Chấm dứt khói than, bình an lá phổi: Chung tay hành động

Môi trường - Ngày đăng : 13:41, 14/01/2021

(TN&MT) - Làm thế nào “khai tử” một nguồn ô nhiễm môi trường nhưng vẫn tạo ra hướng đi, tạo một giải pháp mưu sinh của bộ phận không nhỏ thị dân đó là điều cần quan tâm trong lúc này.

Hình ảnh bếp than tổ ong đỏ lửa đã quen thuộc trên nhiều tuyến phố Thủ đô, từ những phố lớn đến các ngõ ngách nhỏ hẹp. Những người ngoại tỉnh lên Hà Nội mưu sinh vẫn có câu: “giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố”, ví von nhiều đến những người bán nước, bán hàng rong. Một gánh hàng nhờ chiếc bếp than nóng hừng, đủ đồng ra đồng cho cả gia đình ấm bụng. Không riêng lao động ngoại tỉnh, cũng chẳng cứ dân ngoại thành, mà ngay nội đô, nhu cầu sử dụng bếp than tổ ong vẫn còn rất lớn.

Với mức độ ô nhiễm của môi trường không khí ở đô thị, những giải pháp mạnh tay để chặn đứng hoặc giảm thiểu nguồn phát thải gây ô nhiễm là rất đáng hoan nghênh. Tuy vậy, để những quyết định đó đạt hiệu quả thực chất và bền vững thay vì chỉ cố đạt tiến độ bằng mọi giá, chính quyền đô thị cần có sự xúc tiến tích cực hơn khâu chuẩn bị, để đồng hành, hỗ trợ người dân trong cuộc chuyển đổi này.

Chuyển đổi bếp than tổ ong vì môi trường.

Hoàn Kiếm là một trong những đơn vị về đích sớm trong việc loại bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong. Chia sẻ kinh nghiệm với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Phạm Tuấn Long - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, triển khai Chỉ thị số 15, ngày 31/12/2019, UBND quận Hoàn Kiếm ban hành Văn bản số 2238/UBND-TNMT giao nhiệm vụ cho các Phòng, ban, đơn vị và UBND các phường về việc thực hiện biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên địa bàn quận. Sau thời gian tích cực triển khai các hoạt động cụ thể, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã cơ bản hoàn thành việc xóa được các bếp than tổ ong.

Thông tin rõ hơn vấn đề này, bà Trần Thị Minh Phương - Phó phòng TN&MT quận Hoàn Kiếm cho biết, quận Hoàn Kiếm được thành phố và Sở TN&MT chọn là quận thí điểm xóa bỏ bếp than tổ ong từ năm 2018. Theo số liệu khảo sát ban đầu (tháng 4/2018) tổng số bếp than tổ ong trên toàn địa bàn quận Hoàn Kiếm là 2.525 bếp, đến ngày 1/7/2020, trên địa bàn quận đã thay thế toàn bộ 2.525 bếp than tổ ong.

Trước đó, UBND quận đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị phối hợp với UBND 18 phường tổ chức tuyên truyền tác hại của bếp than tổ ong, lộ trình của UBND thành phố tại các hội nghị của quận, phường, các cuộc họp khu dân cư, tổ dân phố, vận động các hộ dân đang sử dụng bếp than tổ ong chuyển đổi sang bếp từ, bếp ga, bếp điện,…

Bên cạnh đó, quận cũng cho các hộ mượn bếp thân thiện với môi trường để dùng thử trước khi mua hoặc hỗ trợ người dân đổi bếp than sang bếp ga. Ngoài ra, còn có sự hỗ trợ từ nhà cung cấp bếp. Đơn cử, bếp có giá trị 380.000 đồng người dân chỉ cần mang bếp than đến và mất 80.000 đồng để đổi được 1 bếp ga đôi, còn bếp đơn đổi ngang nhau. Quận cũng tuyên truyền về tác hại của bếp than tổ ong đến học sinh tiểu học và THCS ở tất cả các trường trên địa bàn quận. Bếp than sẽ được mang đến các trường mầm non để các cô, học sinh vẽ, làm thành các chậu hoa.

Bà Trần Thị Minh Phương thông tin thêm, để phòng tránh tình trạng người dân tái sử dụng bếp than, UBND quận đã có công văn giao nhiệm vụ cho các phường và các phòng ban, huy động sự tham gia của các tổ dân phố thường xuyên báo cáo, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm.

Việc xóa bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong để giảm ô nhiễm môi trường là đúng đắn và cần được triển khai mạnh mẽ. Phía sau câu chuyện đó vẫn là những kỳ vọng của người dân với các cấp chính quyền trong việc hỗ trợ chuyển đổi các loại hình bếp thân thiện với môi trường.

Anh Phạm Trung Đức - quận Cầu Giấy chia sẻ: “Nhà tôi kinh doanh nhỏ lẻ, thu nhập cũng thấp. Mặc dù biết dùng bếp than có hại cho sức khỏe nhưng vẫn phải dùng vì không có điều kiện đổi sang bếp khác. Tôi mong các cấp chính quyền có phương án hỗ trợ chúng tôi trong việc chuyển đổi sử dụng các loại bếp khác để vừa an toàn, nhưng cũng đảm bảo tính hiệu quả kinh tế”.

Còn bà Nguyễn Thị Thơm - phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng cho hay: “Tôi cũng biết về chủ trương dừng sử dụng than tổ ong ở Hà Nội. Ai cũng biết than tổ ong gây nhiều độc hại cho sức khoẻ nhưng tôi không có khả năng chuyển sang dùng bếp khác. Nếu Nhà nước cấm, tôi sẽ không dùng. Hy vọng thành phố có phương án hỗ trợ những hộ nhỏ lẻ để tôi chuyển sang bếp khác”.

Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao nhận thức và loại bỏ thói quen của người dân, các chuyên gia cho rằng, các cấp chính quyền cần chủ động rà soát, đẩy mạnh tuyên truyền, đề ra giải pháp thích hợp giúp người dân hiểu, đồng lòng thay đổi. Mặt khác, các cấp chính quyền cần có những hướng dẫn cụ thể cũng như hỗ trợ người dân trong việc thay thế bếp than tổ ong bằng loại bếp thân thiện với môi trường, phù hợp điều kiện kinh tế của người dân, nhất là các gia đình chính sách, hộ nghèo. Thành phố cần có cơ chế hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho các cơ sở sản xuất than và bếp than tổ ong, xây dựng cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất, phân phối bếp thân thiện môi trường.

Xuân Hợp - Ngân Hà