Tổng cục Môi trường sẽ tập trung xử lý chất thải rắn, ô nhiễm không khí, nguồn nước

Quản lý chất thải rắn - Ngày đăng : 23:00, 18/02/2021

(TN&MT) - Năm 2021 và giai đoạn 2021 – 2025, Tổng cục Môi trường cần tập trung xử lý vấn đề chất thải rắn, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt; tìm biện pháp giải quyết ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí; chủ động phòng ngừa kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm thông qua hệ thống quan trắc môi trường tự động, hiện đại, đồng bộ.

Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân tại buổi làm việc với Tổng cục Môi trường và các đơn vị liên quan vào chiều ngày 26/1.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Giải quyết ngay những vấn đề môi trường hiện hữu

Nhận định tình hình quốc tế và trong nước, đại diện Tổng cục Môi trường cho biết, thế giới đã thực sự bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia ngày càng sâu sắc, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Nước ta đứng trước nguy cơ trở thành bãi thải công nghệ đen, lạc hậu và ô nhiễm của thế giới nếu không có giải pháp chủ động phòng ngừa và kiểm soát. Trong khi đó, ở trong nước, môi trường vẫn đã và đang chịu áp lực lớn từ các nguồn ô nhiễm môi trường gia tăng nhanh về số lượng, quy mô và mức độ tác động.

Trong bối cảnh đó, trách nhiệm đặt trên vai những người làm công tác quản lý môi trường ngày càng nặng nề. Theo ông Nguyễn Văn Tài – Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, ngay trong năm 2021 – năm khởi đầu cho một giai đoạn mới, Tổng cục sẽ tập trung xây dựng các văn bản hướng dẫn và chuẩn bị các điều kiện bảo đảm sẵn sàng triển khai có hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Đơn vị cũng chủ động kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải lớn (khu công nghiệp, làng nghề…); tăng cường các biện pháp phòng ngừa các nguy cơ xảy ra sự cố môi trường. Năm 2021, Tổng cục sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với 17 loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do địa phương phê duyệt ĐTM, cơ sở, dự án gây ảnh hưởng lớn tới di sản thiên nhiên, đa dạng sinh học theo quy định của pháp luật.

Về quản lý chất thải rắn, tập trung nghiên cứu, đề xuất giải pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các thành phố lớn trực thuộc Trung ương và các đô thị đặc biệt; Xây dựng, hoàn thiện và ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, các quy định về phương pháp định giá dịch vụ xử lý rác thải, trước mắt áp dụng thí điểm tại các thành phố lớn trực thuộc Trung ương và tại các đô thị đặc biệt, trên cơ sở đó hoàn thiện và trình ban hành áp dụng trên cả nước. Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện Chương trình về thu gom, phân loại rác thải tại nguồn. Công bố các Danh mục công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt khuyến khích áp dụng theo quy định. Xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia trong, trong đó có nội dung về định hướng vị trí, quy mô các khu xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại tập trung cấp vùng, cấp quốc gia.

Rác thải đang là vấn đề cấp cập cần được giải quyết tại nhiều địa phương trong cả nước

Để đảm bảo chất lượng môi trường, Tổng cục Môi trường sẽ đánh giá sức chịu tải của môi trường nước mặt và xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với một số sông liên tỉnh như sông Cầu, Nhuệ, Đáy, Vu Gia - Thu Bồn, Đồng Nai và một số sông liên tỉnh khác.

Giải quyết ô nhiễm không khí, Tổng cục sẽ triển khai các giải pháp đề ra tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, như: Xây dựng và trình ban hành Kế hoạch quốc gia quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021-2025; Rà soát, hoàn chỉnh hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường đối với khí thải công nghiệp, khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam…

Đảm bảo mảng xanh cho phát triển bền vững, Tổng cục Môi trường xác định, bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, mở rộng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên, di sản thiên nhiên. Tăng cường kiểm soát tác động tiêu cực của các dự án, hoạt động kinh tế tới thiên nhiên, đa dạng sinh học.

Cụ thể hóa chỉ tiêu Nghị quyết 06 của Chính phủ vào kế hoạch

Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 06 về ban hành Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24 -NQ/TW "Về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường". Thứ trưởng yêu cầu, Tổng cục Môi trường đưa các chỉ số, mục tiêu trong Nghị quyết 06 vào kế hoạch hành động của Tổng cục trong thời gian tới.

Về nhiệm vụ cụ thể, Thứ trưởng cho rằng, phải trả lời được các vấn đề, như ô nhiễm không khí phải làm gì? “Cần đầu tư hệ thống quan trắc trong năm 2021 – 2022 để có dữ liệu cơ bản cho truy vết nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, từ đó tìm ra giải pháp và dự báo được chất lượng không khí” – Thứ trưởng nói.

Toàn cảnh cuộc họp

Theo Thứ trưởng, trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt, phải tạo được cơ chế chính sách, đồng thời hướng dẫn về quy hoạch, đầu tư, tổ chức dịch vụ đấu thầu, xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cụ thể, rõ ràng.

Đặc biệt lưu ý đến việc xử lý ô nhiễm nguồn nước, Thứ trưởng yêu cầu, việc đánh giá sức chịu tải của các lưu vực sông phải làm ngay trong năm 2021; có đề xuất dự án xử lý ô nhiễm môi trường ở Bắc Hưng Hải. Để trả lại màu xanh cho các dòng sông, Thứ trưởng nhấn mạnh, phải tập trung quản lý nước thải. Đồng thời, chủ động phòng ngừa kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm thông qua quan trắc tự động, liên tục.

Thứ trưởng cũng đề nghị, Tổng cục Môi trường chốt lại nhiệm vụ và thời gian cụ thể phải hoàn thành. Bộ sẽ ưu tiên ngân sách cho bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững.

Theo Nghị quyết số 06-NQ-CP: Đến năm 2025, phấn đấu đạt một số mục tiêu cụ thể sau:
- Xử lý 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Từng bước kiềm chế xu hướng ô nhiễm môi trường không khí ở các đô thị lớn; 90% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý; phấn đấu tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp dưới 30% tổng lượng chất thải được thu gom; 100% chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế được thu gom, xử lý. Bảo đảm 100% khu công nghiệp, khu chế xuất đã đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 30% tổng lượng nước thải tại các đô thị loại II trở lên và 10% đối với các đô thị từ loại V trở lên được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường.
- Xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường tại các khu vực bị ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu, đi-ô-xin; 95% dân số đô thị được sử dụng nước sạch; 100% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.
- Bảo đảm độ che phủ rừng được duy trì ở mức 42%; 13 khu đất ngập nước Ramsar, 12 khu dự trữ sinh quyển được thành lập và công nhận. Tăng diện tích các khu đất ngập nước quan trọng được bảo vệ; có ít nhất 10 loài nguy cấp được đưa vào chương trình bảo vệ.

Tống Minh