Sông Trà Khúc sạt lở nguy hiểm, đất đai bị "nuốt" hàng trăm mét

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 09:53, 28/01/2021

(TN&MT) - Qua các đợt mưa, lũ đã khiến tình trạng sạt lở bờ sông Trà Khúc và các xã ven sông huyện Sơn Tịnh (tỉnh Quảng Ngãi) diễn ra nhanh hơn, cuốn trôi hàng trăm mét đất, ảnh hưởng cuộc sống và sản xuất của người dân. Qua kiểm tra và đối chiếu các quy định, ngành chức năng xác định các vị trí sạt lở bờ sông Trà Khúc đều thuộc mức “Sạt lở nguy hiểm”.

Sông “nuốt” đất

Những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông Trà Khúc, đoạn chảy qua địa phận các xã Tịnh Hà, Tịnh Sơn, Tịnh Minh (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) khiến người dân không khỏi lo lắng, bất an. Uớc chừng, hàng trăm mét đất nông nghiệp của bà con nông dân đã bị "hà bá" nuốt chửng, không ít ngôi nhà ven sông bị đặt trong tình trạng báo động và đứng trước nguy cơ "xóa sổ".

Đứng trên khu đất nham nhở vì bị nước sông "ngoạm", ông Nguyễn Thái Binh (thôn Minh Long, xã Tịnh Minh) cho hay, trong nhiều năm qua, gia đình ông sống chủ yếu dựa vào nghề nông và 2 sào đất sản xuất ven sông Trà Khúc. Tuy nhiên, hai năm nay, bờ sông liên tục xảy ra sạt lở làm hàng chục mét đất nông nghiệp của gia đình ông Binh bị trôi theo con nước.

"Việc sạt lở bờ sông làm ảnh hưởng đến sản xuất của gia đình và tiếp tục thế này thì gia đình tôi chắc không còn đất để canh tác"- ông Binh chia sẻ.

Hàng trăm mét đất nông nghiệp của bà con dọc sông Trà Khúc đã bị "hà bá" nuốt chửng

Tương tự, căn nhà cấp 4 của ông Nguyễn Thanh Hồng, (thôn Minh Long, xã Tịnh Minh) nay chỉ cách mép sông Trà Khúc khoảng 3 mét. Chắc chắn sạt lở dọc bờ sông nơi đây không chỉ dừng lại, nên chỉ cần 1 đợt lũ nhỏ, nhà ông và những hộ sống cạnh sẽ bị đổ sập xuống sông.

“Trồng tre để giữ đất, giữ làng nhưng nay bị cuốn hết xuống sông rồi. Vết nứt đất đã ăn vào sâu bên trong đất liền, kéo cả chuồng trại chăn nuôi của gia đình sập theo.” –ông Hồng lo lắng.

Tương tự, tại bờ bắc sông Trà Khúc, đoạn qua xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, cũng sạt lở hơn 500m đe dọa đến nhà ở của 10 hộ dân ở thôn Thọ Lộc Tây. Hàng tre dài giữ đất được người dân trồng để giữ đất cũng không còn trong mùa mưa bão vừa qua.

Cần xây kè chống sạt lở

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, sau khi nhận phản ánh, ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức kiểm tra và xác định, khu vực sạt lở bờ Bắc sông Trà Khúc, đoạn qua xóm 6, thôn Minh Long, xã Tịnh Minh (huyện Sơn Tịnh) thuộc đoạn sông cong, dòng chủ lưu áp sát bờ gây sạt lở trong nhiều năm qua. 

Đặc biệt, qua các đợt lũ lớn sau các cơn bão số 6, 9, 10 và 13, diễn biến sạt lở xảy ra nghiêm trọng hơn; chiều dài sạt lở khoảng 500 m. Tại thôn An Thọ và thôn Đông (xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh) khu vực sạt lở bờ Bắc sông Trà Khúc có tổng chiều dài khoảng 700 m; sạt lở ảnh hưởng đến khoảng 70 hộ dân sống ven sông và 10 ha đất sản xuất nông nghiệp.

 Vườn chuối bị hư hại do sạt lở lấn sâu vào đất liền.

Sạt lở tại thôn Hà Tây (xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh), khu vực sạt lở bờ Bắc sông Trà Khúc với tổng chiều dài khoảng 400 m; sạt lở ảnh hưởng đến khoảng 60 hộ dân sống ven sông, đường giao thông và khoảng 1,5 ha đất sản xuất nông nghiệp

Qua các đợt mưa, bão, lũ năm 2020, những khu vực này sạt lở ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn tính mạng và tài sản các hộ dân trong khu vực bị sạt lở.  Đối chiếu với quy định của Quy chế xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 04/01/2011 thì cả 3 điểm sạt lở trên đều thuộc mức “Sạt lở nguy hiểm”.

Ông Nguyễn Mậu Văn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đặc điểm địa hình, địa chất, diễn biến phức tạp của mưa lũ là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sạt lở.

“Một cách chung nhất, hệ số điều tiết dòng chảy lớn nên nguy cơ sạt lở bờ sông tăng cao. Nguyên nhân của tình trạng này do diện tích đất rừng sản xuất ngày càng lớn, trong khi đó diện tích rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ lại ít đi, thảm phủ thực vật suy giảm nên khả năng điều tiết của rừng kém so với trước đây", ông Nguyễn Mậu Văn nói.

Ngoài ra, nguyên nhân khiến sạt lở gia tăng còn do tình trạng hút cát, khai thác cát trái phép dọc theo các mép sông trên địa bàn diễn ra ngày càng nhiều. Nếu không có giải pháp làm giảm tình trạng sạt lở thì tình hình sẽ càng nghiêm trọng. 

Những bãi đất bồi màu mỡ dọc các sông Trà Khúc đang bị thu hẹp, thậm chí một số nơi sẽ không còn đất để canh tác.

Trước mắt, đề nghị Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh chỉ đạo UBND các xã theo dõi và chủ động xử lý các đoạn sạt lở bờ sông nêu trên theo Quy chế xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển. Trong đó, lưu ý thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở, theo dõi diễn biến sạt lở; xử lý bước đầu để hạn chế sạt lở.

Về phương án xử lý để đảm bảo ổn định lâu dài để chống sạt lở các đoạn sông tại 3 khu vực nêu trên, bảo vệ an toàn về người và tài sản của Nhân dân và Nhà nước, cần đầu tư xây dựng công trình kiên cố chống sạt lở bờ sông.

“Sở đề nghị UBND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí để đầu tư xây dựng các công trình chống sạt lở bờ sông tại những khu vực này. Cụ thể, kè chống sạt lở bờ Bắc sông Trà Khúc, đoạn qua thôn Minh Long, xã Tịnh Minh cần được ưu tiên hàng đầu với chiều dài khoảng 500 m; mức đầu tư khoảng 25 tỷ đồng.

Kè chống sạt lở bờ Bắc sông Trà Khúc, đoạn qua thôn Hà Tây, xã Tịnh Hà, ưu tiên thứ 2 với chiều dài khoảng 400 m; mức đầu tư khoảng 20 tỷ đồng. Kè chống sạt lở bờ Bắc sông Trà Khúc, thôn An Thọ và thôn Đông, xã Tịnh Sơn, chiều dài kè khoảng 700 m; mức đầu tư khoảng 25 tỷ đồng.”- ông Nguyễn Mậu Văn cho biết.

Lan Anh