Kết thúc chuyến hải trình đong đầy cảm xúc
Biển đảo - Ngày đăng : 21:28, 29/01/2021
Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Tư lệnh Vùng 2 Hải quân tặng hoa cho 6 phóng viên có thành tích hoàn thành nhiệm vụ thông tin tuyên truyền về đem quà Tết cho nhà giàn DK |
Nước mắt phóng viên lần đầu đi DK1
Sáng 29-1, biên đội tàu Trường Sa 19 và Trường Sa 21 chở đoàn chúc Tết nhà giàn DK1, tàu trực trên biển, quân và dân huyện Côn Đảo đã trở về đất liền, cập cảng Lữ đoàn tàu săn ngầm 171 an toàn, kết thúc hải trình đem mùa xuân cho nhà giàn DK1 sau 15 ngày “ngụp lặn” trong sóng gió giữa đại dương bao la.
Đón đoàn chúc Tết trở về, có Đại tá Nguyễn Tuấn Anh - Tư lệnh Vùng 2 Hải quân cùng đông đảo cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn tàu săn ngầm 171, cơ quan chức năng; vợ, con, người thân của bộ đội DK1, ra cầu cảng đón bộ chiến sĩ từ biển cả trở về.
Nửa tháng “ăn sóng nói gió” Đại tá Phạm Quyết Tiến, Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân có phần “ốm hơn” so với thân hình vốn mảnh mai của anh, nhưng “chất lính” của người chỉ huy rắn rỏi biển trường trong anh vẫn bộc lộ rõ nét. Tươi cười, khoẻ khoắn, Đại tá Tiến dõng dạc nói to: “chào đất liền nhé. Chuyến hải trình rất nhiều cảm xúc. Tất cả mọi người trong đoàn đều an toàn khoẻ mạnh, hàng Tết quà xuân đã đến tận tay cán bộ chiến sĩ, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ được giao”.
Đoàn chúc Tết nhà giàn DK1 xuất phát từ ngày 14-1 đem theo gần 100 tấn hàng quân nhu như gạo, thịt hộp, quân trang quần áo và nhiều tấn hàng quà Tết của nhân dân gửi tặng. Hành trình đến 15 nhà giàn DK1, tàu trực trên biển và quân dân Côn Đảo là hai tàu Trường Sa 21 và Trường Sa 19. Với cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1 hoặc bộ đội Vùng 2 Hải quân việc chứng kiến việc “chúc Tết qua loa, chuyển quà qua dây” là bình thường, song đối với các phóng viên báo đài lần đầu đi biển thì đó là một cuộc hải trình gian khổ và xúc động không thể nào quên.
Lần đầu tiên theo tàu Trường Sa 19 đem mùa xuân cho các chiến sĩ, trong tim phóng viên quê gốc Nghệ An Trần Quang Vinh ở Ban biên tập tin trong nước Thông tấn xã Việt Nam vẫn chưa vơi được giây phút hồi hộp nhất khi chiến sĩ trẻ leo lên chiếc quang chơi vơi giữa biển để các chiến sĩ trên giàn kéo lên, hoặc khi nghe trưởng đoàn chúc Tết nói lời tạm biệt các chiến sĩ DK1 do không lên được nhà giàn vì sóng quá lớn.
Tôi hỏi “cảm xúc nhất trong chuyến hải trình này là gì?”, anh phóng viên trẻ bảo: “cảm xúc nhất là lúc sóng dồi cao 7-8 mét nhưng đoàn chúc Tết vẫn quyết định thả xuồng đưa quà Tết vào cho các chiến sĩ. Có khi xuồng máy chạy ra chạy vào chân đế nhà giàn 5 lần mới chuyển được hàng quà lên sàn cập tàu. Có lúc tôi gần như nghẹt thở khi nghe lời chúc Tết của Đại tá Phạm Quyết Tiến nói với các chiến sĩ DK1/15 do sóng to gió lớn đoàn công tác không lên được, xin gửi tới các đồng chí tình yêu, niềm tin và hơi ấm đất liền. Khi tàu chạy ba vòng quanh nhà giàn hú còi tạm biệt, tất cả mội người đều xúc động. Bản thân tôi cũng không kìm được nước mắt. Đây là chuyến đi không bao giờ quên trong cuộc đời làm báo của tôi. Không thể nói hết được cảm xúc, sự hi sinh thầm lặng, khó nhọc của các chiến sĩ trên báo chí, chỉ biết ở ngàn khơi bao la, các anh đang hi sinh và cống hiến tuổi xanh cho Tổ quốc.
Những câu chuyện kể về Đại uý Vũ Quang Chương trước khi hi sinh ôm cờ Tổ quốc, hoặc Thiếu uý Nguyễn Văn An ngã vào lòng biển chưa một lần biết mặt con gái. Hoặc Chuẩn uý Lê Đức Hồng vĩnh viễn nằm lại biển xanh chưa một lần yêu.Tất cả sự hi sinh ấy không thể kể hết bằng lời. anh Vinh rưng rưng giọt nước mắt xúc động thương cảm chen lẫn niềm vui sau chuyến hải trình đầy xúc động”.
