Miền cát trắng
Xã hội - Ngày đăng : 10:05, 21/01/2021
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất miền Trung “mưa dầm nắng dãi”, tuổi thơ tôi gắn liền với những cánh đồng thẳng cánh cò bay, với những buổi chiều chăn trâu cắt cỏ. Rồi lớn lên, ở cái tuổi thanh xuân đẹp nhất của cuộc đời, tôi xa quê vào vùng đất xa lạ, “mài chữ rèn chí” với mong muốn thoát khỏi cái nghèo. Thời gian dần trôi, tôi lấy vợ, sinh con, thấm thoát đã 15 năm. Sau quảng thời gian ấy đây là lần đâu tiên sau nhiều năm xa quê, tôi mới trở lại nơi chôn rau cắt rốn của mình.
Ký ức ùa về
Quê tôi là một vùng vừa có núi lại vừa biển và có cả những cánh đồng “thẳng cánh cò bay”. Cứ trời tờ mờ sáng là tiếng trẻ con trong làng í ới gọi nhau ra biển kéo lưới phụ cha mẹ mưu sinh. Nhiều hôm kéo đến lầy lụa cả tay mà được vài ký cá. Những hôm được nhiều là mừng lắm vừa có cá để ăn, mẹ lại có tiền đi chợ, cha có thêm chén rượu trong bữa ăn. Có hôm chúng tôi về kỳ kèo với mẹ được vài con để đi nướng cùng chúng bạn. Mỗi khi mùa hè đến, khoảnh khắc thích nhất vẫn là trầm mình dưới biển, lặng yên nghe tiếng rì rầm của biển cả, rồi vỡ òa thích thú khi chơi xấu được bạn mình uống ngụm nước biển mặn chát. Đêm đến, chúng tôi lại rủ nhau ra biển bắt con “Coong” về nấu ăn. Món Coong rang có lẽ là đặc sản với chúng tôi. Nó béo ngậy, thơm vị biển miền trung, nghỉ lại cái mùi thơm đó lại như ùa về phảng phất đâu đây. Giờ lớn lên ăn biết bao nhiêu món ngon của lạ nhưng vẫn không thế sánh được với hương vị của ngày xưa.
Hay những chiều chăn trâu lang thang trên đồng bắt châu chấu, cào cào nướng, hay mót mầm khoai lang luộc ăn... đó sẽ luôn là những kỷ niệm tươi đẹp có lẽ không khi nào nguôi ngoai. Những đêm dài cùng cha mẹ trốn nắng gặt đêm, đi cấy sáng trăng có lẽ đó là một nét quen thuộc của người dân xứ tôi khi muốn mưu sinh trên dải miền Trung này. Cha tôi thường nói “Trời không chịu ta, thì ta phải chịu trời” người dân quê tôi có muôn vàn kiểu thích ứng với thiên nhiên, cũng chính nhờ vùng đất nắng gió đó đã tôi luyện cho người dân quê tôi tính chịu khó, vươn lên vượt qua gian khổ.
Tôi còn nhớ như in hình ảnh hai đứa (bạn từ thời cởi truồng tắm mưa của tôi) chở nhau đi học về trên con xe thống nhất cũ kỹ, mỗi lần đạp cứ kêu cọc cạch như sắp hư đến nơi. Vào mùa thu hoạch lúa gặp đúng lúc họ phơi rơm rạ hai đứa phải vừa đạp vừa ngừng lại để tháo rơm quấn ở bánh xe, trời thì nắng, gió Lào thổi táp vào mặt làm cho cái nắng mùa hè càng trở nên gay gắt, khó chịu hơn. Nhưng kể cũng lạ khi đó không đứa nào thấy mệt cả mặc dù vừa đói vừa khát, trên đoạn đường đến trường đó vẫn vang lên tiếng cười giòn tan vô lo vô nghĩ của những cô cậu học trò.
Ngôi trường cấp ba đứng chân ở một xã khác, đường đi học xa hơn nên cứ tiếng gà gáy vang lên là lại lục đục dậy nấu cơm rồi mang thêm lạc vừng cho vào lá chuối đùm đi để trưa ở lại ăn. Hồi đó do trường xa và tranh thủ nghỉ ngơi nên chúng tôi chọn ở lại buổi trưa trong trường, cứ đến giờ ăn là tám đứa lại tụ lại cùng một chỗ đứa món này, món kia thành bữa ăn trưa cũng đầy đủ cả sắc lẫn vị. Những ngày tháng ấy vui và nhiều kỷ niệm, món quen thuộc của tôi là vừng lạc với trứng luộc. Tôi hay xin thêm của mấy đứa bạn những món như cá khô kho mật, lạc rim đường... nghĩ lại đấy thôi đã thấy thèm.
