mãi màu xanh của biển.

Theo tiêu chí của cuộc thi, tôi thấy các tác giả, các nhà báo có thể thả hồn mênh mông, đề tài này không chỉ là về vấn đề tài nguyên, rác thải, mà còn là số phận con người và lịch sử tồn vong của nhân loại.

Tôi cho rằng, cuộc thi sẽ mở ra một tài nguyên chính nghĩa, phì nhiêu và phong phú, gặt hái được rất nhiều thành công về vấn đề tài nguyên,… tạo ra một hợp minh thành để giữ lửa qua nhiều ngày, nhiều năm.

Nhà văn Chu Lai 

Cuộc thi lần này sẽ để lại một ấn tượng rất mạnh và tất cả nhìn vào như một tiêu chí để giật mình nhận ra hơn 3.000 cây số biển Việt Nam với hàng chục triệu tấn rác thải nhựa phủ trên mặt biển thì con người sống như thế nào?

Cảm hứng biển cả là cảm hứng sinh tồn của các quốc gia. Cảm hứng đại dương là cảm hứng thi ca của loài người. Biển ngàn năm nay vẫn tạo ra những áng thi ca, những trường ca, những bộ phim… bất hủ.

Tôi thoáng nghĩ đến những người lính ở Trường Sa, màu xanh của biển đã nuôi dưỡng tâm hồn người lính biển. Đừng để quanh họ ngổn ngang rác thải, chai lọ nổi bập bềnh, khiến ý chí chiến đấu giữ vững chủ quyền có lúc chao chênh!

Câu hỏi của con người về giữ mãi màu xanh của biển là câu hỏi của một đời và câu hỏi của nhiều đời. Giữ mãi màu xanh của biển không chỉ là giữ mãi một vật thể biển, tài nguyên biển mà là giữ mãi màu xanh của biển trong tâm hồn con người, và trong trái tim đa tình của người lính...

Nhà sử học Dương Trung Quốc

“Thành quả cao nhất chính là thay đổi tư duy trong mỗi con người”

 Những nội dung đang bàn đến là nội dung đương đại hết sức quan trọng và có tác động đến tương lai, để nhìn nhận nó chúng ta hãy nhìn lại quá khứ, đặt ra vấn đề: dân tộc chúng ta tồn tại trên dải đất này, ý thức về biển cả, môi trường như thế nào?

Chúng ta đừng quên dấu ấn của nền văn minh loài người được hình thành là nằm dọc bờ biển, từ nền văn hóa Hạ Long ở vịnh Bắc Bộ, đến nền văn hóa Bàu Tró ở Quảng Bình, Sa Huỳnh ở Quảng Nam, đến Óc Eo ở Nam Bộ. Dân tộc Việt Nam đã gắn với biển từ rất lâu rồi. Hơn 40 năm trước, nhóm các nhà thám hiểm ở Bắc Âu đến Việt Nam khảo sát để làm thực nghiệm việc sử dụng bề mảng ở Thanh Hóa đã cho rằng bề mảng ở Thanh Hóa là nguyên bản cổ nhất mà chúng ta giữ lại được và họ đã khẳng định rằng bằng phương tiện đấy, cư dân vùng châu Á đến với châu Mỹ. Nó cho thấy năng lực đi biển ngay từ sớm của tổ tiên ta, để lại dấu ấn trên trống đồng, trên các tập quán, tín ngưỡng của cư dân vùng biển, và ngày hôm nay chúng ta xếp nó là một trong những di sản phi vật thể của dân tộc, đó là các lễ Cầu Ông ở bờ biển, đặc biệt bờ biển Nam Trung Bộ.

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Vì sao cách đây nửa thiên niên kỷ, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đưa ra nguyên lý “Dang tay giữ lấy biển Đông”, vì sao trong luật pháp nhà Lê, đời Lê Thánh Tông đã bàn đến chuyện bảo vệ môi trường? Mong rằng các nhà báo trong cuộc vận động này, bên cạnh việc hướng tới những giá trị hiện đại, tiếp cận khoa học công nghệ, quốc tế hóa,… thì đừng quên những giá trị chúng ta từng có.

Sống với môi trường phải hiểu và biết sử dụng nó như thế nào để đắc lợi nhất cho người dân. Giờ đây, chúng ta đang sống trong cuộc sống hiện đại, chúng ta xây dựng đời sống mà được điều chỉnh cả bằng pháp luật, cả bằng những giá trị đạo đức xã hội, tạo nên tập quán xã hội bền vững. Mong trong việc nhận thức của hiện đại, các nhà quản lý nên quan tâm đến quá khứ, các nhà báo nên quan tâm đến những bài học đã từng có và giá trị (của nó - PV) trong đời sống phát triển hiện nay.

Chúng ta đã duy trì được 4 diễn đàn nhưng làm sao có thể nhân rộng ra. Qua rất nhiều kênh, với các cách tiếp cận qua các phương tiện nghe nhìn, youtube,… phải làm thế nào thu hút được sự quan tâm của xã hội nhiều nhất và thành quả cao nhất chính là thay đổi tư duy trong mỗi con người. Cá nhân tôi rất vinh dự và sẽ làm tròn trách nhiệm với tư cách thành viên Ban Giám khảo, tôi xin chúc cho cuộc thi thành công…

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi 

“Chúng ta cần có nhiều bài viết về những sáng kiến, giải pháp bảo vệ  đại dương, giữ mãi màu xanh của biển”

Chủ đề cuộc thi của chúng ta bám rất sát vào Nghị quyết 36 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế Biển Việt Nam đến 2030 tầm nhìn đến 2045 mà nền tảng của nó dựa trên kinh tế biển Xanh.

Kinh tế biển Xanh lấy môi trường, tài nguyên làm chất xúc tác, cho nên bảo vệ vốn thiên nhiên của biển, hệ sinh thái nói rất nhiều đến đa dạng sinh học, nguồn tài nguyên khoáng sản không tái tạo khác, nhưng thực chất biển Việt Nam đang nằm trong khu vực biển Đông - với bối cảnh đang bị đầu độc bởi rất nhiều nguồn khác nhau, chủ yếu liên quan đến hoạt động, hành vi ứng xử của con người.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi

Chủ đề của cuộc thi rất phong phú về mặt đối tượng, vấn đề mà chúng ta khai thác rất đa dạng. Tôi tin rằng, sẽ có nhiều bài viết khác nhau với chủ đề khác nhau và sẽ rất hay trong bối cảnh hiện nay.

Với bối cảnh biển Đông, vấn đề môi trường, tài nguyên của biển Đông liên quan đến rất nhiều đến hành vi ứng xử của con người và liên quan đến hoạt động kinh tế của chúng ta khoảng từ 40 - 70% là từ đất liền (theo kiểm kê của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2010 với Liên Hợp Quốc). Đồng thời, liên quan đến biến đổi khí hậu, chính vì thế trong bối cảnh của biển Đông, việc bảo vệ tài nguyên của môi trường và chủ quyền biển đảo phải được xem 3 mặt của 1 vấn đề. Chúng ta giữ được tài nguyên môi trường là đang góp phần giữ được chủ quyền biển đảo của đất nước, ngược lại chúng ta giữ được chủ quyền biển đảo của đất nước tạo được tiền đề và điều kiện thuận lợi để giữ gìn tài nguyên môi trường.

Chúng ta phải đổ mồ hôi xương máu mới bảo vệ được chủ quyền và nếu chúng ta bảo vệ được chủ quyền mà không giữ nguồn tài nguyên môi trường thì không tương xứng với vị trí của dân tộc Việt Nam, với sự ủng hộ của bạn bè quốc tế.

Đối với thế giới, đại dương cho chúng ta rất nhiều, nhìn về góc độ khoa học thì đại dương có thể cho chúng ta mọi thứ và ngược lại có thể lấy của chúng ta mọi thứ, tùy thuộc vào ý thức của con người. Bên cạnh những tác phẩm tôn vinh, chúng ta cần có nhiều bài viết về những sáng kiến, giải pháp bảo vệ đại dương, giữ mãi màu xanh của biển...

Phong Thư (lược ghi)