Về chịu tang cha
Các chiến sĩ DK1 từ các nhà giàn về đất liền đón Tết |
Theo tàu Trường Sa 21 về đất liền sau 7 tháng hoàn thành nhiệm vụ ở nhà giàn DK1/7, người con phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò tỉnh Nghệ An - Thượng uý CN, nhân viên pháo thủ Nguyễn Văn Đức rơi nước mắt khi nhìn thấy đất liền. Trong tâm can của anh rối bời vì có thể anh sẽ không được về quê để chịu tang cha nếu dịch Covid-19 lan rộng. “Bây giờ em chỉ mong được về quê sớm. Biết là chỉ nhìn cha em qua di ảnh thờ, nhưng em sốt ruột lắm. Cha em mất hồi tháng 10-2020, em không về được mà cũng chẳng có tàu để về. Em muốn chạy nhanh về Cửa Lò ôm mộ cha em”. Trên hố mắt Đức, giọt nước mắt chảy tràn, xúc động.
Đức cho biết thêm, cha anh mất hồi tháng 10-2020 do đột tử. Lúc nhận được tin báo từ gia đình anh rất buồn. Là con trai cả trong gia đình, anh chưa có điều kiện để chăm sóc, báo hiếu cho cha. Hơn chục năm đi DK1, điều anh làm cha vui nhất là anh nối tiếp truyền thống gia đình và trưởng thành trong quân đội. “Cha em mất mới 63 tuổi. Em thấy buồn quá vì chưa chăm sóc cho cha được nhiều. Gia đình nghèo ở quê, điều kiện còn nhiều khó khăn lắm. Đây là lần đầu tiên em được về đón Tết cùng với vợ con và gia đình, ai ngờ cha em không còn nữa”- Thượng úy Đức xúc động chia sẻ trước khi anh bước lên xe về Tiểu đoàn DK1 ở bán đảo Căn cứ Long Sơn.
Xuân sum họp sau những ngày sóng gió
Sau hơn 14 tháng làm nhiệm vụ trên nhà giàn DK1/17, Trung uý Chính trị viên Nguyễn Hùng Cường trở về đất liền trong niềm vui khó tả. Trong tâm trạng của người lính nhà giàn được đón Tết cùng người thân gia đình sau hơn 4 năm “sống với biển, vui buồn với biển”, Cường bảo: “Em về đợt này sẽ chuyển đến đơn vị 861 (Bình Thuận-PV) nhận nhiệm vụ. Đây là lần đầu tiên em được đón Tết ở đất liền. Nhưng ngày tháng ở nhà giàn DK1 là những ngày đẹp đẽ và đáng nhớ nhất của em. Cha mẹ em ở quê đang chờ đón em về”.
Trung tá Nguyễn Văn Suốt trở về từ nhà giàn Quế Đường sau gần 27 tháng làm bạn với sóng gió. Bước chân lên cầu cảng Lữ đoàn 171 cũng là lúc Suốt “say đất”. Anh nhìn về phía biển xa để “lấy lại cân bằng”. “Bao giờ cũng thế, mình ở dưới tàu bị sóng gió nhồi, quật, khi đặt chân lên đất liền sẽ bị “say đất”. Có người bị mất phương hướng một lúc sẽ “tỉnh lại. Sau 2 Tết ngoài biển, trở về thấy phố phường mới mẻ quá”, Suốt chia sẻ.
Trung tá Suốt cho biết thêm, anh đi nhà giàn Quế Đường tính đến mùa xuân Tân Sửu này gần 27 tháng. Hơn hai năm làm nhiệm vụ ở nhà giàn, anh cùng cán bộ chiến sĩ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Anh có vợ, con đang ở phường 11 thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. “Đối với sĩ quan “già” như tôi, việc ở nhà giàn 27, 28 tháng liên tục là bình thường. Những ngày Tết đến xuân về, ai chẳng muốn bên người thân, gia đình, vợ con; nhưng nhiệm vụ đơn vị giao phải hoàn thành trước. Là lính DK1, phải biết chấp nhận hi sinh hạnh phúc riêng tư vì nhiệm vụ của đơn vị. Tôi cũng đã quen với cảm giác xa quê hương, gia đình nhiều năm rồi”- Trung tá Nguyễn Văn Suốt chia sẻ.
“Có lúc tôi gần như nghẹt thở khi nghe lời chúc Tết của Đại tá Phạm Quyết Tiến nói với các chiến sĩ DK1/15 do sóng to gió lớn đoàn công tác không lên được, xin gửi tới các đồng chí tình yêu, niềm tin và hơi ấm đất liền. Đây là chuyến đi không bao giờ quên trong cuộc đời làm báo của tôi. Không thể nói hết được cảm xúc, sự hi sinh thầm lặng, khó nhọc của các chiến sĩ trên báo chí, chỉ biết ở ngàn khơi bao la, các anh đang hi sinh và cống hiến tuổi xanh cho Tổ quốc”- nhà báo Trần Quang Vinh, Thông tấn xã Việt Nam