Kim Sơn (Ninh Bình): Nhiều Trạm y tế xuống cấp

Xã hội - Ngày đăng : 21:32, 29/01/2021

(TN&MT) - Hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình vẫn còn nhiều Trạm y tế đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng ảnh hưởng không nhỏ đến việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Tại Trạm Y tế xã Hồi Ninh, huyện Kim Sơn (Ninh Bình) được xây dựng từ khoảng 40 năm về trước với 10 phòng chức năng. Do không được tu sửa, sửa chữa thường xuyên nên đến nay Trạm đã xuống cấp nghiêm trọng. Phần trần nhà đã bị bong tróc lộ cả sắt bên trong, nhiều mảng tường cũng bị bong tróc, nứt vỡ và có thể đổ sập bất kỳ lúc nào.

Ông Trần Quốc Trị - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hồi Ninh cho biết: Do không đảm bảo an toàn nên người dân ít khi đến thăm khám tại Trạm, tỷ lệ khám chữa bệnh hằng năm không đạt kế hoạch đề ra. Cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị thiếu thốn không chỉ gây khó khăn đến công tác khám, chữa bệnh, mà còn có nguy cơ mất an toàn cho đội ngũ y, bác sỹ và người dân. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị với UBND xã Hồi Ninh có biện pháp sớm sửa chữa, xây dựng để Trạm thực hiện tốt công tác chuyên môn, góp phần tránh quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thể tu sửa.

Nhiều Trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh huyện Kim Sơn (Ninh Bình) đang bị xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến việc khám chữa bệnh cho người dân

Cũng trong tình trạng tương tự là Trạm Y tế xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn (Ninh Bình) được xây dựng từ năm 1984. Trải qua nhiều năm thì đến nay nhiều hạng mục của Trạm cũng đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Theo quan sát của PV, hầu hết các phòng chức năng ở đây đều đã xuống cấp, tường và trần nhà đều bị nứt toác, bong tróc vôi vữa, ẩm mốc, mọc rêu.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Hòa - Trưởng trạm Y tế xã Kim Mỹ cho biết: Hiện mỗi ngày Trạm y tế xã tiếp đón hơn 300 lượt người dân đến khám chữa bệnh. Tuy nhiên, do được đầu tư xây dựng đã lâu nên các phòng đều xuống cấp, tường và mái nhà đều bị bong tróc vôi vữa. Đặc biệt, phòng sản đã xuống cấp trầm trọng nhất, tường bị ố mốc, cửa mất bản lề không đảm bảo kiểm soát nhiễm khuẩn. Vì vậy, số sản phụ đến sinh tại Trạm đều giảm, từ đầu năm 2020 đến nay không có sản phụ nào tới sinh tại trạm y tế xã.

Trần bê tông Trạm y tế do không được thường xuyên tu sửa nên bị bong tróc, lộ cả sắt thép hoen gỉ, tường mốc xanh

Ông Vũ Văn Tưởng, Chủ tịch UBND xã Hồi Ninh cho biết trong lộ trình hoàn thành xây dựng nông thôn mới, xã đã lên phương án xây dựng và sửa chữa trạm y tế xã với diện tích 2.000 m2, tổng vốn đầu tư gần 10 tỉ đồng, bao gồm đầy đủ phòng chức năng, nhà ăn, khuôn viên… Nguồn vốn này lấy từ nguồn đấu giá QSD đất tại xã và một phần hỗ trợ của cấp trên.

Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng sớm triển khai hỗ trợ kịp thời để địa phương sửa chữa, xây dựng trạm y tế xã, góp phần phục vụ công tác khám chữa bệnh. Dự kiến, trong năm 2021, UBNDxã Hồi Ninh sẽ hoàn thành sửa chữa, xây dựng Trạm Y tế xã, ông Tưởng cho biết thêm.

Để xây dựng Trạm y tế mới thì phụ thuộc vào nguồn vốn đấu giá QSD đất và kinh phí hỗ trợ của cấp trên

Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Hoàng Huy Phương - Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở Y tế tỉnh Ninh Bình, cho biết: Việc đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng các trạm y tế xã phụ thuộc vào UBND các xã. Thời gian qua, ngành y tế tỉnh Ninh Bình đã tranh thủ các nguồn kinh phí, hỗ trợ từ các dự án, chương trình y tế của Trung ương để xây dựng các trạm y tế xã. Tuy nhiên nguồn kinh phí hỗ trợ từ các chương trình, dự án còn hạn chế.

Thời gian tới, cùng với việc quan tâm đầu tư về trang thiết bị tại các trạm y tế xã để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân, Sở Y tế tỉnh Ninh Bình tiếp tục kêu gọi các nguồn hỗ trợ xã hội hóa nhằm đầu tư, xây dựng. Góp phần cùng UBND các xã xây dựng, sửa chữa, hoàn thiện tuyến y tế cơ sở đồng thời đáp ứng đủ điều kiện về chuẩn y tế theo lộ trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

Anh Tú