Tập đoàn SCG tiến vào năm 2021 với định hướng Kinh tế Tuần hoàn
Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 15:19, 06/02/2021
Năm 2020 vừa khép lại với rất nhiều sự kiện đáng nhớ. Chưa bao giờ thế giới lại chứng kiến một cuộc khủng hoảng diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ở mọi quốc gia trên toàn cầu. Các vấn đề về môi trường gây ra bởi biến đổi khí hậu và lượng rác thải gia tăng do đại dịch COVID-19 sẽ trở thành thách thức lớn cho các nền kinh tế trong tương lai gần.
Kinh tế Tuần hoàn (KTTH) là một trong những giải pháp tối ưu để giải quyết tình trạng khẩn cấp toàn cầu hiện nay. Khác với nền kinh tế tuyến tính truyền thống vận hành theo mô hình Sản xuất - Tiêu Thụ - Phát thải, nền Kinh tế Tuần hoàn hướng đến gia tăng vòng đời sản phẩm trong một chu trình khép kín, nhờ vậy giúp tiết kiệm nguồn lực, giảm thiểu rác thải, ô nhiễm… Tuy nhiên, mô hình này đòi hỏi có sự hợp tác và kết nối, trong đó cần đến sự dẫn dắt của các doanh nghiệp hàng đầu như SCG.
Thúc đẩy hợp tác đa phương trong khu vực, hướng đến kinh tế tuần hoàn
Hoạt động trong 03 lĩnh vực Hoá dầu, Xi măng – Vật liệu xây dựng và Bao bì, SCG được biết đến là doanh nghiệp kiểu mẫu về phát triển bền vững trong khu vực Đông Nam Á. Tập đoàn được DJSI (Dow Jones Sustainability Index) xếp hạng 7 năm liền trong bảng Vàng, và năm 2020 trở thành doanh nghiệp số 01 thế giới về chỉ số phát triển bền vững.
Tháng 11 năm 2020, tại Hội nghị chuyên đề Phát triển bền vững diễn ra tại Bangkok (Thái Lan), SCG đã cùng 180 đối tác đã áp dụng những nguyên tắc của nền Kinh tế Tuần hoàn để đưa ra giải pháp cho một tương lai bền vững. Theo đó, mạng lưới hợp tác đã đưa ra 04 nhóm giải pháp cho 04 vấn đề nóng bỏng của thế giới bao gồm: 1.Khắc phục tình trạng hạn hán bằng hệ thống tuần hoàn nước, 2.Giảm thiểu bụi mịn PM 2.5 bằng nền nông nghiệp 100% không đốt bên cạnh việc hỗ trợ nông dân tiếp cận với máy móc hiện đại để tạo thu nhập ổn định, 3.Đưa vấn đề quản lý chất thải nhựa vào chương trình nghị sự quốc gia và 4.Kêu gọi sự quan tâm của chính phủ để hỗ trợ chương trình Xây dựng Xanh và Sạch.
Hội nghị Phát triển bền vững 2020 do SCG chủ trì đưa ra 04 giải pháp cho những vấn đề nóng bỏng toàn cầu và khu vực. |
Đây là năm thứ 11 SCG chủ trì Hội nghị chuyên đề Phát triển bền vững, thu hút sự quan tâm của hàng ngàn tổ chức công - tư trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, với mục tiêu xây dựng nền kinh tế tuần hoàn trên diện rộng, SCG đã kêu gọi mở rộng phạm vi hợp tác, qua đó tăng trưởng mạng lưới nhanh chóng lên tới 180 đối tác vào năm 2020.
Tập đoàn SCG và các đối tác từ nhiều lĩnh vực chung tay áp dụng nguyên tắc Kinh tế Tuần hoàn và đưa ra giải pháp cho các vấn đề khẩn cấp toàn cầu. |
Tiên phong trong ứng dụng Kinh tế Tuần hoàn tại Việt Nam
Cũng trong năm 2020, SCG trở thành một trong những doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam tham gia Hợp tác Công - Tư (PPC) cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Unilever, và Dow Chemicals nhằm xây dựng nền Kinh tế Tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam.
Ông Thanapat Kaweetraiphop (thứ hai từ phải qua), đại diện SCG tại buổi lễ kí kết. |
Trọng tâm của PPC xoay quanh 4 nội dung: Nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu rác thải nhựa và phân loại rác tại nguồn; Hỗ trợ các hoạt động phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải nhựa; Tăng cường đổi mới công nghệ và giải pháp tái chế rác thải nhựa; Tăng cường đối thoại và xây dựng chính sách hỗ trợ kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam.
