Khát vọng phồn vinh

Trong nước - Ngày đăng : 16:59, 13/02/2021

(TN&MT) - Thêm một mùa Xuân lại về. Xuân Tân Sửu 2021, cả dân tộc hân hoan trong thành công của Đại hội Đảng lần thứ XIII. Đất nước bước vào một chặng đường mới. 

Trong ngày Hội non sông, nhìn lại những kỳ tích đã đạt được trên tất thảy các lĩnh vực trong hai thập niên đầu của thế kỷ mới, chúng ta ngắm lại mình trong tư thế mới, giữa thời đại mới sẽ thấy ta đã làm được những điều thần kỳ, có thể coi như một kỳ tích, nâng vị thế và hình ảnh Việt Nam lên một tầm cao mới trên trường quốc tế. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng soi lại mình với thế giới và thấy, còn nhiều việc phải làm để bứt phá đi lên, để vượt qua chính mình.

Tạo lập hình ảnh một Việt Nam mới

Năm Canh Tý 2020 đi qua, đánh dấu một thời điểm vô cùng trọng đại của đất nước trong tiến trình hội nhập. Đây cũng là năm chúng ta bước đầu tổng kết những kết quả của Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, một kỳ Kế hoạch ngắn hạn trong phát triển kinh tế đất nước. Những nhận định, đánh giá và đường hướng phát triển cho đất nước đặt ra từ Đại hội XIII của Đảng mang tầm nhìn chiến lược, dài hạn.

Hai mươi năm trước, khi bắt đầu bước vào thế kỷ mới, năm 2000, bao câu hỏi đặt ra khi xác định mục tiêu cho 10, 20 năm sau. Và hôm nay, chúng ta đã làm được, đã có lời đáp để chúng ta hãnh diện, tự hào, hạnh phúc với một đất nước Việt Nam có vị thế hoàn toàn mới, một đất nước huy hoàng, tươi đẹp trong cảm nhận của bạn bè quốc tế. Giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam năm 2020 là 319 tỷ USD, tăng 29% so với năm 2019, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 33 (tăng 9 bậc) trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới.

 

Đảng của chúng ta đã thực sự vĩ đại và thành công, đã đưa đất nước đi đến ngày hôm nay. Chính phủ Việt Nam cũng nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế. Như nhận định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Trong những thời khắc đầy khó khăn, thách thức ứng phó với thiên tai, dịch bệnh năm nay, tính ưu việt của hệ thống chính trị nước ta, ý chí, sức mạnh Việt Nam, truyền thống yêu nước, đoàn kết, tương thân, tương ái, "thương người như thể thương thân" và sức sống mãnh liệt của dân tộc ta lại được khẳng định và phát huy ở tầm cao mới, rất kịp thời, đúng lúc”.

Không chỉ có vậy, suốt hai thập kỷ qua, đặc biệt là 5 năm trở lại đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã duy trì, phục hồi, phát triển kinh tế đạt kết quả cao nhất có thể. Năm 2020, Việt Nam được đánh giá là một trong số 10 nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất; một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất. Nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp đúng đắn đã được ban hành kịp thời và tổ chức thực hiện tốt để duy trì ở mức cao các hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnhCovid-19, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội.

Trong năm 2020, kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng dương, đạt 2,91%, góp phần làm cho GDP trong 5 năm vẫn tăng trung bình 5,9%/năm, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới; quy mô nền kinh tế tăng 1,4 lần so với đầu nhiệm kỳ, trở thành nền kinh tế có quy mô đứng thứ 4 trong ASEAN.

Lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ... cũng tiếp tục phát triển và có nhiều tiến bộ. Nước ta đã có 63% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt xa mục tiêu 50% đã đề ra; 91% dân số tham gia bảo hiểm y tế; 9 bác sĩ và 28 giường bệnh trên một vạn dân; giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều từ gần 10% năm 2015 xuống còn dưới 3% năm 2020… Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long đã được triển khai trên cả giác độ tái cơ cấu kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu. Song song, chúng ta đã và đang ngày càng quan tâm, đề cao ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa vật thể lẫn phi vật thể của dân tộc ta.

Không chỉ có vậy, chúng ta đang ngày càng tiến sâu vào hội nhập quốc tế. Hai thập kỷ đầu của thế kỷ mới, chúng ta đã tạo dựng được một lực phát triển mạnh hơn, tức là một thế đứng cao hơn, ít nhất là 4 lần. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2020 được xếp thứ 42/131 nước, đứng đầu nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập. Những nỗ lực và kết quả đạt được trong lĩnh vực phát triển xã hội của nước ta được nhân dân ghi nhận và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Xếp hạng về phát triển bền vững của Việt Nam đã tăng từ thứ 88 năm 2016 lên thứ 49 năm 2020, cao hơn nhiều so với các nước có cùng trình độ phát triển kinh tế.

Chúng ta cũng phát triển về chất lượng cơ cấu, đang có đà phát triển tốt và thiết lập được những mối quan hệ quốc tế, bạn mới ngày nhiều hơn. Những thành công vượt dự kiến trong các chuyến thăm hàng loạt quốc gia của lãnh đạo cao nhất nước ta cho thấy, không phải chỉ có chúng ta cần đến các bạn mà chính bạn bè quốc tế cũng cần đến chúng ta. Những thành quả ấy còn lớn hơn nhiều so với những con số thống kê về thành tựu. Con số tăng trưởng dù 5 hay 7%, dù GDP có tăng 4 lần hay tăng lên 8 lần cũng không thể nói lên hết bước xoay chuyển lịch sử ấy. Với bước tiến này, Việt Nam chắc chắn sẽ bước tiến rất xa.

Những kết quả đó đã góp phần làm nên thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, với nhiều dấu ấn nổi bật của nhiệm kỳ khóa XII của Đảng và thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của 35 năm đổi mới, làm cho đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, tạo niềm tin, nguồn lực và động lực mới để chúng ta vững bước thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Đảng đề ra.

Nhận diện chính mình

Bên cạnh những thành quả ấy, chúng ta cũng không thể tự bằng lòng với chính mình. Dù đã làm được những điều rất đáng tự hào song cũng còn bao điều rất đáng lo.

So với các nước khác trong khu vực và trên thế giới đang có những bước tiến dài về phía trước, chúng ta còn một khoảng cách khá xa. Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, dù triển vọng thu nhập của người dân Việt Nam dự kiến sẽ tốt đẹp hơn, tuy nhiên, có lẽ cũng khó theo kịp các nước trong khu vực.

Nhưng, Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam "Điểm lại" của WB cũng có cái nhìn lạc quan khi nhận định, trong thời gian tới, triển vọng của Việt Nam được cho là tích cực khi nền kinh tế được dự báo tăng trưởng ở mức khoảng 6,8% trong năm 2021 và sẽ ổn định mức 6,5% các năm tiếp theo. Dự báo này của WB được đưa ra dựa trên giả định rằng, khủng hoảng Covid-19 sẽ dần được kiểm soát, khi vắc xin Covid-19 chứng minh được tính hiệu quả.

Mặc dù vậy, quy mô và thời gian kéo dài của đại dịch cũng như những tác động kinh tế khó có thể dự báo và do đó, không thể bỏ qua một kịch bản tăng trưởng thấp hơn.

Báo cáo nhấn mạnh rằng, Việt Nam còn tiềm tàng những rủi ro tài chính và xã hội, đòi hỏi các cấp có thẩm quyền cần quan tâm hơn nữa.

