Phát triển sâu rộng hệ sinh thái khoa học – công nghệ vùng ĐBSCL

Trong nước - Ngày đăng : 16:34, 28/01/2021

(TN&MT) - Thời gian qua, tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) dựa chính vào sự mở rộng quy mô vốn đất đai và lực lượng lao động. Tuy nhiên, những nguồn lực tài nguyên quý giá này đã đến giới hạn của nó và tăng trưởng trong tương lai sắp tới chỉ có thể dựa vào khoa học – công nghệ.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh nhấn mạnh điều này trong tham luận “Xây dựng TP. Cần Thơ trở thành trung tâm khoa học - công nghệ về nông nghiệp của quốc gia và khu vực” tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, ngày 28/1.

ĐBSCL đối mặt nhiều thách thức mới

Theo ông Lê Quang Mạnh, trong bối cảnh hiện nay, nông nghiệp ĐBSCL đang đối mặt với rất nhiều thách thức, khó khăn, dẫn đến tỷ trọng đóng góp của ĐBSCL vào GDP cả nước ngày càng suy giảm, từ 27% (năm 1990) xuống còn 18% (năm 2020). Các chính sách cho phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, sản xuất theo hướng chất lượng và bền vững,… nhất là chính sách cho người sản xuất còn nhiều bất cập, thậm chí làm cho ĐBSCL bị rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Điều đó khiến cho người sản xuất phải đối mặt với nhiều nỗi lo và sức ép lớn của thị trường, lợi nhuận thấp, đời sống chậm cải thiện…

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh tại Đại hội XIII của Đảng

Trong khi đó, ĐBSCL lại đang rơi vào thách thức mới do tác động lớn của biến đổi khí hậu. ĐBSCL được xem là một trong ba đồng bằng của thế giới sẽ bị tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu. Dự báo lượng mưa ĐBSCL sẽ giảm 10 - 20% vào đầu mùa và tăng vào cuối mùa, nhiệt độ tăng khoảng 2 độ vào những năm 2030 - 2040, nước biển dâng 0,33 - 1,0m vào năm 2050 - 2100.

Tác động của BĐKH đang làm cho các điều kiện tự nhiên phù hợp với canh tác nông nghiệp ngày càng suy giảm; thiên tai, dịch bệnh xuất hiện với tần suất ngày càng cao; trong khi nhu cầu về lương thực trên thế giới được dự báo sẽ tăng gần gấp đôi vào năm 2050 so với hiện nay. ĐBSCL được dự đoán sẽ trở thành một trong những trung tâm sản xuất nông nghiệp quan trọng của châu Á để cung cấp nông sản cho thế giới và ngành thủy sản của vùng ĐBSCL đang có ưu thế cạnh tranh so với các khu vực khác.

Để hiện thực hóa được tương lai này, cách tiếp cận là phải lấy bối cảnh thực tiễn của vùng và sự tiến bộ của khoa học - công nghệ (KH-CN) làm nền tảng cho sự phát triển. Cần phải có sự đột phá về tư duy và thể chế, tăng cường liên kết trong và ngoài vùng  và lấy mục tiêu phát triển vùng làm định hướng.

Hiện thực hoá “khát vọng”

Cần Thơ là địa phương hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế và đang có nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm KH-CN về nông nghiệp của quốc gia và khu vực. Đặc biệt, tiềm năng KH-CN cả nguồn nhân lực và cơ sở vật chất, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao với hệ thống đa dạng các trường đại học, viện nghiên cứu (gồm 73 đơn vị, 7455 người có hoạt động nghiên cứu khoa học). Trong đó có những đơn vị thuộc hàng đầu của quốc gia và khu vực về lĩnh vực nông nghiệp như Đại học Cần Thơ, Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ, Đại học Nam Cần Thơ, Viện Nghiên cứu Lúa ĐBSCL…

Bí thư Thành ủy Lê Quang Mạnh cho biết, thành phố bước đầu hình thành Hệ sinh thái KH-CN, đổi mới sáng tạo thúc đẩy sự phát triển, ứng dụng KH-CN vào nông nghiệp với hệ thống các trường, viện, các quỹ đầu tư khởi nghiệp, mạng lưới liên kết các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp, sàn giao dịch công nghệ (Catex.vn), các sàn giao dịch nông sản… Các sản phẩm, dịch vụ KH-CN của Cần Thơ đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của thị trường vùng ĐBSCL, của cả nước và một số sản phẩm có thể cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài như: Thương mại hóa các hệ thống IoT giám sát chất lượng nước trong nuôi trồng thủy sản; Hệ thống giám sát - cảnh báo và điều khiển tự động môi trường trong nông nghiệp; Hệ thống điều khiển CO2 trong nhà kính...

Hiện thực hóa định hướng phát triển Cần Thơ phải trở thành một trung tâm KH-CN về nông nghiệp của quốc gia và khu vực, thành phố Cần Thơ đề xuất các định hướng giải pháp cốt lõi phát triển KH-CN trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trước hết là tập trung chuyển đổi mạnh mẽ các hoạt động KH-CN, đổi mới sáng tạo sang cơ chế thị trường với hệ thống các giải pháp thúc đẩy cả về phía cung và phía cầu đồng bộ với các giải pháp liên kết cung - cầu, phát triển thị trường KH-CN hoạt động hiệu quả. Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, ứng dụng KH-CN theo hướng hỗ trợ một cách lành mạnh và hiệu quả nhất cho các cuộc cạnh tranh giữa các tổ chức nghiên cứu, các doanh nghiệp ứng dụng KH-CN để xác định và từ đó, tập trung thúc đẩy tổ chức, doanh nghiệp nào có thể thương mại hóa tri thức một cách tốt nhất.

Đồng thời, tăng cường đầu tư nâng cao tiềm lực KH-CN của thành phố với sự gia tăng vai trò của khu vực doanh nghiệp. Có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển nguồn lực trình độ cao về nông nghiệp cho các Viện nghiên cứu khoa học, Trường đại học và các đơn vị khoa học của thành phố; tập trung đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao

Thúc đẩy các biện pháp khuyến khích người nông dân học tập và trở lên năng động hơn trong việc hấp thụ các sản phẩm KH-CN, khuyến khích nông dân tiếp cận khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, sáng chế phát minh, áp dụng KH-CN vào sản xuất nông nghiệp. Tăng mức hạn điền để người nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp có điều kiện cơ giới hóa, ứng dụng nhiều hơn KH-CN trong sản xuất nông nghiệp.

“Phải phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu hệ sinh thái KH-CN bằng các chương trình, giải pháp bền vững, bài bản không chỉ trong phạm vi không gian của thành phố Cần Thơ mà là một hệ sinh thái KH-CN chung của cả vùng ĐBSCL”, ông Lê Quang Mạnh khẳng định.

Khải Minh