Đánh giá trữ lượng khoáng sản tại Phú Thọ và Sơn La
Tài nguyên - Ngày đăng : 15:40, 15/01/2021
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên chủ trì cuộc họp |
Báo cáo kết quả thăm dò mỏ kaolin-felspat ở đồi Nai Trành Bo Bo, Khu 5, xã Giáp Lai, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, ông Vũ Thế Thủ - đại diện Công ty Cổ phần Tư vấn Mỏ, đơn vị tư vấn cho biết, đề án thăm dò nhằm nghiên cứu làm sáng tỏ đặc điểm địa chất, địa chất thủy văn - địa chất công trình khu mỏ, đánh giá chất lượng và xác định trữ lượng kaolin-felspat làm cơ sở cho công tác lập dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác mỏ.
Báo cáo kết quả công tác thăm dò đã thành lập bản đồ địa hình trên diện tích thăm dò theo đúng quy định ban hành để thành lập tài liệu địa chất và tính trữ lượng mỏ. Đồng thời, đã xác định được cấu trúc địa chất cũng như đặc điểm chất lượng quặng trong diện tích thăm dò, đảm bảo cơ sở tính trữ lượng quặng kaolin-felspat ở cấp trữ lượng 122.
Ông Nguyễn Trường Giang - Chánh Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia đánh giá, báo cáo đã cơ bản làm rõ được đặc điểm địa chất, địa chất thủy văn - địa chất công trình, điều kiện khai thác mỏ, đánh giá được chất lượng, trữ lượng quặng kaolin-felspat và khoáng sản đi kèm trong mỏ. Ngoài ra, phương pháp và kết quả tính trữ lượng, tài nguyên chấp nhận được.
Thứ trưởng Trần Quý Kiên và các thành viên Hội đồng đã nhất trí phê duyệt trữ lượng khoáng sản đã tính trong báo cáo, trong đó trữ lượng kaolin nguyên khai tự nhiên là 646 nghìn tấn, trữ lượng felspat cấp 122 là 441 nghìn tấn, trữ lượng khoáng sản đi kèm là 25 nghìn tấn mica ở cấp 122 và 240 nghìn tấn cát làm vật liệu xây dựng thông thường.
Báo cáo kết quả thăm dò sericit tại khu vực bản Móng Vàng, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, ông Hoàng Văn Đồng thuộc Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Thương mại Việt Séc, đơn vị tư vấn cho biết: Công tác thăm dò đã làm sáng tỏ cấu trúc địa chất mỏ, đặc điểm phân bố của thân quặng, chất lượng, trữ lượng, tính chất công nghệ quặng và điều kiện khai thác mỏ… Tài liệu thu thập đáp ứng theo yêu cầu kỹ thuật của đề án thăm dò và các quy định hiện hành. Khối lượng, chất lượng công tác thăm dò đảm bảo tin cậy để lập báo cáo kết quả thăm dò.
Ông Đỗ Văn Định thuộc Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia cho rằng báo cáo đã tổng hợp được tài liệu thăm dò và đánh giá được quy mô, chất lượng quặng sericit tại khu thăm dò. Tuy vậy, cần lưu ý nghiên cứu sử dụng sản phẩm phụ là thạch anh để nâng cao giá trị kinh tế của mỏ, bảo đảm yêu cầu sử dụng triệt để tài nguyên, kết hợp bảo vệ môi trường.
Thứ trưởng Trần Quý Kiên và các thành viên Hội đồng đã thông qua trữ lượng cấp 121+122 là 565,01 nghìn tấn quặng nguyên khai (trong đó trữ lượng cấp 121 là 111,72 nghìn tấn, trữ lượng cấp 122 là 453,29 nghìn tấn) và tài nguyên 333 là 172,68 nghìn tấn.
Thứ trưởng cũng yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo, phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn thiện việc tính toán bổ sung trữ lượng cát có thể thu hồi để đưa vào báo cáo.