Hàng hóa đã sẵn sàng cho Tết Tân Sửu 2021

Xã hội - Ngày đăng : 16:07, 12/01/2021

(TN&MT) - Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, thị trường mua sắm đã bắt đầu nhộn nhịp. Để đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, nhiều siêu thị đã chủ động lên kế hoạch chuẩn bị nguồn cung từ rất sớm, với cam kết đủ nguồn hàng và kéo dài các chương trình khuyến mãi.

Nhiều siêu thị đã bắt đầu bày bán bánh kẹo và mứt tết

Các doanh nghiệp đã sẵn sàng phục vụ Tết

Để đáp ứng nhu cầu của người dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng, hiện nay các doanh nghiệp đã dự trữ một lượng hàng lớn. Đơn cử như Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro) đã dự trữ gần 1.000 tỷ đồng hàng hóa, trong đó lượng 12 nhóm hàng hóa tham gia chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn Hà Nội trong dịp này đạt khoảng 200 tỷ đồng. Tập đoàn Central Group dự trữ hàng hóa phục vụ tăng 30% so với năm 2020. Nhiều siêu thị đã dành hẳn một khu vực lớn để bày bán giỏ quà, bánh kẹo và mứt ngay cửa ra vào, để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Các sản phẩm giỏ quà Tết 2021 có sự tham gia của nhiều ngành hàng mới, từ đặc sản địa phương, thực phẩm chế biến cho đến những mặt hàng cao cấp như bào ngư, nhân sâm, đông trùng hạ thảo...

Đồng thời các doanh nghiệp cũng tăng số lượng mặt hàng khuyến mại, đẩy mạnh các chương trình truyền thông để người tiêu dùng biết và mua sắm. Hiện hệ thống  siêu thị Big C trên toàn quốc sẽ triển khai đồng loạt các chương trình khuyến mãi trong dịp Tết Nguyên đán như chương trình “Giá luôn luôn thấp” với hơn 7.000 sản phẩm tiêu dùng thiết yếu; chính sách khóa giá, cam kết không tăng giá bán Tết đối với hơn 10 nghìn sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh; tặng phiếu giảm giá hấp dẫn.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội  Hiện đã có 25 đơn vị sản xuất, kinh doanh của TP. Hà Nội và các tỉnh, 2 tổ chức tín dụng đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân thông qua 12.443 điểm bán, trong đó có 142 siêu thị; 1.351 cửa hàng tiện lợi, 7.680 cửa hàng tạp phẩm, 1.438 điểm bán tại các chợ, 495 bếp ăn tập thể, 5.000 điểm bán hàng ở các tỉnh, thành phố ngoài Hà Nội..

Riêng Hà Nội cũng đã xác định số lượng và khả năng cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân dịp cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Theo đó, các đơn vị đã xây dựng kế hoạch khai thác tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng trung bình từ 7% đến 22% so với Kế hoạch Tết 2020, nguồn cung các mặt hàng dồi dào, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân dịp Tết. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tiếp tục duy trì, thực hiện phương án bảo đảm nhu yếu phẩm thiết yếu đã xây dựng (lượng hàng hóa ký kết tăng 2-3 lần so với ngày thường) để sẵn sàng ứng phó với dịch COVID-19.

Nhiều siêu thị tung ra nhiều khuyến mãi

Nhu cầu mua sắm tăng, tập trung vào phân khúc bình dân

Thống kê của một số siêu thị cho thấy, sau tết dương lịch, sức mua các mặt hàng Tết đã bắt đầu tăng lên. Lượng khách hàng đến tăng từ 35-40%, doanh thu tăng trên 30% so với ngày thường. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, bánh kẹo cũng cho biết, thời điểm này, lượng hàng bán ra của doanh nghiệp đã bắt đầu sôi động bởi có nhiều cơ quan, đơn vị liên hệ đặt làm quà biếu tặng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn nên xu hướng mua sắm đã thay đổi hơn so với năm cũ. Nếu như trước đây, khách hàng ưu tiên các loại hàng hóa nhập khoại, với kiểu trang trí cầu kỳ, sang trọng thì nay những sản phẩm trong nước, chất lượng cao, trang trí đơn giản lại có sức mua nhiều hơn. 

Khảo sát tại các hệ thống siêu thị như Co.opmart, Co.opXtra, BigC, Lotte Mart… bánh kẹo sản xuất trong nước chiếm đến 80% - 90%, đến từ các nhãn hiệu như Kinh Đô, Bibica, Phạm Nguyên…; 20% còn lại là nhập khẩu từ Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Nhật Bản… Nhìn chung, hàng nội địa năm nay đã có sự cải tiến mẫu mã, chất lượng để cạnh tranh với hàng ngoại. Giỏ quà truyền thống, thiết kế đơn giản từ 300.000- 800.000 đồng/giỏ đang hút khách tiêu dùng. 

Bên cạnh nguồn hàng phân phối tại các kênh siêu thị, sản phẩm bánh kẹo cũng được bày bán khá phổ biến ở các cửa hàng, chợ truyền thống và kênh thương mại điện tử. Trong đó, ở các kênh online, sản phẩm cũng được người bán giới thiệu khá bắt mắt với nhiều mức giá khác nhau. 

Trước tình trạng đó, để đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm, cũng như tạo điều kiện để người dân yên tâm mua sắm tết, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường địa phương triển khai việc kiểm tra, kiểm soát thị trường từ nay cho đến 25-2-2021. Đồng thời khuyến cáo, khi phát hiện hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng cần phản hồi ngay với cơ sở sản xuất, doanh nghiệp hoặc cơ quan chức năng để các đơn vị liên quan nhận biết đưa ra biện pháp xử lý kịp thời. Việc này không chỉ bảo vệ quyền lợi của chính mình mà còn góp phần để thị trường hàng hóa lưu thông lành mạnh.

 

Thu Minh