Bình Định: Vì sao gần 17ha rừng Vân Canh bị mất?
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 22:17, 28/01/2021
Ông Lê Thanh Bình (sinh năm 1982) ở Xóm 4, thôn Thanh Long, xã Phước Mỹ, thành phố Quy Nhơn có đơn tố cáo Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh và Hạt Kiểm lâm huyện Vân Canh làm ngơ, tiếp tay cho ba đối tượng gồm: ông Hồ Long Phi, ông Lê Văn Thể cùng trú tại xã Phước Mỹ, thành phố Quy Nhơn và ông Ngô Thanh Hưng trú tại thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước.
Băng qua Suối Cả, xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh để vào tiểu khu 363A |
Các đối tượng này, tổ chức dùng phương tiện xe cơ giới mở đường khai thác rừng phòng hộ, rừng sản xuất trái phép tại khoảnh 3, tiểu khu 363A với diện tích 17ha trong suốt thời gian dài, nhưng không bị cơ quan chức năng huyện Vân Canh ngăn chặn xử lý, mặc dù Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh và Hạt Kiểm lâm huyện Vân Canh lập chốt chặn gần khoảnh 3A, tiểu khu 363A, 24/24 giờ.
Đường mở vận chuyển khai thác rừng tại tiểu khu 363A |
Từ đơn tố cáo của ông Lê Thanh Bình, Chi cục Kiểm lâm Bình Định thành lập Tổ xác minh và có kết luật cụ thể tại Thông báo kết luận nội dung tố cáo số 1184, ngày 27/11/2020 khẳng định nội dung ông Bình tố cáo là đúng một phần.
Kết luận nêu: Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh được Nhà nước giao đất, giao rừng quản lý tại khoảnh 3A, tiểu khu 363A, xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh với diện tích được giao là 93,90ha. Trong công tác quản lý bảo vệ rừng được Nhà nước giao, Ban Quản lý rừng phòng hộ để rừng trồng do mình quản lý bị khai thác trái pháp luật với diện tích 16,43ha rừng trồng quy hoạch chức năng sản xuất và phòng hộ (cụ thể 15,70 ha rừng trồng keo lai; 0,73ha rừng trồng keo lai + sao đen do Nhà nước bỏ vốn trồng theo dự án Bảo vệ và phát triển rừng năm 2016).
Nhiều con đường được mở như bàn cờ để vận chuyển gỗ |
Rừng tại khoảnh 3, tiểu khu 363A, xã Canh Hiệp bị khai thác trái pháp luật nhưng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh không có hồ sơ cũng như không báo cáo bằng văn bản đề nghị Hạt Kiểm lâm huyện Vân Canh xử lý. Ngày 19/8/2020, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh có báo cáo tại cuộc họp là rừng trồng tại tiểu khu 363A bị khai thác trái pháp luật hơn 03ha, nhưng Hạt chỉ đưa ra giải pháp ngăn chặn là xây dựng kế hoạch chốt chặn, chưa kịp thời yêu cầu Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh báo cáo cụ thể việc trồng rừng bị khai thác trái pháp luật để xem xét chỉ đạo bộ phận chuyên môn phối hợp điều tra, xác minh làm rõ xử lý theo quy định.
Rừng bị khai thác trơ trụi lên đỉnh núi |
Vì vậy, nội dung tố cáo rừng trồng phòng hộ tại khu vực có tục danh là 5 chặng thuộc tiểu khu 363A, xã Canh Hiệp bị khai thác trái pháp luật với diện tích lớn nhưng không bị ngăn chặn là đúng. Đồng thời, nội dung tố cáo Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh và Hạt Kiểm lâm huyện Vân Canh làm ngơ, tiếp tay cho các đối tượng khai thác rừng trái phép tại tiểu khu 363A, xã Canh Hiệp là không có cơ sở.
Nhiều cây keo non mới mọc |
Chi cục Kiểm lâm Bình Định chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Vân Canh phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện Vân Canh xác lập hồ sơ, xác minh làm rõ việc khai thác rừng trái phép tại tiểu khu 363A, xã Canh Hiệp để có căn cứ xử lý theo quy định pháp luật, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra việc khai thác rừng trái pháp luật tại khoảnh 3, tiểu khu 363A, xã Canh Hiệp để xử lý theo quy định.
Riêng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh chưa làm hết trách nhiệm trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ được Nhà nước giao, thuộc phạm vi xử lý của Chủ tịch UBND huyện Vân Canh.
Nhiều gốc cây gỗ lớn bị đốn hạ từ bao giờ |
Tuy nhiên, ông Lê Thanh Bình không đồng ý với kết luận của Chi cục Kiểm lâm Bình Định chỉ công nhận một phần nội dung đơn tố cáo và giao Hạt Kiểm lâm huyện Vân Canh phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện Vân Canh xác lập hồ sơ, xác minh làm rõ việc khai thác rừng trái phép tại tiểu khu 363A, xã Canh Hiệp là quá chủ quan và không triệt để khi Hạt Kiểm lâm huyện Vân Canh chính là đơn vị ông Bình tố cáo.
Ông Bình tiếp tục đề nghị kiến nghị xử lý các đối tượng trên về tội “Vi phạm quy định khai thác và bảo vệ rừng quản lý lâm sản” theo quy định tại Điều 232/BLHS để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật. Ông Bình đã có đơn kiến nghị gửi Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định và Viện cũng đã chuyển đơn của ông Bình đến Viện Kiểm sát nhân dân huyện Vân Canh để xem xét xử lý theo quy định.
Cây cũ bị đốn hạ, cây mới bắt đầu nhú mầm xanh |
Để rộng đường dư luận, PV Báo TN&MT liên hệ làm việc với ông Nguyễn Văn Huấn – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vân Canh và ông Nguyễn Thanh Hải – Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vân Canh về vụ việc trên nhưng hai ông đều từ chối làm việc với PV, vì lý do vụ việc đã chuyển sang Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an huyện Vân Canh đang thụ lý điều tra và Chi cục Kiểm lâm Bình Định đã có kết luận.
Nhiều cây gỗ lớn có đường kính 20-30cm bị khai thác tự bao giờ. |
Về phía Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh, ông Đoàn Văn Tây – Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh cho biết: Không phải vì Ban không biết tình trạng khai thác rừng mà vì đường đi khó khăn, lực lượng cán bộ bảo vệ rừng quá mỏng không thể quán xuyến hết được. Hơn nữa, địa bàn giáp ranh giữa xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh và xã Phước Mỹ, thành phố Quy Nhơn quá rộng, các đối tượng mở đường đi lên rừng và khai thác vận chuyển gỗ đều đi từ phía xã Phước Mỹ nên càng khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng như truy bắt đối tượng khai thác rừng trái phép.
Những con đường vẫn mở để khai thác rừng trái phép |
PV Báo TN&MT đã đến thực tế hiện trường khu vực khai thác rừng phòng hộ và rừng trồng trái phép tại khoảnh 3, tiểu khu 363A, xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh tận mắt chứng kiến hàng chục ha rừng bị khai thác trơ trụi, cây keo non mới mọc lên. Nhiều cây gỗ lớn có đường kính 20-30cm bị khai thác tự bao giờ.
Các đối tượng mở hàng chục con đường lớn nhỏ như bàn cờ để vận chuyển chở gỗ ra khỏi rừng mà cơ quan chức năng không hay biết. Hiện trường của khu vực rừng bị khai thác có dấu tích của việc khai thác trong một thời gian dài, từ công đoạn mở đường, tập kết phương tiện để khai thác và trồng cây keo mới sau khi khai thác.