Chấm dứt khói than, bình an lá phổi: Chủ động thông tin
Môi trường - Ngày đăng : 13:41, 14/01/2021
Nhìn ở một góc độ khác, từ các vụ việc, chúng ta thấy ở đó luôn có những luồng dư luận khác nhau xuất hiện trên mạng xã hội, trở thành “đất diễn” cho việc các thông tin không đúng tha hồ làm mưa làm gió, trong sự hoang mang của người dân. Điều đáng nói, khi để xảy ra các sự cố trên thì các cơ quan, đơn vị lại chậm trễ trong công bố thông tin, chưa chủ động đánh giá và có biện pháp kịp thời khắc phục gây xói mòn niềm tin vào các cơ quan công quyền được giao trọng trách trước các vụ việc.
Đơn cử như để xác định thành phần các chất độc hại trong không khí, mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe của nó đến đâu mà mất tới hàng tuần trời, thậm chí, mỗi lần nhắc đến lại thành chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi” quả là một sự đáng ngại. Có vẻ như những thủ tục đâu đó vẫn đang được thực hiện đúng “quy trình” trong khi cách đối phó với sự cố, hay những diễn biết bất thường của môi trường cần thông tin kịp thời hơn thế.
Thiết bị quan trắc không khí tự động |
Rõ ràng, chúng ta sẽ mất nhiều thời gian để tái thiết, để hồi sinh một vùng đất qua thảm họa môi trường. Nhưng sẽ mất bao lâu để có thể quên được những việc mà đáng lẽ được thông tin kịp thời, xử lý tốt hơn thì hậu quả không nặng nề và đỡ khủng hoảng hơn?
Không phải nói đâu xa, ngay chuyện công bố thông tin chất lượng môi trường không khí tại nhiều đô thị lớn trên cả đã khiến nhiều người băn khoăn và có những phản ứng khác nhau. Một số đô thị đã chủ động thông tin chất lượng không khí lên Cổng thông tin của tỉnh/thành phố. Nhưng cùng với đó, cũng có rất nhiều kênh khác nhau đưa ra thông tin quan trắc và đánh giá môi trường không khí, trên các trang web, bản đồ ô nhiễm môi trường, các app thông tin chưa rõ mức độ tin cậy.
Dữ liệu cũng được thu thập từ rất nhiều nguồn, từ các đơn vị nghiên cứu khoa học công nghệ, các doanh nghiệp công nghệ, trong nước và ngoài nước, với đủ các loại thiết bị có quy mô và mức độ hiện đại khác nhau (từ các máy đo lắp tại nhà dân đến các sensor, trạm quan trắc).
Lẽ tất nhiên, khi có quá nhiều thông tin khác nhau được công bố sẽ gây nhiễu loạn, đồng thời, tạo ra nhiều cách phản ứng khác nhau trong người tiếp nhận. Người quá nhạy cảm thì lo lắng hoang mang, còn người thận trọng thì trở nên hoài nghi tất cả, chỉ tin vào quan sát trực quan của mình.
Cả hai thái cực trên đều không tốt, nếu không muốn nói là có thể cản trở những nỗ lực truyền thông nhằm xây dựng một nhận thức đúng đắn về thực trạng chất lượng môi trường đô thị - trong đó có chất lượng không khí, cũng như các hành động để cải thiện tình hình.
Điều đó đã không xảy ra, nếu như cơ quan chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về môi trường ở các thành phố chủ động cung cấp thông tin chính thống cho người dân về thực trạng môi trường. Thành phố đang sử dụng hệ thống quan trắc như thế nào? Mức độ hiện đại và chính xác đến đâu so với thế giới? Các trạm quan trắc hoặc vị trí đặt máy đo ở đâu, có đủ đại diện để đánh giá được tương đối chính xác về tổng quan môi trường ở cả khu vực đó hay chưa? Và với các chỉ số quan trắc như vậy, người dân được khuyến cáo ra sao?
Hiện nay, khi các công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng thì các kênh thông tin đến người dân cũng đa dạng và nhanh chóng hơn. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng nên chủ động công bố thông tin về tình trạng ô nhiễm nước, không khí đến người dân một cách rõ ràng, kịp thời để tránh những hiểu lầm tai hại khi người dân không tiếp cận được thông tin chính thống.