Ứng dụng, vận hành tốt công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính ngành TN&MT
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 09:41, 21/01/2021
Đổi mới phương thức hoạt động, cải cách thủ tục hành chính
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Cục CNTT&DLTNMT đã tích cực làm việc để hoàn thành tốt kế hoạch, nhiệm vụ được giao, thực hiện đúng vị trí, chức năng của Cục, phát huy hiệu quả ứng dụng CNTT, vận hành Chính phủ điện tử vào công tác quản lý điều hành và chuyên môn nghiệp vụ của Bộ, ngành, góp phần vào cải cách hành chính, phát triển ngành tài nguyên và môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung.
Cục cũng đã góp phần quan trọng thay đổi cơ bản phương thức làm việc, chỉ đạo, điều hành của Bộ TN&MT trên môi trường số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, năng suất lao động, cải cách hành chính, đồng thời nâng cao tính công khai, minh bạch, tiết kiệm chi phí.
Đáng chú ý, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, kinh phí còn hạn chế nhưng Cục đã góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu năm 2020 tại Nghị quyết 17/NQ-CP và các nhiệm vụ được giao. Cục đã phát triển các ứng dụng trực tuyến trên môi trường mạng để tổ chức các cuộc họp, làm việc với các địa phương, đơn vị. Cụ thể, trong năm 2020, đã có 1.387 cuộc họp với 14.985 người tham gia. Trong đó có 169 cuộc họp trực tuyến giữa Bộ với các đơn vị trong và ngoài nước (Chính phủ, ASEAN, G20, Bộ TN&MT các nước...). Cách làm này đã tiết kiệm rất nhiều chi phí, thời gian đi lại, giảm ùn tắc giao thông, đem lại thay đổi tích cực trong thực hiện công vụ. Ngoài ra, trong thời gian vừa qua, Cục đã ứng dụng CNTT triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến, Hệ thống một cửa quốc gia, Một cửa điện tử phục vụ người dân và doanh nghiệp kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, 100% dịch vụ công đạt mức độ 3, 4 trong đó 51% đạt mức độ 4 theo đúng lộ trình của Chính phủ. Điều này đã giúp cho Bộ TN&MT thuận lợi hơn trong việc phục vụ người dân cũng như doanh nghiệp.
Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ rất nhanh, đòi hỏi sự tư duy chuyên môn cao, do vậy bên cạnh việc hoàn thiện, khắc phục những khó khăn trong kết nối, tích hợp, liên thông chia sẻ thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường trong Bộ, ngành, địa phương, ông Lê Phú Hà - Cục trưởng Cục CNTT&DLTNMT cho rằng thu hút, đào tạo nguồn nhân lực cao trong ứng dụng công nghệ thông tin đóng vai trò rất quan trọng. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, năng lực trình độ chuyên môn về CNTT, kỹ năng làm việc còn yếu, nguồn nhân lực có chuyên môn cao về CNTT còn khan hiếm. Đây là vấn đề gây khó khăn trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ CNTT, dẫn đến tiến độ triển khai chậm, hiệu quả phát huy không cao.
Để thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ có kỹ năng chuyên môn cao, trong cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm 2021, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, Cục CNTT&DLTNMT cần hợp tác đẩy mạnh nhiệm vụ chuyển đổi số, đổi mới toàn diện ngành tài nguyên và môi trường, quản lý, điều hành hoàn toàn trên phương thức, quy trình, mô hình của công nghệ số và kết quả phân tích, xử lý dữ liệu số; áp dụng khoa học công nghệ, sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; là cơ sở vật chất, phương thức mới để thực hiện quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường… Tiếp tục tạo ra môi trường tốt nhất, phát huy trí tuệ tập thể, tinh thần khoa học, sáng tạo đột phá, dựa trên những thành quả đã có để áp dụng công nghệ thông tin trong và ngoài ngành.
Nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng nhu cầu dịch vụ công. Ảnh: MH |
Nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng nhu cầu dịch vụ công
Nắm bắt xu thế Chính phủ số, hướng tới Chính phủ điện tử, trong thời gian tới, Cục CNTT&DLTNMT sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, chính xác hóa các cơ sở dữ liệu về TN&MT. Trong giai đoạn 2021 - 2025, Cục sẽ nâng cao hơn tích hợp hệ thống của Bộ TN&MT với Cổng Dịch vụ công Quốc gia và kết nối, tích hợp dùng chung hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công Quốc gia, tích hợp thêm 55 DVCTT mức độ 3, 4 lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số ngành tài nguyên và môi trường đạt được chỉ tiêu đến năm 2025 cơ bản vận hành trên nền tảng số, phương thức làm việc của ngành dựa vào phân tích, xử lý thông minh dữ liệu tổng hợp, đa ngành, góp phần quan trọng vào tiến trình xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh.
Đặc biệt, nhằm thúc đẩy, tạo hiệu ứng lan tỏa, căn cứ vào dữ liệu hiện có, Cục sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai quyết liệt nhiệm vụ "Xây dựng hệ thống thông tin tham vấn, giải đáp và đánh giá thực thi chính sách pháp luật tài nguyên và môi trường" trên công nghệ AI, nhằm góp phần giải quyết công tác hướng dẫn, giải đáp thực thi pháp luật, tăng năng suất, giảm áp lực cho khối lượng công việc lớn của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về Chính phủ điện tử, Chính phủ số và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số, kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu cho cán bộ, công chức, viên chức hàng năm để sẵn sàng chuyển đổi môi trường làm việc sang môi trường số, đáp ứng yêu cầu mới trong việc phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.