 

Bên cạnh phân tích về những xu hướng gần đây của nền kinh tế Việt Nam, Báo cáo với tiêu đề "Từ Covid-19 đến biến đổi khí hậu: Làm thế nào để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong phục hồi xanh", đặt câu hỏi tại sao Việt Nam lại chưa xử lý những thách thức về khí hậu và môi trường hiệu quả như với khủng hoảng Covid-19, tuy được cho là có khác biệt nhưng thực ra lại có nhiều điểm tương đồng. Cũng giống như đại dịch, những thảm họa về khí hậu và môi trường cũng gây thiệt hại rất lớn về người và của và đều cho con người những cảm giác rất mong manh.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần xử lý những thách thức về khí hậu và môi trường với tinh thần khẩn trương như đã làm với Covid-19 vì cái giá phải trả từ việc không hành động ngày càng tăng và khó có thể đảo ngược. Đợt bão lụt lịch sử tại miền Trung vừa qua và ô nhiễm không khí tăng lên ở các thành phố lớn trong nước là minh chứng rõ ràng về sự mong manh dễ tổn thương.

Theo Báo cáo, hai bài học rút ra qua quản lý thành công khủng hoảng Covid-19 có thể được áp dụng để giải quyết tốt hơn các vấn đề đối với môi trường là phải chuẩn bị từ trước, hành động sớm và kiên quyết. Bên cạnh đó, cùng với tầm nhìn và năng lực, việc tạo điều kiện thử nghiệm cách làm mới sáng tạo cũng góp phần thay đổi hành vi của cá nhân và tập thể, đây là nền tảng cho các chiến lược ứng phó với những nguy cơ về y tế và khí hậu.

Việt Nam có thể đạt được khát vọng trở thành nền kinh tế thu nhập cao trước năm 2045 hay không không chỉ dựa vào khả năng Việt Nam vượt qua khủng hoảng Covid-19 thành công mà dựa vào hiệu quả trong quản lý tài nguyên và rủi ro khí hậu.

Nhìn ra như thế, nhưng làm thế nào lại là điều không dễ. Phải đối mặt với những chọn lựa khó khăn trong giai đoạn gian khó, có lẽ mới thấy được sự cần thiết phải thay đổi. Thời kỳ vàng son đôi khi vẫn có thể đưa đến chính sách không hay, mặc dù, điều đó không phải lúc nào cũng đúng.

Tiến lên bậc cao hơn trên nấc thang công nghệ và giá trị gia tăng là thử thách lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt, nhất là khi chúng ta đang ở bậc thang thấp. Chúng ta không thể thỏa mãn với các chỉ số về tốc độ tăng trưởng GDP mà cần nhìn thấy chất lượng của sự tăng trưởng. Bởi lẽ, ngay hiện tại 1% tăng trưởng của ta đang nhỏ hơn 1% tăng trưởng của các nước khác rất nhiều. Chúng ta phải cần bao nhiêu chục phần trăm thì mới bằng 1% tăng trưởng của Nhật? Nghĩa là để đuổi kịp họ, khi họ đi một bước thì ta phải đi hàng trăm bước. Dù tăng trưởng, nhưng so với thế giới ta vẫn tụt hạng. Chúng ta không phải tụt hạng về bao nhiêu bơ gạo, bao nhiêu cân khoai mà là tụt về chất lượng. Đây thực sự là một mối nguy hiểm đáng lo ngại. Bởi thế, để tạo dựng thịnh vượng thời nay, ngoài “cơ bắp”, một dân tộc chỉ mạnh nếu có trí tuệ.

Bứt phá đi lên

Trong phát biểu của mình cuối năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ: Bên cạnh hai trụ cột Kinh tế và Xã hội, chúng ta phải chú trọng hơn nữa vấn đề Môi trường. Mọi người đều phải có trách nhiệm nhiệm bảo vệ môi trường, từ không khí cho đến nguồn nước, từ dòng sông cho đến con suối, từ hồ ra đến biển. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên. Trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã đề xuất trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới.

Cả hệ thống chính trị chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng một xã hội phát triển toàn diện, ở đó, mọi tầng lớp nhân dân bất kể thành phần, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, tuổi tác… đều có cơ hội chung tay góp sức, chia sẻ khát vọng mãnh liệt về một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng đưa ra đánh giá lạc quan, Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt để phục hồi sau Covid-19. Việt Nam đang có cơ hội để lựa chọn con đường phát triển xanh hơn, thông minh hơn và toàn diện, nhờ đó, trở thành vững vàng hơn trước những cú sốc trong tương lai do cả đại dịch hay thảm họa thiên nhiên.

Đánh giá của Chính phủ cũng nhìn nhận “Chúng ta cũng nhìn thấy nhiều thách thức của biến đổi khí hậu… Tuy nhiên, dù chúng ta có lo ngại hay lạc quan, muốn hay không muốn thì những thay đổi ấy vẫn đang diễn ra. Trách nhiệm của Nhà nước là phải kiểm soát rủi ro, giảm thiểu tối đa những thiệt hại cho người dân và nền kinh tế. Đồng thời, trong khó khăn, chúng ta cũng nhìn thấy cơ hội mang lại từ làn sóng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số là rất lớn, giúp mở ra không gian mới cho sự phát triển”.

Mọi người sẽ sớm nhận ra rằng, từ nửa sau thế kỷ 21 này, thế giới có thể sẽ không còn nhớ đến những quốc gia dẫn đầu về thu nhập nhưng sẽ luôn nhớ đến những quốc gia, những tổ chức, những cá nhân tiên phong trong một số thành tựu đem lại cuộc sống tốt hơn cho con người. Việt Nam chưa thể đứng ở nhóm đầu các quốc gia về thu nhập, nhưng hoàn toàn có thể đi đầu trong một số ngành và lĩnh vực mới khai phá. Chúng ta cần sớm nhận ra cơ hội trong khó khăn. Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị cho thấy, Đảng ta đã sớm nhận ra cơ hội này và đã chủ động đề ra chủ trương và chính sách lớn. Cả hệ thống chính trị và mỗi người dân phải có trách nhiệm và quyết tâm đưa Nghị quyết đó vào thực tiễn, biến cơ hội thành lợi thế, biến lợi thế thành nguồn lực, chuyển nguồn lực thành kết quả tăng trưởng bền vững cho đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Chính phủ xác định phương châm hành động của năm 2021 là: "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, quyết liệt hành động, khát vọng phát triển”. Sứ mệnh của chúng ta là kiến tạo một môi trường mà ở đó mọi người dân đều có cơ hội tham gia đóng góp vào sự phát triển và "không để ai bị bỏ lại phía sau". Chúng ta đã cùng nhau đạt được những kết quả bước đầu và không được chủ quan bởi chúng ta còn có thể làm tốt hơn thế. Bên cạnh việc đầu tư những dự án lớn quốc gia, chúng ta cũng không được bỏ sót những dự án nhỏ, những con đường, chiếc cầu ở nông thôn, miền núi.

Nhìn tới tương lai, chúng ta đã thấy bao thách thức đang chờ đón. Những suy tính như thế là để thấy còn bao việc phải làm, bao suy ngẫm, trăn trở đang hối thúc chúng ta làm việc, tăng tốc để sánh vai cùng bè bạn năm châu. Nhưng phải làm gì, làm như thế nào vẫn là câu hỏi lớn đặt ra. Chúng ta đang đứng ở đâu trên bản đồ tăng trưởng của thế giới? Năng lực của con người Việt Nam đến đâu? Làm thế nào để tận dụng được cơ hội đang mở ra trước mắt chúng ta? Trên nhiều diễn đàn những câu hỏi ấy vẫn đang xoáy sâu và yêu cầu chúng ta phải hành động.

Ước mong vươn lên để xây dựng đất nước giàu mạnh hơn đã tiềm ẩn trong mỗi con người Việt Nam. Nhưng để làm được điều đó, quan trọng là phải có một ý chí chiến đấu mạnh mẽ của cả dân tộc. Phải tạo một sự đồng lòng trong gần 100 triệu người dân Việt.

Xuân Tân Sửu 2021 đến như một dòng chảy, khơi dậy sức bật mạnh mẽ trong mỗi chúng ta. Khát vọng làm giàu, đất nước phồn thịnh đang như khối năng lượng khổng lồ chỉ chờ là giải phóng!

Lý Ngọc Thanh