Nghi vấn Công ty CP Xi măng X18 tiêu thụ “đất tặc”

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 21:53, 12/01/2021

(TN&MT) - Sau một thời gian dài PV Báo Tài nguyên và Môi trường tìm hiểu việc hoạt động, kinh doanh sản xuất của Công ty CP xi măng X18 (tại huyện Yên Thủy, Hòa Bình) nhận thấy tại Công ty này có biểu hiện nghi vấn của việc tiêu thụ “đất tặc”.

Theo đó, mỗi ngày có hàng chục chiếc xe vận tải chở thứ đất màu xám được khai thác trái phép nghi là Silic dioxit - thành phần quan trọng để sản xuất xi măng từ các dự án san, hạ, cải tạo mặt bằng về Công ty để tập kết.

Từ những phản ánh của người dân tại huyện Yên Thuỷ, tỉnh Hoà Bình về việc mỗi ngày có hàng đoàn xe vận tải len lỏi qua các đường làng, ngõ xóm để vận chuyển đất, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có buổi ghi nhận thực tế.  

Đứng từ huyện Yên Thuỷ, tỉnh Hoà Bình nhìn lên phía đồi cao nơi Công trường núp bóng dự án “cải tạo san gạt, hạ thấp độ cao để lấy mặt bằng làm trang trại chăn nuôi” có thể thấy rõ những ngọn đồi đã bị phá hủy toàn bộ hệ thống cây xanh, thực bì… Thay vào đó là màu vàng, nâu, xám xịt, bụi mù mịt của những quả đồi bị múc đất đất nham nhở. Điều này khiến người dân địa phương vô cùng bức xúc.

Một số người dân bức xúc cho biết: "Những quả đồi tại đây đang khai thác trước đây nằm trong khu vực rừng phòng hộ, với chức năng giữ nguồn nước cho hàng nghìn hộ dân xung quanh tưới tiêu sinh hoạt, không hiểu sao chính quyền lại cho doanh nghiệp vào phá rừng đi để múc đất đi bán, phá vỡ cảnh quan, ảnh hưởng tới đời sống người dân".

Theo chỉ dẫn của người dân và từ ghi nhận thực tế được biết, một số Công ty tại đây đã thương lượng và mua lại đồi của người dân, sau đó với chiêu bài “cải tạo san gạt, hạ thấp độ cao để lấy mặt bằng làm trang trại chăn nuôi”, các Công ty này đã hạ nhiều quả đồi, khai thác đất rồi mang đi bán cho các nhà máy xi măng, nhà máy sản xuất gốm sứ, gạch men để kiếm lời bất chính, gây thất thoát tài nguyên khoáng sản của nhà nước.

Lần theo dấu vết được biết, số đất mà nhóm “đất tặc” này khai thác được vận chuyển tới nhà máy của Công ty CP xi măng X18 địa chỉ tại xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy (Hòa Bình) để tiêu thụ.

Theo đó, nhóm “đất tặc” này hằng ngày dùng nhiều xe vận tải để thuận lợi cho việc vận chuyển đất từ nơi khai thác sau đó xuôi theo con đường làng ra QL 12B để vận chuyển số đất trên đi qua cổng chính của Công ty CP xi măng X18 và tập kết tại nhà máy.

Những chiếc xe vận tải được chất cao, đi tới đâu kéo theo bụi bay mù mịt tới đó; không những gây ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với ông Đinh Hoài Nam – Phó Giám đốc phụ trách mảng nhập vật tư của Công ty CP xi măng X18 cho biết: Việc đơn vị vận chuyển số lượng đất nói trên vào Công ty ông không nắm được(?).

“Tôi không nắm được việc đơn vị đó vận chuyển đất vào Công ty X18, có thể là người ta vì lợi nhuận nên trà trộn để đưa vào tiêu thụ tại đây. Trước đây chúng tôi có sử dụng nguyên liệu của đơn vị này tuy nhiên đã dừng hợp đồng từ năm 2017, ngay sau đây chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra lại sự việc”, ông Đinh Hoài Nam nói.

Chiếc xe tải chở "đất tặc" từ khu vực giáp ranh tỉnh Hòa Bình và Ninh Bình về Cổng nhà máy xi măng X18

 

Sau đó qua cổng tới nơi tập kết.

Cũng liên quan đến sự việc trên, ông Đinh Hoài Nam cho biết, Công ty CP xi măng X18 được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác đá sét làm nguyên liệu xi măng vào năm 2011 tại khu vực xã Phú Lai và xã Đoàn Kết (huyện Yên Thủy) với trữ lượng khai thác 2.974.851 tấn với thời gian khai thác là 30 năm.

Khu vực tập kết đất và nhiều nguyên liệu khác của nhà máy xi măng X18.

 

Toàn cảnh Nhà máy sản xuất của Công ty CP xi măng X18.

Trước sự việc trên, đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình, tỉnh Hoà Bình và Trung ương cần khẩn trương vào cuộc kiểm tra, xử lý.

Việt Linh - Xuân Vũ