Hàng trăm vật nuôi chết do giá rét ở miền núi phía Bắc

Xã hội - Ngày đăng : 17:55, 12/01/2021

(TN&MT) - Tính đến ngày 12/1/2021, ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại ở các tỉnh miền núi phía Bắc từ ngày 7/1/2021 đã gây thiệt hại trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, 240 con vật nuôi bị chết; 93 ha rau màu, 1.050 chậu địa lan của tỉnh Lào Cai bị thiệt hại.

Cụ thể, theo báo cáo của các địa phương, đã có 148 con trâu, 79 con bò, 01 con lợn, 01 con ngựa, 11 con dê bị chết (Cao Bằng: 07 trâu; Lào Cai: 45 trâu; Điện Biên: 63 trâu, 28 bò; Sơn La: 33 trâu, 51 bò, 01 lợn, 01 ngựa, 11 dê.

Bắc Bộ vẫn xảy ra các đợt rét đậm, rét hại 

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS (Bộ NN&PTNT), từ đầu mùa Đông đến nay, đã có 3 đợt không khí lạnh, gió mùa Đông Bắc ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ nước ta, gây rét đậm, rét hại trọng tâm rét hại ở các tỉnh vùng núi phía Bắc như: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái.

Nhiều gia súc chết rét ở miền núi. Ảnh: TTO

Trong đó, đợt từ ngày 14-20/12/2020, các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét đậm, có nơi rét hại với nhiệt độ thấp nhất 10-13 độ, vùng núi 7-10 độ, vùng núi cao có nơi dưới 5 độ. Một số nơi có nhiệt độ thấp trong đợt: Sa Pa (Lào Cai) 4,3 độ, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 0,8 độ, Trùng Khánh (Cao Bằng) 5,4 độ.

Đợt từ ngày 29/12/2020-2/1/2021, các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ xảy ra rét đậm, rét hại với nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 7-11 độ, vùng núi 3-6 độ, vùng núi cao ở mức 0 độ. Một số nơi có nhiệt độ thấp trong đợt: Sa Pa (Lào Cai) 2,5 độ, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 0,4 độ, Trùng Khánh (Cao Bằng) 1,3 độ, thành phố Lạng Sơn (Lạng Sơn) 1,8 độ, Mộc Châu (Sơn La) 4 độ.

Đợt từ ngày 7-11/1/2021, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét đậm, rét hại với nhiệt độ thấp nhất 7-10 độ, vùng núi 4-7 độ, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ. Một số nơi có nhiệt độ thấp trong đợt: Sa Pa (Lào Cai) -1,6 độ, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) -3,4 độ, Mộc Châu (Sơn La) 1,9 độ, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 1,8 độ, Đồng Văn (Hà Giang) 1,2 độ, Pha Đin (Điện Biên) 0,5 độ,...

Đây là đợt không khí lạnh mạnh nhất từ đầu Đông 2020-2021, nhiều khu vực núi cao trên 1.000m xuất hiện băng giá như tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Chùa Đồng Yên Tử, Bình Liêu (Quảng Ninh), Phia Oắc (Cao Bằng), Mèo Vạc (Hà Giang), Tam Đường (Lai Châu),… Đặc biệt ngày 10-11/1/2021, tại một số khu vực trên địa bàn huyện Bát Xát và thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã xuất hiện mưa tuyết.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo KTTV, diễn biến rét trong 10 ngày tới (13-21/1) tại khu vực Bắc Bộ vẫn tiếp tục xảy ra rét đậm, rét hại. Từ nay đến cuối tháng 2/2021 vẫn tiếp tục xảy ra các đợt rét đậm, rét hại với thời gian kéo dài từ 7-10 ngày; nhiệt độ giảm sâu, gây ra băng giá, mưa tuyết ở vùng núi cao.

Hàng trăm triệu vật nuôi có nguy cơ ảnh hưởng

Do các đợt rét đậm, rét hại vẫn còn có khả năng tiếp diễn trong mùa Đông năm nay nên một số đối tượng sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh miền núi phía Bắc có nguy cơ bị ảnh hưởng do rét đậm, rét hại.

Về chăn nuôi có 1,323 triệu con trâu; 1,088 triệu con bò; 6,133 triệu con lợn; 98,194 triệu con gia cầm có nguy cơ chịu tác động của các đợt rét đậm, rét hại. Cùng với đó, 127.000 ha rau màu; 36.739 lồng và 67.231 ha nuôi trồng thủy sản cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Để sẵn sàng ứng phó với diễn biến thời tiết trong thời gian tới, hạn chế thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS cho biết, cần tiếp tục chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm.

Trước hết, cập nhật thông tin kịp thời, đầy đủ tình hình thời tiết, diễn biến không khí lạnh, rét đậm, rét hại và các biện pháp, kỹ năng phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là hệ thống thông tin, truyền thông cơ sở để chính quyền các cấp, người dân, nhất là ở vùng cao biết, chủ động phòng chống. Đồng thời, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho vật nuôi, cây trồng, thủy sản nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại về sản xuất. Chú trọng đàn đại gia súc và các cơ sở chăn nuôi tập trung ở khu vực đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa như: gia cố, che chắn vệ sinh chuồng trại; di chuyển, tập trung các đàn đại gia súc chăn thả tự do đến nơi tránh rét; chuẩn bị, dự trữ thức ăn, vắc xin phòng bệnh...

Bên cạnh đó, tổ chức các đoàn công tác với sự tham gia của các cơ quan chuyên môn về cơ sở kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống rét cho người, vật nuôi, cây trồng, hướng dẫn áp dụng các biện pháp kỹ thuật kết hợp với kinh nghiệm truyền thống của người dân địa phương. Ngoài ra, thống kê thiệt hại về cây trồng, vật nuôi, thủy sản do ảnh hưởng của giá rét để kịp thời hỗ trợ cho người sản xuất theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Tuyết Chinh