Xuân của người lính “sống ở biển, vui buồn với biển”
Xã hội - Ngày đăng : 10:34, 08/02/2021
Trước giờ đi DK1 |
Giữa những con sóng vỗ về dưới chân đế Nhà giàn DK1, giữa tiếng rì rào của gió và biển xanh, có các chàng trai với bộ quân phục màu áo trắng hải âu đang ngày đêm canh giữa biển trời thềm lục địa thân yêu Tổ quốc. Và trong những phút giây lặng lẽ, đôi mắt các anh lại hướng về mảnh đất thân yêu để chờ đợi bóng dáng những con tàu.
“Một ba lô cây súng trên vai. Người chiến sỹ quen với gian lao”. Hành trang của người lính muôn đời vẫn là một tay súng, một chiếc ba lô, nhưng sự hy sinh và nỗi nhọc nhằn mà các anh đã trải qua thật khó nói hết bằng lời. Chiến tranh đi qua, hôm nay, trong cuộc sống thanh bình, những lính trẻ nhà giàn lại tiếp tục làm nhiệm vụ thiêng liêng cao cả của mình để bảo vệ vùng trời vùng biển thân yêu của Tổ quốc.
Trung tá Trương Văn Thắng - rời quê hương miền Trung xứ Nghệ - nơi có đồi cát chang chang mùa hạ, mùa mưa lũ lụt tràn về, đã nhiều năm liền gắn bó đời mình với nhà giàn DK1 bồi hồi nhớ lại: “Năm ngoái, tàu đi tiếp lương thực thực phẩm và hàng Tết ra đến nơi thì gặp sóng to không sao thả được xuồng và phải đợi cho hết đợt gió mùa đông bắc tăng cường sóng gió giảm, tàu mới buộc dây vào chân trạm và chuyển hàng, quà Tết bằng dây ròng rọc, một số bịch đựng thực phẩm bị tụt rơi hết xuống biển, gà, vịt bị chết sạch do sóng biển mặn. Nhà giàn và tàu chỉ cách nhau 30 mét nhưng không gặp được nhau. Chúng tôi chúc Tết qua máy bộ đàm và đồng thanh hô chúc mừng năm mới để đoàn chúc Tết ở dưới tàu thấy nghe được không khí đón Tết của chúng tôi”.
Anh Thắng kể thêm, có những đợt biển động dài ngày, cả trạm phải ăn cá kìm khô chưng với mắm tôm hấp nồi cơm và canh rau dền, thế mà ai cũng thấy ngon miệng. Có những đêm, giông bẫo ầm ầm, mặc cho mưa nguồn chớp bể, sóng biển dữ dội đánh lên tận sàn công tác anh em vẫn ôm đàn nghi ta hát: “Người chiến sĩ nhà giàn, vẫn kiên cường trong bão dông, dù gian khó không sờn lòng, hiến dâng tuổi xanh xá chi, gìn giữ đất cha ông, vẹn trọn màu Xuân sắc, cờ thằm gió tung bay, súng ngang trời đứng canh”. Vâng đời lính là vậy, gian khổ thiếu thốn về vật chất, nhưng các anh luôn lạc quan khó khăn không nản chí.
Chiến sĩ nhà giàn gói bánh chưng đón Tết |
Thiếu úy Võ Hùng Cường, chàng sĩ trẻ ở nhà giàn DK1/7 bộc bạch: “Cực khổ thế nào, tụi em vẫn vượt qua để không hổ thẹn những người đi trước. Lần đầu tiên em đón Xuân trên biển, nhớ nhà là điều không tránh khỏi, nhưng thấy rất tự hào vì được thử sức trẻ của mình. Đã là người lính thì phải chấp nhận hy sinh gian khổ đúng không anh?”.
Bí thư Chi đoàn Hoàng Văn Nam đã qua tuổi đầu “bốn” còn độc thân vui tính bật mí: “Nhớ nhà lắm, nhất là đêm giao thừa.
Còn Thiếu úy Trần Văn Hạnh, Chính trị viên Nhà giàn DK1/11 tâm tình: “Đây là năm thứ hai em đón Tết trên biển. Mỗi mùa xuân về người lính nhà giàn cũng có nhiều niềm vui mới. Khác với năm trước, Tết này em vui hơn, vì bạn gái mới ra trường luôn là điểm tựa để em yên tâm công tác. Năm nay, chúng em đã nuôi 3 con lợn, 7 con vịt để đón Tết. Ở nơi xa xôi này, ngày thường đã rất nhớ đất liền, mỗi khi xuân về Tết đến, nỗi nhớ ấy lại cồn cào gấp bội".
Còn bao chàng trai trẻ trong phút nhớ nhà, chỉ biết tâm sự với chính mình hay với sóng biển. Thế mới hiểu các anh trông đợi tin tức từ đất liền biết nhường nào. Nhiều khi cả hơn hai tháng mới có tàu thay trực, nhận được quà của người thân từ đất liền gửi ra, tất cả dung chung để sẻ niềm vui.
Mỗi khi có đoàn công tác từ đất liền ra thăm, các anh đều đón tiếp nồng nhiệt chân thành để rồi bịn rịn lúc chia tay. Thời gian gặp nhau tuy ngắn ngủi, nhưng những câu thơ tặng nhau qua zalo, dòng địa chỉ trao tay đã bù đắp phần nào nỗi cô đơn trong lòng họ.
Nhà giàn Phúc Nguyên trong sóng gió |
Xuân Tân Sửu đã về trên khắp nẻo đường góc phố làng quê. Trong khi ở đất liền rộn ràng sắm Tết, ở nơi xa nhất của biển quê hương, những người lính nhà giàn DK1 bồng súng gác trong gió gào sương lạnh. Bởi những người lính nơi ấy luôn hiểu rằng, dẫu chiến tranh hay thời bình nỗi vất và bao giờ cũng đặt lên vai người chiến sĩ.
Để có một mùa xuân tươi đẹp như hôm nay, các anh đã giành phần lớn tuổi thanh xuân của mình trên những trạm gác tiền tiêu, canh giữ vùng biển vùng trời cho nhân dân bình yên đón Tết.