Bắc Ninh: Tăng cường công tác quản lý chất thải và phế thải

Môi trường - Ngày đăng : 17:14, 19/01/2021

(TN&MT) - Để thực hiện hiệu quả Đề án tổng thể bảo vệ môi trường, năm 2020 ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên, môi trường, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số mô hình có cách làm hay, sáng tạo, điển hình như: Mô hình xử lý vi sinh bản địa IMO tại huyện Gia Bình… Cùng với đó, ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh cũng tập trung xử lý một số vấn đề nổi cộm về ô nhiễm môi trường nông thôn như rác thải sinh hoạt, nguồn nước sông Cầu, kênh Tào Khê… 

Bắc Ninh tăng cường công tác bảo vệ môi trường.

Đồng thời, quản lý hiệu quả hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, khoáng sản, dừng hoạt động của các bãi tập kết cát, sỏi lòng sông và vật liệu xây dựng trái phép; chấn chỉnh tình trạng khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Đình Phương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh cho biết: Biện pháp đầu tiên là tăng cường công tác quản lý chất thải, giám sát vận hành Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt đối với các công ty môi trường. Đôn đốc, hướng dẫn, giám sát việc lắp đặt các thùng chứa vỏ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật; phân loại rác thải tại hộ gia đình; phân loại rác thải nhựa; thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường làng nghề, Cụm công nghiệp, hạn chế thấp nhất ô nhiễm khói bụi, khí bụi và rác thải nguy hại ra môi trường. 

“Sở cũng tham mưu với tỉnh xem xét, quyết định tạm thời vận chuyển một phần chất thải rắn sau phân loại sang khu xử lý tập trung của các công ty xử lý chất thải; xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn các huyện, thị xã chưa có khu xử lý tập trung; mở rộng ô chôn lấp chất thải và lắp đặt lò đốt rác thông thường công suất 100 tấn/ngày tại khu xử lý chất thải xã Phù Lãng (Quế Võ), nhằm bảo đảm cơ bản ổn định các vấn đề môi trường trong sinh hoạt hàng ngày của người dân” – Ông Phương cho biết thêm.

Đến nay, toàn tỉnh đã đạt 100% tỷ lệ chất thải công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại, chất thải y tế được thu gom, xử lý; 9/10 Khu công nghiệp bảo đảm các yếu tố môi trường bền vững; Cụm công nghiệp, làng nghề bước đầu xây dựng hệ thống xử lý nước thải; 100% xã có phong trào làm sạch đồng ruộng, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh; 95% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý theo các bước ban đầu như đánh đống, phun chế phẩm sinh học, hạn chế phát tán mùi… 

Ông Đào Quang Khải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị, Sở Tài nguyên và Môi trường cần nhân rộng việc phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình bằng vi sinh bản địa IMO trên địa bàn tỉnh, để giảm thiểu tối đa việc phát sinh rác thải sinh hoạt; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các lò đốt rác thải sinh hoạt công suất nhỏ tại các huyện Tiên Du, Yên Phong và thị xã Từ Sơn, bảo đảm theo thực tế của từng địa phương. 

“Ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh cần chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình, chủ trương đầu tư xây dựng, vận hành hiệu quả hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp và làng nghề truyền thống; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền, vận động và yêu cầu các cơ sở sản xuất đầu tư xây dựng hệ thống xử lý khí thải; kiện toàn tổ chức, sắp xếp bộ máy vừa đảm bảo yêu cầu, vừa đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành” – ông Đào Quang Khải chỉ đạo.

Năm 2021, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cần tiếp tục được siết chặt với sự vào cuộc sát sao, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, để 100% chất thải rắn sinh hoạt, chất thải công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại được thu gom, xử lý; các điểm tập kết rác hoạt động hiệu quả, bảo đảm các tiêu chí môi trường; Cụm công nghiệp, làng nghề được xử lý cơ bản các vấn đề môi trường bức xúc; thắt chặt quản lý chất thải và phế thải, tạo môi trường sạch, nhằm góp phần bảo đảm chiến lược tăng trưởng xanh, bền vững của tỉnh.

Đức Thiện