Cảnh báo sớm sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét là nhiệm vụ cấp bách
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 20:40, 11/01/2021
Cùng dự có các Thứ trưởng Bộ TN&MT: Võ Tuấn Nhân, Trần Quý Kiên, Lê Công Thành và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp |
Bám sát ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan nghiên cứu, đánh giá cụ thể về nguyên nhân trượt lở đất tại các tỉnh khu vực miền Trung năm 2020, đề xuất phương án xử lý, hạn chế thiệt hại do trượt lở đất, thời gian qua, Vụ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT và một số tổ chức khoa học, nhà khoa học chuyên ngành trong và ngoài Bộ tổ chức các cuộc họp, hội thảo nhằm tham mưu về việc xây dựng, thực hiện Đề án mới “Điều tra, đánh giá xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo sớm sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam” trên phạm vi toàn quốc.
GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn phát biểu tại cuộc họp |
Bảy nhiệm vụ khoa học và công nghệ
Ông Trần Bình Trọng, Vụ trưởng Vụ Khoa học & Công nghệ (Bộ TN&MT) cho biết, thời gian qua, các đơn vị trong và ngoài Bộ đã, đang thực hiện nhiều đề án, dự án, nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến Đề án mới, có những đóng góp không nhỏ vào việc phòng, tránh và giảm nhẹ thiệt hại do trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét gây ra.
Mặc dù vậy, việc điều tra, quan trắc, cảnh báo về các tai biến nêu trên cũng bộc lộ một số vấn đề tồn tại. Trong đó, chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, phần mềm online hỗ trợ khai thác kết quả cảnh báo, dự báo theo diễn biến khí tượng thủy văn và để chính quyền thôn, xã và người dân cập nhật các hiện tượng mưa lớn, trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét; chưa có sự tham gia tích cực của chính quyền địa phương trong triển khai đề án/dự án, đặc biệt chính quyền xã, già làng trưởng bản trong điều tra chi tiết các xã…
Do vậy, Đề án “Điều tra, đánh giá chi tiết và xây dựng hệ thống quản lý thông tin - cảnh báo sớm trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam” có ý nghĩa thực tiễn hết sức quan trọng. Đề án nhằm Điều tra, đánh giá chi tiết và cập nhật thông tin về trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam trên cơ sở phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan nghiên cứu - quản lý - chính quyền - nhân dân địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý thông tin hiện đại, thống nhất liên ngành phục vụ công tác cảnh báo sớm các khu vực nhạy cảm theo thời gian thực nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Ông Trần Bình Trọng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ TN&MT) báo cáo tại cuộc họp |
Để hiện thực hóa các mục tiêu, Đề án triển khai 7 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cụ thể: Nghiên cứu thiết kế và xây dựng hệ thống quản lý thông tin - cảnh báo sớm trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét theo thời gian thực; Nghiên cứu thiết kế cấu trúc và xây dựng hệ thống CSDL lớn dùng chung thống nhất liên ngành; Nghiên cứu cơ sở khoa học xây dựng bộ tiêu chí và xác định các khu vực nhạy cảm; Nghiên cứu cơ sở khoa học để lựa chọn hệ phương pháp và mô hình phân vùng cảnh báo chi tiết khả thi áp dụng tại các khu vực nhạy cảm.
Cùng với đó, nghiên cứu phân vùng rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất đá và sụt lún đất do mưa tại khu vực miền núi, trung du Việt Nam; nghiên cứu thiết kế và xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát để cảnh báo sớm theo thời gian thực; nghiên cứu cơ sở khoa học phục vụ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai các nhiệm vụ thuộc Điều tra, đánh giá chi tiết và xây dựng hệ thống quản lý thông tin - cảnh báo sớm trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam.
Nhiệm vụ cấp bách
Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị liên quan Đề án đã cho ý kiến xung quanh việc triển khai, phương pháp tiến hành, hoạch định các khu vực nhạy cảm, đề xuất mô hình quản lý và điều phối chung giữa các nhiệm vụ của Đề án…
GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV cho biết, thời gian qua, Tổng cục Khí tượng thủy văn phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Viện Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu và các đơn vị liên quan đã xây dựng, phát báo các bản tin cảnh báo về trượt lở, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét. Các bản tin này được đưa tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các kết quả điều tra, quan trắc, nghiên cứu đã được sử dụng trong quá trình xây dựng các bản tin cảnh báo.
“Đối với Đề án này, cần cố gắng để nghiên cứu, phân vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét”, ông Thái nói.
Liên quan đến xây dựng Đề án mới, ông Trịnh Hải Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất & Khoáng sản cho rằng, cần hoạch định các khu vực nhạy cảm. Trong đó, mức độ hoàn thiện các khu vực khác nhau dựa trên từng vùng đã điều tra hiện trạng hay chưa, đã có bản đồ cảnh báo hay chưa. Đồng thời, chú trọng hướng dẫn cộng đồng, xây dựng kịch bản cảnh báo trong từng trường hợp bà con sẽ chạy theo hướng nào, chạy về đâu.
Đề cao vai trò của truyền thông, TS. Trần Tân Văn, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất & Khoáng sản Việt Nam cho rằng, đối với Đề án này, bên cạnh công tác chủ đạo là điều tra hiện trạng, thành lập bản đồ phân vùng cảnh báo, đánh giá khu vực nhạy cảm, nguy hiểm, lựa chọn được các khu vực có thể sơ tán trong tình huống khẩn cấp… cần nâng cao công tác tuyên truyền, quảng bá và phối hợp với các địa phương trong việc chuyển giao tài liệu, thông tin, hướng dẫn sử dụng thông tin phục vụ công tác phòng tránh giảm nhẹ thiên tai nói chung và trượt lở nói riêng.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh, xây dựng và thực hiện Đề án “Điều tra, đánh giá xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo sớm sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam” là nhiệm vụ cấp bách, các đơn vị liên quan phải liên kết mạnh mẽ, thống nhất về mặt khoa học, nỗ lực cao nhất để hoàn thành, đảm bảo “hoàn thành đến đâu công bố đến đó”.
Bộ trưởng đề nghị tập trung khoanh vùng được các khu vực nguy cơ cao nhất về vấn đề lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Đồng thời, hoạch định được các kết quả đã làm được liên quan đến vấn đề này ở các địa phương, ưu tiên làm trước ở những khu vực trọng yếu, khó khăn.
“Chúng ta cùng nhau xây dựng và thực hiện một dự án mang tính cấp bách của năm 2021. Cần thống nhất bản đồ phân vùng, xây dựng tiêu chí, khoanh vùng nhạy cảm, bổ sung thêm những khu vực chưa có số liệu thống nhất… để đưa ra sản phẩm có thể ứng dụng chuyển giao cho địa phương; đảm bảo có sự giám sát của chính quyền địa phương; có thể thực hiện một số mô hình thí điểm tại một số khu vực trọng yếu”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu.