Nỗi niềm người địa chất

Khoáng sản - Ngày đăng : 23:42, 10/02/2021

(TN&MT) - Một năm có 12 tháng thì đến 7 tháng đi thực địa, sống ở lán, nằm ở rừng, chịu cái lạnh như “cắt da cắt thịt”, từng trải qua sốt xuất huyết hoành hành tưởng chừng như không qua khỏi...

Đó là những gian nan của người địa chất mà phóng viên có thể cảm nhận qua cuộc trò chuyện với ông Lê Quyết Tâm - Nguyên Phó Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) vào một ngày cận kề Tết Tân Sửu năm 2021.

Can đảm đối diện với hiểm nguy

Với gần 40 năm gắn bó với nghề địa chất, ông Lê Quyết Tâm vừa nghỉ hưu từ ngày 1/1/2021. Nhấp chén trà trong cái lạnh buốt của ngày đông, ông Tâm trầm ngâm một lúc, rồi nói: “Cuộc đời của nhà địa chất luôn gắn liền với những chuyến đi không ít gian nan, nguy hiểm nhưng cũng đầy kỷ niệm khó quên. Đặc biệt, công việc của nhà địa chất có những đặc thù riêng biệt, không thể nhầm lẫn với bất kỳ ngành nghề nào khác… Đằng sau mỗi công trình và mỗi phát hiện về địa chất, cấu trúc, địa mạo, đặc biệt là tài nguyên khoáng sản phóng xạ… là những chuyến đi đầy gian nan, phải đổ nhiều mồ hôi, công sức, thậm chí “đổ máu” của các nhà địa chất mà chỉ người trong nghề mới hiểu được”.

Ông Lê Quyết Tâm (ngoài cùng bên phải) cùng Đoàn kiểm tra của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam kiểm tra thực địa Đề án thăm dò quặng urani ở huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam năm 2017

Những chuyến đi đó đã để lại kỷ niệm không thể nào quên trong lòng người địa chất với 38 năm. Trầm ngâm bên chén trà, ông Lê Quyết Tâm nói tiếp: “Năm 1999, tôi là một trong những thành viên của Đoàn Địa chất 154 thuộc Liên đoàn Địa chất 10 (nay là Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm) đi khảo sát trước khi triển khai Đề án đánh giá quặng urani ở khu Đông Nam Bến Giằng ở Làng Rô (xã Cà Dy, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam). Sau khi khảo sát, tôi cùng 2 đồng nghiệp khác đi thuyền độc mộc của đồng bào địa phương trên một con sông rất rộng. Khi ra đến giữa sông, bỗng nhiên sóng lớn làm lật thuyền. Trong lúc đó, một người phải ngồi trên con thuyền bị lật để giữ máy địa vật lý đo phóng xạ nặng chừng 4 kg, 2 người còn lại phải bỏ giày bảo hộ ra và lội chân trần để giữ thuyền. Nếu không có máy đó thì không thể phát hiện ra quặng và coi như chuyến đi thất bại”.

Những cố gắng, can đảm vượt qua hiểm nguy, sẵn sàng chấp nhận với tình huống tính mạng bị đe dọa của ông Tâm và 2 thành viên trong đoàn đã mang lại ý nghĩa hết sức lớn lao cho Đề án. Sau chuyến đi, ông đã lập Báo cáo đề án với tính thuyết phục, khả thi rất cao và khẳng định diện tích khu vực khảo sát có triển vọng về quặng urani, được Nhà nước xác nhận đưa vào Quy hoạch 1388 (Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030) để thăm dò và tới đây sẽ tiếp tục thăm dò, làm rõ chất lượng của quặng urani. Đó là thành công rất lớn của Đề án.

Cũng không ít lần trong các chuyến thực địa, ông Tâm và các cán bộ kỹ thuật thuộc Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm bị sốt rét do muỗi rừng đốt, trong khi không có phương tiện di chuyển dễ dàng như ở vùng đồng bằng nên những người địa chất phải thay nhau khiêng bệnh nhân ra trạm xá tiêm và điều trị.

Vượt qua cuộc sống kham khổ vì lòng yêu nghề

Nhà địa chất thường phải đi thực địa thường xuyên, vào mùa khô, mỗi chuyến đi kéo dài vài tuần, có khi kéo dài vài tháng, thậm chí vài năm. Có lẽ vì thế mà dấu chân nhà địa chất in dấu khắp nơi trên đất nước, đặc biệt ở những vùng núi và vùng sâu, vùng xa. Hành trang trong ba lô của người địa chất trong mỗi chuyến đi là máy móc, thiết bị, máy ảnh, bút chì, búa và một số loại đồ ăn khô như cá khô – món được ông Tâm gọi là “món chủ đạo” của người địa chất khi đi thực địa.

Đối với nghề địa chất xạ - hiếm, những chuyến đi thực địa chủ yếu ở vùng núi, những nơi không có dân, chỉ có một số bà con vùng dân tộc thiểu số. Vì thế, trước những năm 2000, khi đi thực địa, trên lưng người địa chất không thể thiếu các dụng cụ như xoong, nồi, bát, đũa, 1 - 2 cân cá khô và vài cân gạo. Ông Tâm bùi ngùi kể lại: “Trong mỗi bữa ăn của người địa chất, bữa nào cũng chỉ có 3 món là cơm, cá khô và rau rừng. Phần đầu của cá khô cũng được gom lại sau mỗi bữa ăn, để đến khi không còn nguồn thức ăn dự trữ sẽ phải ăn đầu cá. Họa hoằn bà con dân tộc bán cho con gà thì mới được một bữa ăn cải thiện. Vất vả là thế nhưng có khi cả năm ở trong rừng, đến ngày Tết mới được về nhà”.

Khảo sát địa chất hang động

Theo lời kể của ông Tâm, sau năm 2005 những chuyến đi thực địa đã bớt gian nan hơn. Đó là thời điểm ở những khu vực miền núi có nhiều nhà dân, vì thế những người địa chất như ông có thể ở nhờ hoặc thuê nhà của người dân. Thế nhưng, đó cũng chỉ là những ngôi nhà không được xây dựng kiên cố, đã nhiều lần ông tỉnh dậy dưới ngôi nhà tốc mái sau mưa bão.

Dẫu biết nghề địa chất là một nghề nguy hiểm, vô cùng khó khăn, gian khổ, đặc biệt tiếp xúc nhiều với chất phóng xạ sẽ khiến sức khỏe của người địa chất giảm sút nhưng vì lòng yêu nghề nên ông Tâm đã gắn bó và có nhiều đóng góp lớn cho ngành trong suốt gần 40 năm qua. Năm 2018, ông được Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tặng Bằng khen vì đạt tiêu chuẩn đảng viên “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” 5 năm liền 2013 - 2017. Với thành tích xuất sắc trong công tác, ông cũng 2 lần được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tặng Bằng khen vào năm 2013 và 2016.

Mai Đan