Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai hoàn chỉnh: Chưa vượt được khó khăn để về đích!
Đất đai - Ngày đăng : 14:29, 12/01/2021
Theo đánh giá của Bộ TN&MT, thời gian qua, đã có nhiều nguồn lực đầu tư cho xây dựng hệ thống thông tin đất đai và cơ sơ dữ liệu đất đai ở nước ta và bước đầu hệ thống thông tin đất đai và cơ sơ dữ liệu đất đai được hình thành. Mặt khác, ở những địa phương đã được “số hoá” dữ liệu đất đai, địa phương mới chỉ chú trọng vào cơ sơ dữ liệu địa chính, các cơ sơ dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất… là các thành phần cấu thành cơ sơ dữ liệu đất đai hoàn chỉnh chưa được đầu tư.
Hạ tầng thông tin và cơ sơ dữ liệu đất đai - yếu tố cốt lõi hỗ trợ công tác chuyên môn, cải cách thủ tục hành chính cũng như phục vụ cho việc phối, kết hợp với các bên có liên quan khác vẫn còn vừa thiếu vừa yếu và chưa đồng bộ, thống nhất. Hồ sơ đất đai chủ yếu được quản lý, sử dụng ở dạng hồ sơ giấy, khả năng tra cứu, xử lý mất nhiều thời gian, hạn chế về độ chính xác, tính đầy đủ…
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước về đất đai. Ảnh: MH |
Theo ông Võ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu và Thông tin đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai), tính đến tháng 12/2020, trên cả nước đã có 100% các đơn vị cấp huyện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ địa chính, quản lý đất đai ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên mới có 192/707 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc 49 tỉnh/thành phố đang vận hành, quản lý khai thác, sử dụng đồng bộ cơ sở dữ liệu đất đai để phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn với CSDL với hơn 22 triệu thửa đất và hơn 11 triệu hồ sơ.
Đặc biệt chỉ có 6 tỉnh, thành phố cơ bản đã hoàn thành xây dựng việc CSDL địa chính và đưa vào vận hành, khai thác theo mô hình tập trung cấp tỉnh gồm: Vĩnh Long, Đồng Nai, Đà Nẵng, Bình Dương, Bình Định, Bến Tre.
Điển hình như Dự án Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam (Dự án VLAP - nguồn vốn vay WB) đã tập trung về đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính và xây dựng CSDL địa chính một cách đồng bộ và được triển khai trên địa bàn 1.057 đơn vị cấp xã thuộc 60 đơn vị cấp huyện của 9 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, Hà Nội 3 huyện - 66 xã; Hưng Yên 5 huyện - 84 xã; Thái Bình 8 huyện - 286 xã; Quãng Ngãi 6 huyện - 65 xã; Bình Định 5 huyện - 75 xã; Khánh Hòa 7 huyện - 94 xã; Tiền Giang 8 huyện - 131 xã; Bến Tre 8 huyện - 147 xã và Vĩnh Long 8 huyện - 109 xã.
Dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai (Dự án VILG - Nguồn vốn vay WB) đang được triển khai với các nội dung chính bao gồm: Triển khai Hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu (MPLIS): Thiết lập Trung tâm dữ liệu đất đai để vận hành theo mô hình CSDL đất đai tập trung, thống nhất; Thuê đường truyền dữ liệu; Cung cấp phần mềm để quản lý vận hành hệ thống; Triển khai vận hành hệ thống (bao gồm vận hành thử, đào tạo, chuyển giao công nghệ và quản lý hệ thống, hỗ trợ kỹ thuật) trên phạm vi cả nước;
Dự án được triển khai xây dựng CSDL đất đai trên phạm vi 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm xây dựng mới CSDL đất đai gồm 4 thành phần: CSDL địa chính, CSDL quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, CSDL giá đất và CSDL thống kê, kiểm kê đối với các huyện chưa có CSDL; Chuẩn hóa, chuyển đổi vào hệ thống và xây dựng bổ sung 3 CSDL thành phần (CSDL quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, CSDL giá đất và CSDL thống kê, kiểm kê) đối với các huyện đã xây dựng CSDL địa chính trước đây.
Ngoài ra còn Dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai là dự án đã được các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện từ năm 2008 với các nội dung chính là lập, chỉnh lý và hoàn thiện bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận, xây dựng CSDL địa chính. Dự án đã và đang triển khai thực hiện tại 274 đơn vị cấp huyện trên cả nước.
Chức năng của phần mềm ứng dụng được chia thành 3 nhóm chính gồm: Nhóm ứng dụng hỗ trợ xây dựng CSDL đất đai; Nhóm ứng dụng quản trị, cập nhật, vận hành CSDL đất đai; Nhóm ứng dụng khai thác, sử dụng CSDL đất đai. Ngoài ra, một số địa phương đã bắt đầu ứng dụng các công nghệ hiện đại của Cách mạng công nghiệp 4.0 như nền tảng Web-base, smartmobile, Blockchain... vào khai thác CSDL đất đai.
Hiện nay, trên địa bàn cả nước có 3 mô hình hệ thống cơ sở dữ liệu đang vận hành bao gồm: mô hình tập trung cấp tỉnh, mô hình bán tập trung cấp tỉnh và mô hình phân tán cấp huyện. Các phần mềm đang được các địa phương sử dụng gồm: ViLIS (43/63 tỉnh), ELIS (13/63 tỉnh), TMV.LIS (4/63 tỉnh), DongNai.LIS (1/63 tỉnh), SouthLIS (2/63 tỉnh).