Tăng sức “chống chịu” với tác động BĐKH cho cộng đồng dễ bị tổn thương

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 09:39, 21/01/2021

(TN&MT) - Mặc dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và các trận bão, lụt ở miền Trung, Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” (Dự án GCF) đã đạt được một số tiến bộ vượt bậc và có những thành tựu quan trọng. Dự án gồm 3 hợp phần: Hợp phần 1 - Hỗ trợ xây nhà chống chịu bão lũ; Hợp phần 2 - Trồng rừng ngập mặn; Hợp phần 3 - Thông tin dữ liệu rủi ro thiên tai.

Dự án GCF đặt mục tiêu đến năm 2021 xây 4.000 ngôi nhà an toàn chống chịu bão, lụt, trồng và phục hồi 4.000 ha rừng ngập mặn từ đó giảm 1,9 triệu tấn CO2 tương đương và 20.000 người tiếp cận thông tin về biến đổi khí hậu, thiên tai. Dự án triển khai tại 7 tỉnh: Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Cà Mau trong 5 năm (từ năm 2017 - 2021).

 

Ông Trần Văn Thức, Giám đốc BQLDA GCF tỉnh Cà Mau:

Mong muốn tham gia vào hợp phần nhà ở của dự án

Thời gian qua, địa phương đã rất nỗ lực để triển khai trồng và khôi phục rừng ngập mặn, thực hiện Hợp phần 1 Dự án GCF. Tuy nhiên, do dự án chậm triển khai so với các dự án khác trên địa bàn tỉnh nên Cà Mau không có nhiều diện tích để trồng mới mà trồng bổ sung quản lý và bảo vệ rừng; trong khi đây là tỉnh chiếm tỷ trọng rất cao với gần 80% tổng số lượng rừng trồng của Hợp phần 2.

Tỉnh Cà Mau đã đề xuất với Bộ NN&PTNT để thực hiện Hợp phần 1 là hợp phần nhà ở an toàn. Với đặc điểm là tình hình sạt lở dài 254 km ven biển, theo thống kê dự kiến phải di dời khoảng hơn 12.000 hộ dân; trong đó gần 1/4 phải hỗ trợ nhà. Do Cà Mau còn thừa kinh phí khi thực hiện “trồng rừng ngập mặn” nên đề nghị được phân bổ thực hiện Hợp phần 1 xây 500 nhà an toàn chống bão lụt. Tỉnh Cà Mau sẽ tính toán vốn đối ứng để hỗ trợ di dân thực hiện Dự án.

Đối với Hợp phần 3 - Thông tin dữ liệu rủi ro thiên tai của Dự án, hiện toàn tỉnh có 38 xã ven biển nhưng mới thực hiện ở 17 xã. Theo đánh giá, triển khai Hợp phần này đối với Cà Mau còn chậm, do vậy đề nghị trong những tháng đầu năm 2021 sẽ ưu tiên hỗ trợ tỉnh tập huấn các xã còn lại.

 

Ông Nguyễn Phước Bửu Hùng, Phó giám đốc BQLDA GCF tỉnh Thừa Thiên - Huế:

Tháo gỡ khó khăn về đối tượng hỗ trợ nhà ở chống bão lũ

Đến nay, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã hoàn thành xây dựng 2.280 căn nhà ở PCLB; trong đó dự án GCF hỗ trợ 545 căn. Năm 2020, với hỗ trợ của Dự án GCF đã khởi công xây dựng trên toàn tỉnh 180/180 căn, trong đó 176 căn đã hoàn thành.

Với thực tế triển khai thời gian qua, UNDP đã có điều chỉnh về số lượng nhà triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh trong năm 2021. Mặc dù vậy, để thực hiện số lượng nhà trong thời gian còn lại của Dự án, đối tượng người nghèo theo Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg (thu nhập 500.000 đồng/tháng/hộ tại khu vực đô thị; 450.000 đồng/tháng/hộ tại khu vực nông thôn) có số lượng rất ít nên khó khăn để triển khai Dự án. Đối tượng chuẩn nghèo theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg với quy định thu nhập khá hơn (thu nhập 900.000 đồng/tháng/hộ tại khu vực đô thị; 700.000 đồng/tháng/hộ tại khu vực nông thôn) sẽ dễ triển khai hơn và thuận lợi đảm bảo kế hoạch đề ra.

Do vậy, nếu tháo gỡ được chuẩn nghèo theo Quyết định 59 sẽ có thể thực hiện Hợp phần 1 Dự án đáp ứng được theo mong muốn của UNDP, kỳ vọng của các cơ quan của tỉnh theo thời gian, kế hoạch còn lại của Dự án.

Bên cạnh đó, việc triển khai Dự án cũng gặp khó khăn khi đặc thù các hộ dân ở đây là thường xuyên thay đổi; ban đầu có thể đồng ý thực hiện Dự án nhưng khi có khó khăn (chủ yếu về kinh phí, tài chính) là họ xin rút.

Quá trình theo dõi thực hiện Dự án cho thấy, đối với miền Trung, nơi bão lũ thường xuyên xảy ra, vấn đề chống chịu với biến đổi khí hậu và xây dựng nhà ở an toàn vô cùng cần thiết, đặc biệt là vấn đề đảm bảo tính mạng người dân. Để thực hiện hiệu quả điều này cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và nguồn kinh phí phù hợp để xây dựng nhà ở đảm bảo an toàn, chống bão lũ.

 

Ông Lê Công Cường, Giám đốc BQLDA GCF tỉnh Thanh Hóa:

Tiếp tục trồng dặm và chăm sóc diện tích rừng đã trồng

Thanh Hoá có một thuận lợi là UBND tỉnh   đã ban   hành Quyết định số 1532/QĐ-UBND, phê duyệt danh sách các hộ gia đình thuộc đối tượng được hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lũ theo Quyết định 48/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tham gia Hợp phần 1 - Dự án do Quỹ Khí hậu xanh (GCF) tại trợ thực hiện năm 2020 và 2021 tại các huyện ven biển tỉnh Thanh Hoá. Theo đó, năm 2020 có 500 hộ được hỗ trợ, năm 2021 (đợt 1) có 73 hộ được hỗ trợ. Mức hỗ trợ là 1.700 USD/hộ đối với hỗ trợ từ nguồn vốn ODA của Dự án và theo Quyết định 48/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, số lượng 259 căn nhà an toàn chống bão lụt theo kế hoạch năm 2021 là rất lớn, Thanh Hoá đề nghị được bố trí cán bộ tư vấn hỗ trợ địa phương trong việc kiểm tra, giám sát hiện trường trước khi hoàn thiện số lượng nhà.

Đối với Hợp phần 2 với dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển” cần được làm 57 bảng đặt ở những vị trí Dự án đã triển khai trồng rừng rồi. Trong năm 2021, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung trồng dặm và chăm sóc diện tích rừng đã trồng trong năm 2019; tiếp tục phối hợp với UNDP để thực hiện các mô hình sinh kế như: hỗ trợ theo các xã trồng và phát triển khoai tây…

Liên quan đến Hợp phần 3, đề nghị triển khai thực hiện ở Thanh Hóa vào đầu quý 2 (khoảng tháng 4/2021). Cần tổ chức hội nghị lập kế hoạch cấp tỉnh với sự tham gia của các xã, tránh tình trạng địa phương bị bất ngờ khi ban hành văn bản đến.

Hoàng Thanh (lược ghi)