Phối hợp quản lý bảo vệ rừng giáp ranh 3 tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Ngãi và Kon Tum
Tài nguyên - Ngày đăng : 13:09, 05/02/2021
Hệ sinh thái rừng trong vùng giáp ranh giữa 3 tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và Kon Tum hầu hết là rừng tự nhiên, tính đa dạng sinh học cao, với sự hiện diện của nhiều loài động, thực vật quý, hiếm, đặc hữu. Đặc biệt, rừng ở khu vực này là đầu nguồn của các con sông lớn, có tác dụng phòng hộ, bảo vệ, chống xói lở và điều hòa nguồn nước.
Từ năm 2011, 3 tỉnh đã ký kết Quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản vùng giáp ranh. Sau thời gian ký kết, Chi cục kiểm lâm 3 tỉnh đã thường xuyên thực hiện chế độ trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ mua bán, vận chuyển trái phép lâm sản, phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, xâm chiếm đất rừng. Mặc dù vậy, tình trạng rừng giáp ranh bị tàn phá vẫn diễn ra. Điều này đặt ra thách thức lớn cho các ngành chức năng trong công tác quản lý, bảo vệ…
Quảng Ngãi có nhiều diện tích rừng giáp ranh với các địa phương Quảng Nam, Kom Tum |
Để bảo vệ tốt rừng giáp ranh, Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra quyền và nghĩa vụ của chủ rừng theo Luật Lâm nghiệp năm 2017; phát hiện và xử lý vi phạm của chủ rừng trong việc sử dụng rừng được nhà nước giao. Đề cao trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp của UBND các cấp, nhất là cấp xã vùng giáp ranh; quản lý, giám sát các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh.
Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm triển khai thực hiện nghiêm túc theo Quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh giữa 03 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum đã ký kết; hướng dẫn, kiểm tra các Hạt Kiểm lâm vùng giáp ranh, Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR, Kiểm lâm bàn xã ký kết kế hoạch phối hợp và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản vùng giáp ranh,...
Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh tăng cường thực hiện trách nhiệm về quyền và nghĩa vụ của chủ rừng theo Luật Lâm nghiệp. Xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững; có trách nhiệm quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng rừng theo Quy chế quản lý rừng. Sắp xếp, quản lý các Trạm bảo vệ rừng trực thuộc, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, Kiểm lâm địa bàn trong việc tuần tra, truy quét bảo vệ rừng, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi xâm hại tài nguyên rừng trong lâm phần được nhà nước giao.
UBND các huyện chỉ đạo các ngành, hội, đoàn thể phối hợp lực lượng kiểm lâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản vùng giáp ranh; kịp thời tố giác các đối tượng tham gia phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật cho cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.
UBND các xã tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp; thường xuyên huy động lực lượng công an, xã đội, dân quân phối hợp kiểm lâm địa bàn và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng tổ chức tuần tra, kiểm tra, truy quét bảo vệ rừng, làm trong sạch địa bàn quản lý và không để điểm nóng về phá rừng, cháy rừng xảy ra,...