Né hạn mặn, ruộng vườn được mùa
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 14:47, 26/01/2021
Bên cạnh đó, các vườn cây ăn quả chịu thiệt hại nặng do hạn mặn năm trước nay đã phục hồi và phát triển tốt, báo hiệu một mùa bội thu.
Xuống giống sớm, bám sát ruộng đồng
Theo dự báo, mùa khô năm 2020 - 2021, mặn xâm nhập sớm và diễn biến khốc liệt nên các địa phương đã chủ động xuống giống sớm để né hạn, mặn vào cuối vụ. Trong đó vụ chính xuống giống dứt điểm trong tháng 11/2020. Nhìn chung, thời tiết thuận lợi, ít dịch hại, lúa phát triển tốt. Với lịch gieo sạ sớm, từ nay đến Tết Nguyên đán, nông dân tại nhiều vùng ĐBSCL sẽ có lúa thu hoạch sớm và ra Giêng sẽ là thời điểm thu hoạch rộ lúa Đông Xuân 2020 - 2021.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, giá lúa gạo trên địa bàn tỉnh những ngày qua nhìn chung ổn định. Giá lúa thường dao động từ 6.600 - 6.800 đồng/kg, lúa chất lượng cao từ 6.800 - 7.000 đồng/kg. Nhiều nông dân thu hoạch lúa mùa bán được giá rất phấn khởi. Bà con kỳ vọng thu hoạch vụ lúa Đông Xuân 2020 - 2021 sẽ trúng mùa, trúng giá, sản xuất lợi nhuận cao.
Vườn cây ăn quả ở ĐBSCL báo hiệu một mùa bội thu. |
Còn tại Kiên Giang, tỉnh chủ trương bỏ vụ lúa Thu Đông và xuống giống sớm vụ Đông Xuân. Hiện, nông dân trong tỉnh đã thu hoạch được gần 3.000 ha lúa Đông Xuân, chủ yếu tập trung ở huyện Giang Thành và U Minh Thượng. Ở Giang Thành, năng suất bình quân đạt 6 tấn/ha. Giá lúa những tháng qua luôn ổn định ở mức cao, nông dân rất phấn khởi vì lợi nhuận từ trồng lúa đang rất tốt.
Là một tỉnh chịu nhiều tác động do hạn mặn, năm nay Bạc Liêu chủ động cắt giảm 3.400 ha lúa Đông Xuân ở các nơi có nguy cơ thiếu nước ngọt và theo dõi diễn biến mặn, bảo vệ sản xuất ở vùng tôm -lúa và vùng nuôi thủy sản. Theo ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, ngành nông nghiệp tỉnh hiện đang bám sát đồng ruộng và đề ra các giải pháp xử lý tức thời các tác động bất lợi do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết: Vụ lúa Đông Xuân 2020 - 2021, toàn vùng xuống giống khoảng 1,5 triệu ha lúa. Việc xây dựng khung thời vụ và khuyến cáo xuống giống lúa Đông Xuân sớm từ tháng 10 đã giúp tận dụng tốt nguồn nước ngọt cho sản xuất lúa và không bị hạn, mặn cuối vụ, nhất là đối với các tỉnh ven biển. Lúa thu hoạch vào tháng 1 và 2, là thời điểm trời nắng nhiều nên lúa thương phẩm có chất lượng tốt, đồng thời, việc tiêu thụ lúa hàng hóa của nông dân cũng thuận lợi hơn.
Dự kiến trước Tết Nguyên đán, toàn vùng sẽ thu hoạch được khoảng 200 nghìn ha. Diện tích này hầu hết nằm trong vùng có nguy cơ bị hạn hán, xâm nhập mặn. Gồm có vùng ngọt hóa Gò Công và một số vùng ven biển các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, một phần Hậu Giang.
Bảo vệ vùng cây ăn quả
Lúa được mùa được giá, trong khi đó, một mặt hàng chủ lực khác của vùng là trái cây cũng đang được các địa phương chú trọng triển khai các giải pháp ứng phó hạn, mặn. Tại tỉnh Tiền Giang, rút kinh nghiệm năm 2020, thiên tai hạn, mặn khốc liệt đã gây thiệt hại nặng nề cho hàng nghìn ha vùng chuyên canh sầu riêng đặc sản, ngay từ đầu mùa khô năm 2020 - 2021, tỉnh đã kiện toàn mạng lưới đê bao, cống đập nhằm đảm bảo các chức năng ngăn lũ, triều cường, ngăn mặn bảo vệ sản xuất và đời sống kết hợp với khuyến khích người dân trữ nước ngọt trong ao mương và nội đồng vào mùa khô để phục vụ tưới tiêu cho cây trồng.
Ngay trước Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, tỉnh sẽ cho đắp đập thép ngăn mặn trên vàm kênh Nguyễn Tấn Thành nhằm bảo vệ vùng chuyên canh. Đồng thời, khuyến cáo các xã cù lao Ngũ Hiệp và Tân Phong của huyện Cai Lậy - nơi có trên 2.600 ha vườn cây ăn trái, chủ yếu là sầu riêng, chôm chôm và một số cây trồng có giá trị kinh tế khác, khẩn trương gia cố mạng lưới đê bao ngăn mặn kết hợp trữ nước ngọt phục vụ tưới tiêu, phòng, chống hạn, mặn bảo vệ cây trồng đặc sản.
Với những diện tích bị thiệt hại trước đó, địa phương đã tổ chức các cuộc tập huấn, hội thảo, chuyển giao quy trình chăm sóc đồng bộ. Đến nay, hầu hết đã phục hồi gần như hoàn toàn, cây sinh trưởng tốt. Trong đó, có trên 3.200 ha đang ra hoa và sẽ cho thu hoạch trong thời gian tới. Đối với diện tích thiệt hại nặng, khuyến khích bà con cải tạo trồng mới hoặc chuyển đổi sang trồng các giống cây trồng phù hợp với quy hoạch của địa phương cũng như có biện pháp chủ động ứng phó hạn, mặn trong tương lai.
Theo ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre, năm nay người dân trong tỉnh có những động thái chuẩn bị ứng phó hạn mặn rất tốt. Ngoài việc mua những túi trữ nước như những năm trước, người dân còn làm các hồ chứa nước để chủ động trong sản xuất cây giống cũng như một số cây đặc sản khác. Một số vùng khuyến khích người dân chuyển đổi trong cơ cấu giống, mùa vụ thu hoạch, tạo hoa, tạo quả tránh thời điểm hạn mặn.
Chuyển đổi cây trồng cũng là lựa chọn của tỉnh Trà Vinh. Thông tin từ Sở NN&PTNT, năm 2020, toàn tỉnh đã chuyển đổi khoảng 2.348 ha đất lúa, đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm và cây lâu năm khác, hoặc kết hợp nuôi thủy sản. Đặc biệt, cây dừa được lựa chọn là sản phẩm chủ lực để sản xuất thương phẩm và đã cho hiệu quả bước đầu. Thời gian qua, mặc dù mùa hạn, mặn xâm nhập nhưng cây dừa vẫn cho quả khắp các huyện, thị trên địa bàn tỉnh. Một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã ký kết hợp đồng liên kết và tiêu thụ sản phẩm dừa hữu cơ với nông dân.
Theo dự báo, đợt hạn mặn năm nay không dữ dội như năm 2020 nhưng thực tế cho thấy, không thể chủ quan bởi tình hình hạn mặn ngày càng diễn biến phức tạp. Sự chủ động của các ngành chức năng và bà con nông dân sẽ giúp việc ứng phó với hạn mặn đạt hiệu quả cao, bảo vệ sản xuất và nâng cao giá trị nông sản trong thời gian tới.