Khu bảo tồn sinh học bên trong nhà máy - Nâng niu mẹ thiên nhiên

Môi trường - Ngày đăng : 15:29, 28/01/2021

(TN&MT) - Sở hữu 7 hồ nước có chức năng xử lý nước thải theo 7 giai đoạn, những ngôi nhà côn trùng, tối ưu sản xuất không chất thải… Công ty TNHH mía đường Nghệ An NASU đang tiên phong trở thành Khu bảo tồn đa dạng sinh học đầu tiên của Việt Nam không phải do nhà nước quản lý (OECM).

Liên tục tối ưu hoá quy trình sản xuất không chất thải

Công ty TNHH mía đường Nghệ An (NASU) - một trong 4 công ty sản xuất đường lớn nhất Việt Nam đã và đang có những thực hành tôn trọng mẹ thiên nhiên hơn 20 năm nay.

Giới thiệu về quy trình sản xuất của nhà máy, chị Trần Thị Đào - trợ lý Phó Tổng giám đốc, Thư ký Uỷ ban Phát triển Bền vững của NASU chia sẻ: “Nhiều năm nay, 100% sản lượng điện dùng cho sản xuất, sinh hoạt đều là do nhà máy tự sản xuất. Ngoài ra, công ty còn bán lại cho lưới điện quốc gia”.

Chị Đào chia sẻ cho nhóm tham quan về quy trình sản xuất của nhà máy

NASU đã tích hợp công nghệ đồng phát điện từ bã mía vào quy trình sản xuất. Nhờ đó, lượng bã mía, bã bùn từ quá trình ép mía lấy đường được sử dụng làm nhiên liệu đốt lò. Khí hơi với áp suất cao từ quá trình này sẽ đẩy tua-bin chạy, từ đó tạo ra nguồn điện phục vụ cho 100% nhu cầu sử dụng của nhà máy.

Với mô hình này, NASU không chỉ tiết kiệm nguồn năng lượng cho quốc gia, hạn chế khai thác nguồn năng lượng hóa thạch mà còn tận dụng chất thải tạo ra điện, phục vụ ngược lại cho quy trình sản xuất. Thực hiện đúng với phương châm “Rác cũng là tài nguyên”.

Ngoài bã mía, bã bùn, hoạt động sản xuất của công ty cũng tạo ra những chất thải hữu cơ khác. Nhằm tối ưu hoá quy trình sản xuất không-rác-thải, giảm tiểu tối ra tác hại ra môi trường, NASU cũng cập nhật và áp dụng những phương pháp mới để xử lý những chất thải này.

Hồ Thứ 2 - Hồ đầu tiên trong chu kỳ 7 hồ tuần hoàn xử lý chất thải có màu nâu, mặt nước váng bùn

Như với cánh đồng mía trong vùng quy hoạch 18.500 ha, công ty áp dụng phương pháp nông nghiệp sinh thái. Các phần không sử dụng của cây mía như lá và rễ sẽ được giữ lại và để phân huỷ tự nhiên, tạo một lớp thảm phủ trên đất. Phương pháp này không chỉ giữ cho đất được bảo vệ mà còn được giữ ẩm và bồi đắp dinh dưỡng một cách tự nhiên, không cần sử dụng phân bón hoá học.

Hồ Thứ 7 – diện tích rộng hơn với mặt nước trong xanh, in bóng hàng cây ven hồ

Ngoài ra, tro trong quá trình sản xuất cũng được thu gom và bán lại cho nông dân để làm phân bón cho vụ mía tiếp theo. Rỉ mật ở bước cuối cùng của quy trình sản xuất cũng trở thành thương phẩm…Ở NASU, mọi chất thải công ty đều có phương án tái sử dụng mà không xả thải ra môi trường.

7 hồ nước đặc biệt để môi trường tự hồi phục

Trong quá trình tham quan nhà máy, chị Trần Thị Đào cũng giới thiệu về 7 hồ nước đặc biệt được đặt tên theo 7 ngày trong tuần.

Chị Đào cho biết, không sử dụng hóa chất để xử lý nước thải mà áp dụng mô hình hồ nước tuần hoàn, sử dụng men vi sinh và thời gian để nước “tự hồi phục”.

Mô hình “khách sạn côn trùng” được xây dựng bởi đội ngũ công nhân viên của NASU

Đúng với đặc điểm về thời gian của tên gọi, 7 hồ nước có chức năng xử lý nước thải theo 7 giai đoạn. Giai đoạn 1 - từ hồ Thứ 2 là nước xả trực tiếp từ nhà máy (bao gồm nước thải sản xuất và nước thải sinh hoạt) và hồ Chủ nhật là lượng nước đã được lọc sạch, đạt nồng độ an toàn để sử dụng cho tưới tiêu, trở lại đất mà không gây hại cho môi trường.

Chị Đào chia sẻ: “Chúng tôi sử dụng men vi sinh để xử lý chất thải cho hồ Thứ 2. Theo chu kỳ, lượng nước từ đây sẽ được bơm qua hồ Thứ 3 bằng hệ thống ống nước ngầm bên dưới. Cứ như vậy đến hồ Chủ Nhật. Chu trình diễn ra theo tháng, đến cuối tháng đội ngũ chuyên gia sẽ đi kiểm tra nồng độ của nước. Nếu đạt ở mức an toàn sẽ được bơm phục vụ cho quá trình nuôi trồng mía”.

Một góc xanh ngát trong khuôn viên của NASU tại Quỳ Hợp, Nghệ An

Mô hình hồ tuần hoàn xử lý chất thải của NASU là một mô hình tiên phong trong việc xử lý nước thải nhà máy. Công ty tuyệt đối không sử dụng hóa chất, tránh gây hại cho hệ sinh thái của đất và nước, tôn trọng hoàn toàn tài nguyên và quy luật của mẹ thiên nhiên.

Nỗ lực tái tạo sinh cảnh tự nhiên

Những ngôi nhà côn trùng, những trảng cỏ tự nhiên không hóa chất, cấm tuyệt đối việc săn bắn chim trong khuôn viên nhà máy NASU… là những nỗ lực của nhà máy nhằm tái tạo sinh cảnh tự nhiên, bảo vệ môi trường bền vững.

Trong phần đất mà NASU quản lý, sự đa dạng về côn trùng và các loài chim đã tăng lên nhanh chóng. Giữa những góc ngát xanh, người ta thấy từng đàn cò bay lả bay la, ong bướm chập chờn chao liệng…

Công ty áp dụng nghiêm khắc những chính sách bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học

Do được bảo vệ tốt, khu sinh thái trong nhà máy mía đường NASU có tiềm năng thành nơi để tái thả các loài rùa hoang dã đang bị suy giảm quần thể nghiêm trọng ngoài tự nhiên. Vào cuối năm 2019, ông Tim McCormack, Giám đốc Chương trình bảo tồn rùa châu Á đã ghé để đánh giá cơ hội thả các loài rùa đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng trong khu vực này.

NASU đang dần trở thành Khu bảo tồn đa dạng sinh học đầu tiên của Việt Nam không phải do nhà nước quản lý (OECM), được đề xuất bởi Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và Liên minh Doanh nghiệp vì Môi trường Việt Nam (VB4E).

Mai Vân