Bình minh trên biển Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) |
Miền bão
Quê tôi, giống như bao làng xã khác nằm trên khúc ruột miền Trung đều có một mùa gọi là mùa bão, cứ đến mùa bão bao nhiêu gian truân vất vả lại ùa về, tài sản và tính mạng con người đều bị đe dọa.
Những đêm mưa bão là những đêm dài thâu đêm. Cha tôi theo mọi người đi chống bão trong làng, mẹ con chúng tôi thì ở nhà, ngoài trời mưa ào ào như ai múc nước đổ lên, gió giật, gió rít, gió xuýt rồn rột làm nhà chúng tôi rung lên bần bật nhiều lúc tưởng chừng sắp đổ đến nơi, cả đêm cả nhà không làm sao ngủ được lo nhà sập vì bão, lo vì cha còn đang theo mọi người đi chống bão không biết có chuyện gì không. Sáng ra là một cảnh tan hoang ngổn ngang như giặc vừa đi qua...
Với chúng tôi mùa này đi học là một hành trình gian nan. Trời mưa dầm dề từ sáng đến tối, đường đất sinh lầy chưa được lát nhựa hết như giờ. Trời bắt đầu mưa cũng là thời điểm đường bắt đầu chuyển mình hình thành những kênh bùn, đất đỏ au, rồi nó sền sệt dính vào bánh xe, đạp không nổi mà đẩy cũng chả xong. Quần phải xắn qua đầu gối, phải dừng lại lấy que gạt bớt đất trên bánh xe mới đi tiếp được. Tới được trường thì tay chân mặt mũi gì đều có đất đỏ.
Còn nhớ năm tôi học lớp 12 có trận bão to đổ bộ vào miền Trung mà tâm bão là Hà Tĩnh, học đến chín giờ thì nhà trường cho về. Lúc đó bầu trời xám xịt, mây đen “vần vũ” cây cối ngả nghiêng cành lá bay tứ tung, mưa gió ập đến. Học sinh chúng tôi cố gắng đạp nhanh về cho kịp không mắc bão giữa đường. Đạp xe lên từng nào gió lại quật lại từng đó, đạp rồi dừng lại nghỉ lấy sức đạp tiếp. Đang cặm cụi cố gắng bỗng có cơn gió mạnh thổi qua thế là nguyên cả đám chúng tôi bị đẩy xuống dưới ruộng, cả người lẫn xe, bùn dính bê bết. Lúc đó vừa mệt vừa tức muốn khóc nhưng nén lại, vì người miền Trung chịu khổ bao đời quen rồi.
Giờ cũng đã 15 năm trôi qua, tôi cất giữ những kỷ niệm như một báu vật, cẩn thận giữ gìn để khi thấy mệt mỏi lại lôi ra gặm nhấm lấy động lực bước tiếp giữa cuộc sống xô bồ này.
|
Áo mới ngày về
Ngồi trên xe bus nhìn lại quê hương mình từ trong ký ức mới thấy được cái thay đổi của nó, như là trút bỏ đi lớp áo cũ khoác lên mình màu áo mới làm suýt nữa tôi không nhận ra. Không còn những con đường bùn đất lồi lõm mà là đường rải nhựa tinh tươm, những ngôi nhà cao tầng mái ngói đỏ tươi thay thế cho ngôi nhà bằng vách bùn đất mái tranh.
Rõ rệt nhất vẫn là khu vực Ngôi chùa chân tiên nơi ngày xưa bọn tôi vẫn phải trèo đèo lội suối đi hái sim, hái móc giờ đã được quy hoạch thành danh lam thắng cảnh của huyện, đường được mở đến tận đỉnh núi nhìn xa xa vẫn sừng sững giữa vùng bao la, đón nhiều du khách về thăm. Bãi biển ngày xưa giờ được quy hoạch, có cả khu vui chơi công viên nước. Trên đường lâu lâu mới có người dân đi bộ đi xe đạp, còn lại là xe máy, xe ô tô nườm nượp nối đuôi nhau, cuộc sống sôi động hơn. Làng quê giàu đẹp hơn nhiều.
Nhìn sự thay đổi của quê hương mình, chạnh lòng thương ký ức nhưng tôi rất vui bởi thế hệ trẻ thời nay sẽ không còn phải vất vả trên con đường bùn lầy đến trường hay nơm nớp lo sợ mỗi lần bão, hay những chiều chăn trâu, tắm sông tắm biển.