Vụ dân “tố” nhiều cơ sở tẩy nhuộm xả thải gây ô nhiễm sông Hồng: Trạm xử lý nước thải hàng chục tỷ đồng nhiều năm chưa được nghiệm thu, bàn giao
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 20:33, 20/01/2021
Sau loạt bài phản ánh về việc người dân tại xã Hoà Hậu và xã Phú Phúc “tố” nhiều cơ sở kinh doanh, sản xuất, tẩy nhuộm bông vải sợi xả thải ra sông Hồng gây ô nhiễm; mới đây, qua tìm hiểu của PV Báo Tài nguyên và Môi trường được biết, trạm xử lý nước thải làng nghề dệt nhuộm được đầu tư, xây dựng tại địa phương này đã hoàn thành từ năm 2017 nhưng đến nay vẫn chưa được nghiệm thu, bàn giao.
Trạm xử lý nước thải, cung cấp lắp đặt thiết bị, trạm biến áp và đường điện cao thế công trình tại xã Hòa Hậu có giá trị trên 48,4 tỷ đồng đến nay chưa được nghiệm thu, bàn giao. |
Theo tìm hiểu, ngày 5/7/2013, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành Quyết định số 712/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và Trạm xử lý nước thải làng nghề dệt nhuộm Hòa Hậu và Nha Xá, tỉnh Hà Nam. Dự án có tổng mức đầu tư là hơn 102 tỷ đồng do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam làm chủ đầu tư. Nguồn vốn đầu tư được lấy từ nguồn vốn đầu tư Quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ, vốn đối ứng giải phóng mặt bằng của các xã tham gia Dự án và đóng góp của các hộ sản xuất kinh doanh.
Trong đó, gói thầu xây dựng hạ tầng, trạm xử lý nước thải, cung cấp lắp đặt thiết bị, trạm biến áp và đường điện cao thế công trình tại xã Hòa Hậu có giá trị trên 48,4 tỷ đồng, được xây dựng trên tổng diện tích 21.626m2.
Trạm xử lý nước thải và tạm thu tiền của các cơ sở sản xuất tại khu vực. |
Tại Quyết định số 712/QĐ-UBND ghi rõ: “Thời gian thực hiện dự án từ năm 2013 đến 2015”. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, phải tới tháng 1/2017, dự án mới hoàn thiện và đưa vào vận hành thử nghiệm. Sau quá trình vận hành thử nghiệm được khoảng 3 tháng, kết quả trạm xử lý nước thải không thể xử lý được nước thải, với lý do: Nước thải dệt nhuộm từ các hộ sản xuất thải ra vượt nhiều lần so với thời điểm khảo sát thiết kế ban đầu. Vì vậy, nước thải chưa được xử lý triệt để, gây ứ đọng, chảy tràn trong khu xử lý và môi trường xung quanh, ô nhiễm môi trường. Từ đó đến nay, trạm xử lý nước thải này vẫn chưa được nghiệm thu, bàn giao cho phía chủ đầu tư.
Công suất của trạm xử lý được cho là không phù hợp với nhu cầu sử dụng. |
Liên quan đến vấn đề trên, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Hà Nam Lê Văn Hưng xác nhận, đến thời điểm hiện tại trạm xử lý nước thải này vẫn chưa được nghiệm thu và bàn giao với lý do hệ thống phòng cháy, chữa cháy tại đây chưa đảm bảo.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lý Nhân cũng cho biết, trạm xử lý nước thải tại khu tẩy nhuộm tập trung làng nghề xã Hoà Hậu được xây dựng có công suất 200m3/ngày/đêm.
“Bước đầu do các cơ quan tính toán quy mô, công suất xử lý nước thải tại trạm không đảm bảo với khối lượng mà các cơ sở kinh doanh, sản xuất, tẩy nhuộm bông vải sợi xả thải ra. Sau đó mới lại tiếp tục cho bổ sung mở rộng trạm xử lý giai đoạn 2. Tuy nhiên, tại giai đoạn 2, dự án này lại được thực hiện theo hình thức xã hội hoá... Đến thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng, các cơ sở sản xuất và đơn vị thi công vẫn chưa thống nhất được về kinh phí nên dự án vẫn đang dở dang”, ông Hải cho biết.
Tại buổi làm việc, ông Hải cũng cho biết thêm, cho đến thời điểm hiện tại, Sở Tài nguyên Môi trường và UBND tỉnh Hà Nam vẫn chưa có bảng giá cố định về việc thu tiền xử lý nước thải đối với các cơ sở tẩy nhuộm tại đây. Tuy nhiên, tỉnh vẫn giao trạm xử lý nước thải này cho một doanh nghiệp chịu trách nhiệm quản lý, vận hành và hợp đồng với các cơ sở sản xuất để thu tiền xử lý nước thải với mức giá tạm thu của các hộ là 50 nghìn đồng/m3. Cũng theo ông Hải, việc tạm thu tiền của các cơ sở sản xuất tẩy nhuộm tại khu tẩy nhuộm tập trung sau đó tự cân đối thu, chi để mua hoá chất xử lý nước thải chứ không nộp tiền thu được về ngân sách nhà nước.
Như vậy, dự án xây dựng trạm xử lý nước hàng chục tỷ đồng được đầu tư xây dựng nhưng không được nghiệm thu, bàn giao dẫn đến tình trạng nước thải tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh tẩy nhuộm bông vải sợi xả ra gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân đến khi nào mới được xử lý triệt để?
Câu hỏi trên xin gửi tới các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam trả lời cho người dân, dư luận được biết.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin!