Lào Cai: Tăng cường công tác chống rét cho gia súc

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 20:26, 09/01/2021

(TN&MT) - Những ngày gần đây, nhiệt độ tại các địa phương trong tỉnh Lào Cai giảm sâu, nhiều khu vực núi cao như: Ô Qúy Hồ của Sa Pa, Ý Tý của Bát Xát... nhiệt độ ghi nhận là chạm mức 0 độ C, gây rét đậm rét hại và xuất hiện băng giá. Để giảm thiểu thiệt hại, nhiều địa phương đã tăng cường công tác chống rét trong những ngày đông giá lạnh.

Tại thị xã Sa Pa, theo ghi nhận không khí lạnh mạnh tăng cường khiến nền nhiệt tại Sapa (Lào Cai) hạ xuống thấp nhất từ -2 đến 3 độ C, nguy cơ xuất hiện mưa tuyết, băng giá rất cao. Chính vì thế, người nông dân đang phải "căng mình" tìm đủ mọi cách giảm thiểu thiệt hại cho vật nuôi, cây trồng. Hiện tại, chính quyền và bà con nông dân tại các bản thuộc thị xã Sa Pa đã chủ động bảo vệ cây trồng, vật nuôi nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về tài sản.

Chị Giàng thị Mẩy, xã Tả Van ( thị xã Sa Pa) chia sẻ “Thời gian gần đây, chính quyền thường xuyên tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở chúng tôi chống rét cho cây trồng, vật nuôi. Mọi công tác phòng chống chúng tôi đều đã chủ động thực hiện theo lời khuyên của chính quyền địa phương như dự trữ cỏ, thức ăn, không chăn thả khi nhiệt độ xuống thấp. tôi hy vọng trong đợt giá rét này bà con chúng tôi sẽ không chịu thiệt hại gì”.

Người dân chủ động giữ ấm cho đàn gia súc khi nhiệt độ giảm sâu

Ông Lý Văn Hiển (Chủ tịch UBND xã Tả Van) cho biết: “Trong những ngày qua, trước diễn biến phức tạp của thời tiết và dự báo có khả năng xuất hiện mưa tuyết, băng giá. Chúng tôi đã phân công thành những tổ công tác để đi vào các thôn rà soát các điều kiện chăn nuôi, chuồng trại, dự trữ thức ăn, tiêm phòng cho vật nuôi".

Hiện nay, số hộ nông dân chăn nuôi đại gia súc và tổng đàn gia súc lớn trên địa bàn thị xã Sa Pa tính đến thời điểm tháng 10/2020 là 4.506 hộ, với tổng số 13.506 con (trong đó, đàn trâu là 10.162 con; đàn bò là 3.077 con; đàn ngựa là 267 con).

Tại xã Y Tý, huyện Bát Xát, thời tiết ở đây rét buốt, mây mù phủ trắng các ngọn núi, gió lùa từng cơn buốt giá. Mặc cho mưa rét thấu xương, các hộ dân vẫn đi cắt cỏ, che chắn chuồng nuôi bảo vệ “đầu cơ nghiệp” của gia đình. Để bảo vệ tài sản của gia đình trong những ngày mưa rét, hộ ông Hầu A Cừ, thôn Ngải Chồ chủ động nuôi nhốt trâu trong chuồng, các thành viên trong gia đình thay nhau đi cắt cỏ cho trâu. Cùng với đó, gia đình còn nấu cám ngô với quả thảo quả cho ăn nhằm tăng sức đề kháng, giúp đàn trâu có sức khỏe để vượt qua những ngày đông rét buốt.

Xã Y Tý hiện có trên 200 con gia súc, rút kinh nghiệm các năm trước, xã đã chủ động chuẩn bị phòng, chống rét, dự trữ thức ăn cho đàn gia súc ngay từ đầu mùa đông. Theo đó, xã đã chỉ đạo các thôn, tuyên truyền vận động nhân dân dự trữ rơm, bi ngô, cỏ khô, tu sửa chuồng nuôi. Cán bộ xã đi đến từng thôn, hộ chăn nuôi để hướng dẫn người dân kỹ thuật ủ cỏ làm thức ăn cho gia súc, phương pháp chăm sóc, phòng bệnh cho gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại.

Thức ăn và chuồng trại được chuẩn bị cẩn thận để chống rét

Ông Hà Ngọc Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Y Tý cho biết: Để bảo vệ đàn gia súc trước trận “đại hàn” của mùa đông năm nay, người dân đã chủ động nuôi nhốt trâu, bò trong chuồng, tích trữ rơm, cỏ khô, trồng cỏ voi làm thức ăn, mua bạt ni lông che, chắn chuồng để chống rét. Nhiều hộ chủ động nấu nước thảo quả, nấu cám ngô với thảo quả cho trâu ăn để tăng sức đề kháng, dùng vải dày, chăn bông cũ buộc vào chân trâu, bò để chống cước chân.

Còn tại huyện Mường Khương, nơi có đàn trâu, bò trên 18.000 con đang được người dân cẩn trọng bảo vệ qua mùa đông. Mọi biện pháp phòng, chống rét cho đàn gia súc được huyện chủ động triển khai tuyên truyền, vận động đến nông dân ngay từ khi chớm đầu mùa đông. Các khuyến nông viên, thú y cơ sở được tăng cường công tác bám nắm địa bàn, vận động, hướng dẫn các hộ chăn nuôi các biện pháp phòng, chống rét cho gia súc như gia cố, che chắn chuồng trại, dự trữ thức ăn và sưởi ấm cho gia súc khi rét đậm, rét hại.

Người dân Sa Pa di chuyển đàn gia súc xuống khu vực thấp tránh rét

Ngoài ra, huyện Mường Khương còn vận động hộ dân tích cực trồng cỏ, ngô trên diện tích đất trống để làm thức ăn cho gia súc. Đến nay, 100% gia súc trên địa bàn huyện đã được tiêm phòng đợt 2; trên 3.100 hộ (chiếm 75%) có chuồng trại đảm bảo phòng, chống rét; không có hộ thả rông gia súc. Có trên 4.300 hộ chăn nuôi (chiếm 93% tổng số hộ chăn nuôi toàn huyện) đã dự trữ thức ăn đáp ứng 50% – 90% nhu cầu thức ăn cho gia súc trong mùa đông. Diện tích trồng cỏ đạt 250 ha, diện tích trồng ngô dày gần 5 ha.

Ông Nguyễn Kiên Cường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Khương cho biết: Ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng, chống rét và dịch bệnh cho vật nuôi rất tích cực. Để bảo vệ đàn gia súc khi nhiệt độ xuống thấp, cán bộ nông nghiệp và các địa phương vận động các gia đình mua bạt để che mái, quây xung quanh chuồng chống gió lùa. Hiện, các hộ dân đang tích cực lo đủ thức ăn, đảm bảo nền chuồng khô ráo để gia súc vượt qua được đợt rét đậm này.

Bích Hợp