Đã hoàn thành xây dựng mô hình, quy trình định giá đất phù hợp với Việt Nam
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 17:55, 12/01/2021
Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân; Giám đốc quốc gia, Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) Việt Nam Cho Han Deog; Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Thanh Khuyến; đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng thế giới, Sở TN&MT các tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Vĩnh Phúc; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, Tổng cục Quản lý đất đai.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết, hướng tới xây dựng hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch, hiệu quả, trong những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất trên phạm vi cả nước, phục vụ đa mục tiêu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai, từng bước triển khai thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai để nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Thứ trưởng Lê Minh Ngân phát biểu khai mạc Hội nghị |
Các nhóm nhiệm vụ trọng tâm đã được triển khai bao gồm: Rà soát, tái cấu trúc quy trình, hoàn thiện khung pháp lý; thiết kế hệ thống thông tin đất đai; xây dựng hệ thống phần mềm quản lý, cập nhật và khai thác cơ sở dữ liệu đất đai; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai ở Trung ương và ở địa phương; đầu tư hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và đào tạo nguồn nhân lực để quản lý, vận hành hệ thống thông tin đất đai cùng với việc hướng dẫn địa phương rà soát, tái cấu trúc quy trình, xây dựng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên các Cổng Dịch vụ công quốc gia và Bộ phận một cửa tại địa phương cho các thủ tục hành chính về đất đai.
Nhằm mục tiêu góp phần cải thiện chính sách, pháp luật, năng lực quản lý, nghiệp vụ hành chính và hệ thống thông tin về giá đất nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng nhu cầu nhân dân. KOICA và Tổng cục Quản lý đất đai đã cùng thực hiện Dự án tăng cường năng lực định giá đất và hệ thống thông tin giá đất dựa trên VietLIS. Dự án này có tổng nguồn vốn thực hiện dự án là 9,9 triệu USD (vốn ODA hỗ trợ không hoàn lại) và thời gian thực hiện dự án là 30 tháng (từ 6/2017 – 12/2019).
Để triển khai dự án, từ tháng 6/2017 đến tháng 12/2019 Bộ TN&MT, Tổng cục Quản lý đất đai đã tập trung chỉ đạo quyết liệt 4 tỉnh, thành phố tham gia Dự án là Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Cần Thơ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hoạt động.
Đến nay, Dự án đã hoàn thành nội dung kế hoạch đề ra đó là: Xây dựng phương pháp, mô hình định giá đất và quy trình định giá đất hàng loạt phù hợp với Việt Nam; Xây dựng Dự thảo chiến lược và lộ trình phát triển định giá đất ở Việt Nam; Thiết kế và xây dựng hệ thống thông tin giá đất trên cơ sở VietLIS và tích hợp tại địa bàn triển khai dự án; Tăng cường trang thiết bị, phương tiện đi lại cho Trung ương và 4 tỉnh, thành phố và năng lực về định giá đất, hệ thống thông tin giá đất cho các cán bộ tại Trung ương và địa phương.
Các đại biểu tham dự Hội nghị |
Theo Giám đốc quốc gia Văn phòng KOICA Việt Nam Cho Han Deog, trong dự án này, KOICA và Tổng cục Quản lý đất đai đã đưa vào áp dùng phương pháp tính giá đất và hệ thống thông tin trên mô hình định giá đất của Hàn Quốc. Nếu Việt Nam ứng dụng rộng rãi hệ thống VietLIS và mô hình tính toán giá đất theo kết quả dự án này, sẽ xác lập nên hệ thống quản lý hành chính đất đai mới của Việt Nam và thúc đẩy cải tiến mạnh mẽ tiến tới đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh.
Theo Giám đốc quốc gia Văn phòng KOICA Việt Nam Cho Han Deog phát biểu tại Hội nghị |
Hy vọng với phương pháp, mô hình định giá đất cùng với phần mềm hệ thống thông tin giá đất và quy trình định giá đất hàng loạt phù hợp với điều kiện Việt Nam sẽ đáp ứng tốt yêu cầu quản lý Nhà nước về đất đai và nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Dự án tăng cường năng lực định giá đất và hệ thống thông tin giá đất đai dựa trên VietLIS được triển khai tại Tổng cục Quản lý đất đai, Sở TN&MT Đà Nẵng và Quận Hải Châu, Sở TN&MT Bắc Ninh và TX. Từ Sơn, Sở TN&MT Vĩnh Phúc và huyện Bình Xuyên, Sở TN&MT Cần Thơ và huyện Ô Môn. Tổng nguồn vốn thực hiện dự án là 9,9 triệu USD (vốn ODA hỗ trợ không hoàn lại) và thời gian thực hiện dự án là 30 tháng (từ 6/2017 – 12/2019).