Lãng phí thực phẩm mối quan tâm mới của người tiêu dùng

Thông tin cần biết - Ngày đăng : 15:09, 05/02/2021

(TN&MT) - Trong bản phát hành lần thứ 13, Báo cáo Tetra Pak Index 2020 đã tiết lộ nhiều thông tin đa chiều thú vị về mối quan tâm cũng như nhu cầu mới của người tiêu dùng trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Trong đó, lãng phí thực phẩm là một trong các vấn đề người tiêu dùng trăn trở.

Đại dịch Covid-19 đã khiến lãng phí thực phẩm đã trở thành mối quan ngại mới của người tiêu dùng

Theo nghiên cứu mới nhất, hệ thống chuỗi cung thực phẩm toàn cầu đang phát ra 26% lượng khí thái nhà kính, trong khi đó, lại có đến một phần ba thực phẩm bị thất thoát hoặc lãng phí ở đâu đó trong chuỗi cung. Các vật liệu có nguồn gốc từ nguyên liệu hóa thạch cũng cần được loại bỏ dần, cùng với đó là thực hiện tăng cường xử lý bao bì sau sử dụng.

Trong nỗ lực giải quyết thách thức về phát triển bền vững của ngành bao bì thực phẩm, Tetra Pak - hãng cung cấp hộp giấy đựng đồ uống đến từ Thụy Điển đã giới thiệu mô hình hợp tác mới với các nhà sản xuất giấy bìa. Theo đó, mô hình này sẽ chuyển từ chuỗi cung tuyến tính truyền thống sang hệ sinh thái hợp tác, trong đó, toàn ngành sẽ cộng tác chặt chẽ với nhau để tìm ra giải pháp bao bì bền vững.

“Chúng tôi đang hợp tác với các đối tác chiến lược và các nhà sản xuất giấy bìa để tìm ra giải pháp sản xuất bao bì vừa bền vững vừa an toàn. Và nếu không thể phát triển giải pháp này trên quy mô lớn, chúng ta không thể giảm lãng phí thực phẩm cũng như phục vụ dân số toàn cầu ngày càng tăng lên. Chúng ta cần sự hợp tác chặt chẽ để đáp ứng được cả ba yếu tố này,” ông Laurence Mott, Phó Chủ tịch phụ trách về Phát triển và Kỹ thuật tại Tetra Pak cho biết thêm.

Ông Mott cũng cho rằng, quy mô của những thách thức môi trường mà thế giới phải đối mặt đòi hỏi sự hợp lực của tất cả các thành viên trong chuỗi cung ứng.

Thay đổi nhận thức về lãng phí thực phẩm

Báo cáo do Tetra phối hợp với công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu Ipsos thực hiện cũng tiết lộ người tiêu dùng đang thay đổi nhận thức về lãng phí thực phẩm. Thậm chí có hơn 3/4 người tiêu dùng đánh giá lãng phí thực phẩm là vấn đề cần phải quan tâm - cùng cấp độ với nóng lên toàn cầu.

Điều này là bởi đại dịch COVID-19 khiến tình trạng lãng phí thực phẩm càng thêm trầm trọng. Người tiêu dùng, kể cả tại các nước phát triển, đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm khi người dân đổ xô đi mua thực phẩm tích trữ. Trong khi đó, tại các trang trại lại có hàng triệu lít sữa bị đổ đi và thực phẩm, hoa quả không được thu hoạch, bị thối rữa.

Theo kết quả điều tra, trong số những người được hỏi về những hành động góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường, có 47% người tiêu dùng chọn “hạn chế lãng phí thực phẩm”. Ngoài ra, có hơn một nửa số người được hỏi đánh giá việc hạn chế lãng phí thực phẩm là quan trọng để bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong khi 43% người tiêu dùng đánh giá đây là một việc làm có ích cho cộng đồng.

Tương lai ngành bao bì cần tiến xa hơn trong việc tạo hình và thiết kế để không chỉ bảo vệ thực phẩm mà còn giúp giảm lãng phí thực phẩm

Vai trò quan trọng của bao bì thực phẩm

Theo các nhà nghiên cứu, một trong những nguyên nhân chính gây lãng phí thực phẩm là thời hạn sử dụng ghi trên nhãn mác. Bởi vì thời hạn sử dụng ghi trên nhãn mác, thường gắn với chữ “best before” (sử dụng tốt nhất trước ngày) gây ám ảnh tâm lý cho người mua hàng và từ đó làm cho nhiều loại thực phẩm bị vứt bỏ khi vẫn trong tình trạng chất lượng tốt. Theo nghiên cứu, có tới 39% người tiêu dùng cho biết họ vứt thực phẩm vì nguyên nhân trên, kể cả khi sản phẩm không có mùi hoặc bị hỏng.

Một trong những giải pháp chống lãng phí thực phẩm là công nghệ bảo quản thực phẩm lâu hơn nhằm giảm lãng phí thực phẩm mà vẫn đảm bảo chất dinh dưỡng. Tiếp theo là việc ghi nhãn hiệu quả. Đây là cơ hội để ngành bao bì xem xét xây dựng nhãn hạn sử dụng thông minh cho phép người tiêu dùng biết thực phẩm còn an toàn hay không cũng như là thay đổi cách giao tiếp với khách hàng thông qua thông tin trên vỏ hộp.

Theo nghiên cứu, một nửa số người tiêu dùng cho biết họ cảm thấy yên tâm hơn khi bao bì sản phẩm có nắp đậy và 58% khách hàng cho rằng bao bì thực phẩm được đóng kín giúp duy trì bảo vệ và tái sử dụng sản phẩm ngay cả khi đã được mang ra dùng nhiều lần.

Tương lai ngành bao bì không nên dừng lại ở việc tạo hình và thiết kế mà cần chú trọng vào nghiên cứu, phát triển, chế tạo ra các loại bao bì thông minh, góp một phần quan trọng vào công cuộc chống lãng phí thực phẩm. Được biết, Tetra Pak hiện đã khởi động hành trình này với hi vọng cùng toàn ngành hướng tới mục tiêu kép là đáp ứng nhu cầu thực phẩm đồng thời bảo vệ môi trường.

PV