Đà Nẵng: “Vướng” trong xây dựng cơ sở đất đai
Đất đai - Ngày đăng : 14:28, 12/01/2021
Khó khăn trong quy hoạch
Những năm qua, việc xây dựng cơ sở đất đai ở Đà Nẵng còn gặp nhiều khó khăn, làm cho công tác quy hoạch đô thị, nhất là khả năng định hướng trong quy hoạch đô thị bị hạn chế, đó là: Nhiều dự án triển khai còn chậm hay còn gọi là “quy hoạch treo”. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do công tác điều tra, đánh giá hiện trạng sử dụng đất chưa sát thực tế, phải giải tỏa đền bù khối lượng lớn, công tác đánh giá năng lực đầu tư và cân đối nguồn vốn chưa được chú trọng. Công tác dự báo quy hoạch không mang tính tổng thể nên hiệu quả của dự án chưa cao...
Mặc dù lãnh đạo thành phố đã có chỉ đạo rà soát tính khả thi của từng dự án và các cơ quan có liên quan đã thực hiện công tác điều chỉnh, nhiều dự án tháo gỡ vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ nhưng vẫn còn nhiều dự án lớn đang “đắp chiếu” nằm chờ động thái của nhà đầu tư. Đà Nẵng được công nhận là đô thị loại I, theo quy định, tỷ lệ đất phi nông nghiệp là 80%, xu hướng phát triển đô thị và sử dụng các vùng đất thuận lợi cho phát triển đô thị là xu hướng tất yếu.
Tuy nhiên, thực tế sự phối hợp và khả năng đầu tư xây dựng các dự án còn chưa đồng bộ nên việc đề xuất sử dụng đất còn “vướng”, chưa có sự cân bằng và sự chuyển tiếp hợp lý giữa đô thị và nông thôn.
Quy hoạch còn gặp vướng nên công tác xây dựng cơ sở đất đai rất khó khăn |
Giải pháp xây dựng cơ sở đất đai hiệu quả
Với một đô thị đang trên đà phát triển nhanh, việc sử dụng đất mang tính bền vững là rất quan trọng. Để có được tầm nhìn trong công tác quy hoạch, sử dụng đất hợp lý cần chú trọng tới công tác rà soát quy hoạch, công bố quy hoạch định kỳ nhằm thông tin rộng rãi, công khai về quy hoạch, phát hiện và xử lý kịp thời các dự án không khả thi để điều chỉnh quy hoạch hoặc hủy bỏ quy hoạch kịp thời.
Cần rà soát lại quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó cần thiết điều chỉnh nhiều chỉ tiêu để phù hợp với tình hình phát triển đô thị, bổ sung một số công trình kỹ thuật đầu mối, công trình trọng điểm có khả năng tác động tích cực đến nhu cầu phát triển của thành phố, tạo sức hấp dẫn của đô thị.
Việc quy hoạch cần thực hiện khớp nối và phủ kín chi tiết, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm hạn chế “quy hoạch treo”. Cần tập trung các hướng chính để phát triển không gian đô thị và các vùng ven. Quá trình lập quy hoạch phải thực hiện đúng các bước quy hoạch và phải quan tâm đến năng lực đầu tư, khả năng thực thi các ý đồ quy hoạch. Công tác lập quy hoạch cần có sự tham gia rộng rãi của cộng đồng, đặc biệt là giới chuyên môn.
“Trong công tác quy hoạch, cần đánh giá lại hiệu quả đầu tư, trong khi đón nhận những thành công ban đầu cũng cần đánh giá lại hiệu quả đầu tư trong một trường đoạn lớn hơn. Hiện nay đã nhìn thấy tỷ lệ xây dựng trên các lô đất đã khai thác là khá thấp trong khi lượng kinh phí giải tỏa và đầu tư hạ tầng là rất lớn. Nên xem xét và điều chỉnh chính sách tái định cư sao cho hạn chế nhu cầu ảo, đầu tư lệch pha và hình thành một thị trường bất động sản ảo”.
Ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng