Định giá đất sẽ được thực hiện qua ứng dụng công nghệ thông tin
Đất đai - Ngày đăng : 20:35, 19/01/2021
Hiện nay, các dữ liệu về giá đất chưa được các địa phương tổ chức xây dựng, quản lý, cập nhật cho tương xứng với giá trị và tầm quan trọng của nó. Dữ liệu giá đất chưa được cập nhật để phục vụ các mục đích sử dụng, tạo nguồn thông tin tin cậy cho hoạt động quản lý và ra quyết định của các cấp quản lý; cũng như đáp ứng nhu cầu của tổ chức, người dân.
Đáng chú ý, công tác quản lý các kết quả, sản phẩm điều tra khảo sát, nghiên cứu về giá đất còn hạn chế, nên việc khai thác sử dụng các tư liệu này rất khó khăn. Do đó, nhu cầu đổi mới công tác định giá đất và quản lý giá đất là nội dung, yếu tố quan trọng cần được nghiên cứu xem xét, điều chỉnh.
Chính vì thế, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Cơ quan KOICA từ tháng 6/2017 - 12/2019 đã thực hiện Dự án Tăng cường năng lực định giá đất và hệ thống thông tin giá đất dựa trên VietLIS nhằm góp phần cải thiện chính sách, pháp luật, năng lực quản lý, nghiệp vụ hành chính và hệ thống thông tin về giá đất nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu nhân dân.
Tăng cường năng lực định giá đất và hệ thống thông tin giá đất dựa trên VietLIS |
Cụ thể là, đề xuất phương pháp và mô hình định giá đất tin cậy, phù hợp với yêu cầu quản lý Nhà nước và quy định pháp lý về đất đai; Nâng cao năng lực định giá đất qua ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu và hệ thống thông tin giá đất dựa trên VietLIS tại một số khu vực thí điểm; Cung cấp căn cứ để hoàn thiện chính sách, pháp luật về giá đất; năng lực định giá đất và hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu trên phạm vi toàn quốc.
Theo đánh giá của ông Võ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm thông tin dữ liệu (Tổng cục Quản lý đất đai), mô hình định giá đất và quy trình định giá đất hàng loạt phù hợp với điều kiện Việt Nam. Theo ông Tuấn, hệ thống này với nền tảng công nghệ tiên tiến, bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành. Qua đó, đáp ứng tốt yêu cầu quản lý Nhà nước về đất đai và nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Chẳng hạn, về xây dựng phương pháp và mô hình định giá đất, Dự án đã phân tích các yếu tố hình thành giá đất đối với từng loại đất; phân tích phương pháp về định giá đất; lựa chọn các thửa đất tiêu chuẩn, định giá đất cụ thể của từng thửa đất; ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ việc định giá đất. Về xây dựng quy trình định giá đất, Dự án đã định giá các thửa đất tiêu chuẩn và giá đất cụ thể.
Qua đó, đã triển khai thử nghiệm mô hình định giá đất và quy trình định giá đất đã xây dựng tại xã/phường (đảm bảo điều kiện ít nhất 5.000 thửa đất) của địa bàn các huyện/quận triển khai Dự án trên cơ sở ứng dụng phần mềm hỗ trợ định giá đất.
Ông Tuấn cho rằng, việc định giá đất và xây dựng cơ sở dữ liệu giá đất ở Việt Nam còn hạn chế. Do đó, hỗ trợ của Dự án trong việc tăng cường năng lực định giá đất và hệ thống thông tin giá đất dựa trên VietLIS đã mang lại nhiều lợi ích, từng bước nâng cao năng lực công tác định giá đất của các cơ quan quản lý về giá đất.
Dự án Tăng cường năng lực định giá đất và hệ thống thông tin giá đất đai dựa trên VietLIS được triển khai tại Tổng cục Quản lý đất đai, Sở TN&MT Đà Nẵng và quận Hải Châu, Sở TN&MT Bắc Ninh và TX. Từ Sơn, Sở TN&MT Vĩnh Phúc và huyện Bình Xuyên, Sở TN&MT Cần Thơ và huyện Ô Môn. Tổng nguồn vốn thực hiện Dự án là 9,9 triệu USD. Thời gian thực hiện Dự án là 30 tháng (từ 6/2017 - 12/2019).
Bên cạnh đó, đã góp phần xây dựng mô hình định giá đất hiện đại và hệ thống thông tin giá đất đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về đất đai trước mắt cũng như lâu dài, góp phần công khai, minh bạch thị trường bất động sản, phát huy nguồn lực từ đất đai và đáp ứng nhu cầu của người dân.
Ngoài ra, đóng góp cải thiện cơ sở hạ tầng Hệ thống thông tin giá đất của Việt Nam thông qua việc cung cấp trang thiết bị, phần cứng, phần mềm và đào tạo nâng cao năng lực cho Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân hy vọng với phương pháp, mô hình định giá đất và quy trình định giá đất hàng loạt và hệ thống thông tin giá đất tiên tiến, kết quả của Dự án sẽ được áp dụng cho Việt Nam trong thời gian tới, đáp ứng tốt yêu cầu quản lý Nhà nước về đất đai và nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.