Ông Thanapat Kaweetraiphop, Giám đốc Thương mại Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn, đơn vị thành viên của Tập đoàn SCG cho biết: “Để xây dựng kinh tế tuần hoàn, sự phát triển kết cấu hạ tầng dưới sự điều hành của Chính phủ, cũng như những quy định nghiêm ngặt và quy trình xử lý rác thải khắt khe là chưa đủ mà việc hợp tác giữa tất cả các bên là một yếu tố quan trọng nhất để đi đến thành công. Chúng tôi vinh dự là một trong những đơn vị đầu tiên tham gia phát triển các chương trình quản lý chất thải cho các cộng đồng tại Việt Nam.”.
Tập đoàn SCG trao tặng thùng rác và hướng dẫn phân loại rác tại nguồn cho 2 trường tiểu học tại xã Long Sơn, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. |
Để hiện thực hoá mục tiêu của PPC, tháng 10 năm 2020, SCG đã khởi động dự án thí điểm đầu tiên của tập đoàn tại Trường Tiểu Học Long Sơn 1 và 2, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, địa bàn của dự án Tổ hợp Hoá dầu Miền Nam do tập đoàn làm chủ đầu tư. Tại đây, hơn 800 em học sinh và gia đình đã tham gia vào dự án Phân loại Rác thải tại nguồn, thông qua các hoạt động đào tạo bổ ích của SCG phối hợp cùng doanh nghiệp xã hội mGreen. Dự án áp dụng công nghệ số thông qua ứng dụng SmartCity để ghi nhận khối lượng rác thải đã được phân loại từ các em học sinh và các hộ gia đình, sau đó khuyến khích hành động bằng những phần quà thú vị từ đơn vị tài trợ, cùng nhiều hoạt động thi đua hào hứng giữa các lớp để khuấy động phong trào vì một cộng đồng xanh, không rác thải.
Và nỗ lực trong kinh doanh hướng đến môi trường bền vững
Để trở thành người dẫn dắt trong mô hình Kinh tế Tuần hoàn, SCG đã đề ra chiến lược thay đổi từ bên trong. Từ việc tái thiết kế các sản phẩm để sử dụng ít tài nguyên hơn, dễ dàng tái chế, tái sử dụng hơn, cho đến việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng, cho phép thu hồi sản phẩm, tăng tỷ lệ tái chế trong sản xuất, hay áp dụng những công nghệ mới nhất giúp giảm phát thải, tái tạo năng lượng… SCG đang dần hoàn thiện mô hình kinh doanh từ trong mỗi doanh nghiệp thành viên cho tới phạm vi tập đoàn, theo định hướng Kinh tế Tuần hoàn.
Năm qua, các công ty con của SCG tại Việt Nam cũng đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển bền vững. Điển hình, tháng 12 năm 2020, Công ty TNHH Ngói bê tông SCG (Việt Nam) vừa nhận giải thưởng Top 100 Doanh nghiệp bền vững nhất năm 2020 được đánh giá bởi bộ chỉ số CSI do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBSCD) phát triển.
Ông Tăng Văn Hợi – Giám đốc Sản xuất Công ty Ngói bê tông SCG (Việt Nam) nhận chứng nhận CSI 100 từ ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và ông Võ Tuấn Nhân – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam (MONRE). |
Nói về thành quả này, ông Udorn Chobtham – Tổng giám đốc Công ty Ngói bê tông SCG (Việt Nam) và Công ty CP Đầu tư & Công nghiệp Bửu Long cho biết: “Trước nhu cầu luôn biến đổi của thị trường, CRVC đã liên tục đầu tư phát triển sản phẩm mới cũng như dây chuyền sản xuất hiện đại, song hành cùng việc cải tiến quy trình hoạt động hướng đến bảo vệ môi trường, tạo điều kiện lao động tốt hơn cho nhân viên của chúng tôi, cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng địa phương.’’.
Đáng chú ý, ngành Bao bì của SCG tại Việt Nam mới đây cũng lần đầu tiên cho ra mắt sản phẩm tiêu dùng đầu tiên áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn - nhà giấy Doozy Paper Playhouse. Sản phẩm không những thân thiện với môi trường mà còn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Cụ thể, sau khi sử dụng, sản phẩm có thể được thu gom và tái chế thành vật liệu giấy tại nhà máy Vina Kraft của SCG tại tỉnh Bình Dương. Các vật liệu này sau đó được các nhà sản xuất sử dụng để sản xuất các sản phẩm tiêu dùng mới ở chu kỳ tiếp theo.
Với cam kết Nhiệt huyết Nâng tầm cao mới (Passion For Better), SCG đã và đang không ngừng đưa ra những sáng kiến nhằm thúc đẩy nền Kinh tế Tuần hoàn trong phạm vi doanh nghiệp và trên toàn nền kinh tế, vì một tương lai tốt đẹp hơn cho cả cộng đồng, đất nước, và khu vực./.