Quảng Nam: Triển khai cấp sổ đỏ đất lâm nghiệp 9 huyện miền núi sau nhiều năm bị “ngâm”
Đất đai - Ngày đăng : 17:36, 25/01/2021
Theo đó, mục tiêu đến năm 2026 sẽ đo đạc, lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1/10.000. Trong đó, đo đạc bổ sung, đo vẽ lại bản đồ địa chính với diện tích 90.469ha, 51.441 thửa đất; đo đạc, chỉnh lý biến động 251 mảnh bản đồ địa chính, diện tích 26.405ha, 17.149 thửa đất. Kê khai, đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho 50.919 giấy; kê khai, đăng ký, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho16.540 giấy.
Phạm vi thực hiện trên toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống, có hộ khẩu thường trú tại địa phương, trực tiếp sản xuất lâm nghiệp thuộc địa bàn 9 huyện miền núi: Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang, Tiên Phước, Bắc Trà My, Nông Sơn, Nam Trà My, Phước Sơn và Hiệp Đức. Tổng kinh phí thực hiện hơn 114,6 tỷ đồng.
Quảng Nam sẽ tiến hành đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp 9 huyện miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 – 2026. |
Quảng Nam có hơn 700.000 ha diện tích đất lâm nghiệp (chiếm 69,9% diện tích tự nhiên của tỉnh), trong đó diện tích có rừng trong quy hoạch 3 loại rừng là 559.658ha, tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi và trung du. Tuy nhiên, trong suốt thời gian dài, nhiều diện tích đất lâm nghiệp chưa được cấp sổ đỏ còn rất lớn đã ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số về đất sản xuất, chính sách bảo vệ, phát triển rừng gắn với giảm nghèo nhanh, bền vững.
Theo lý giải của UBND tỉnh Quảng Nam, trước năm 2010, UBND tỉnh Quảng Nam được chuyển giao một dự án phiên bản đồ vệ tinh 1/10.000. Trên cơ sở bản đồ vệ tinh đó, toàn tỉnh Quảng Nam lập thủ tục để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, nhất là khu vực miền núi.
Việc chậm cấp GCNQSDĐ đã gây ra nhiều khó khăn cho người dân trong phát triển kinh tế và bảo vệ rừng |
Tuy nhiên, sau khi mọi thủ tục hoàn thành và đem sổ đỏ phát cho người dân thì xảy ra trường hợp không phù hợp với thực tế đất đai mà người dân đang sử dụng. Do vậy, nhiều địa phương đã ban hành sổ đỏ nhưng không phát cho người dân được. Toàn bộ số sổ bìa đỏ này được các địa phương “ngâm” trong tủ hồ sơ xã, văn phòng đăng ký đất đai hay phòng TN&MT huyện trong nhiều năm nay. Để tiến hành cấp bìa đỏ đất lâm nghiệp cho người dân cần phải đo đạc chỉnh lý bản đồ, xây dựng cơ sở dữ liệu và tích hợp cơ sở dữ liệu địa chính đất lâm nghiệp. Nhưng, nhiều năm nay, do thiếu kinh phí thực hiện nên tiến độ đo đạc, cấp bìa đỏ tại địa bàn rất chậm.