Cần thăm dò, khai thác và đưa vào dự trữ quốc gia các khoáng sản thế mạnh
Khoáng sản - Ngày đăng : 17:45, 08/01/2021
Vết lộ quặng đồng (vàng) ở khu vực Kon Rá |
Từ năm 2013 - 2020, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã được Chính phủ và Bộ TN&MT giao thực hiện nhiều đề án điều tra, đánh giá các loại khoáng sản. Những đề án điều tra này đều được xây dựng căn cứ vào Quy hoạch 1388.
Liên quan đến công tác điều tra khoáng sản thuộc các đề án đo vẽ lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1/50.000, đối với khoáng sản vàng (Au), các đề án lập bản đồ và điều tra khoáng sản ở tỷ lệ 1/50.000 đã đăng ký và phát hiện nhiều điểm biểu hiện khoáng sản và biểu hiện khoáng hóa. Điển hình như nhóm tờ Kim Sơn đã khoanh định được diện tích khoảng hơn 20 km2 thuộc khu vực huyện Tương Dương và Quế Phong (tỉnh Nghệ An) và đã xác định nhiều thân quặng và thân khoáng vàng có giá trị công nghiệp để tiếp tục đầu tư thăm dò sau này và cũng chỉ ra nhiều tiền đề tiếp tục điều tra được thiết kế trong đề án Tây Bắc hiện đang triển khai.
Đối với nhóm tờ Phố Lu - Bắc Than Uyên đã khoanh định được diện tích gần 15 km2 ở Hứa Cuối thuộc tỉnh Lai Châu, trong đó, tồn tại 7 đới khoáng hóa chứa các thân quặng vàng công nghiệp là cơ sở để thiết kế đề án đánh giá vàng trong đề án Tây Bắc...
Đối với khoáng sản đồng (vàng), điển hình là đề án Kon Plong, kết quả đề án đã phát hiện và khoanh định được một khu vực rộng 25 km2 thuộc huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum, phát nhiều điểm lộ quặng đồng, nhiều dấu hiệu và tiền đề về magma, địa vật lý, địa hóa có giá trị cao về tìm kiếm quặng đồng. Đặc biệt, trong diện tích này đã đánh giá làm rõ triển vọng khoáng sản đồng (vàng) trên diện tích 1,5 km2 với tài nguyên cấp 333+334a là 75,9 ngàn tấn kim loại đồng thuộc loại mỏ trung bình.
Việc phát hiện quặng đồng (vàng, Urani) ở đây đã được ghi nhận là một trong 10 sự kiện của ngành Tài nguyên và Môi trường năm 2016, đồng thời cũng là tiền đề để thiết kế các đề án tìm kiếm mở rộng loại khoáng sản có giá trị này ở khu vực các tỉnh Tây Nguyên đã được phê duyệt triển khai năm 2021 (Đề án “Đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản vùng Trung Trung Bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”).
Đối với khoáng sản vonfram (thiếc), kết quả của đề án Mộc Châu đã phát hiện nhiều biểu hiện khoáng hóa, nhiều vành trọng sa quặng sheelit (W) ở khu vực Bản Ngà huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La và trong diện tích hàng chục km2. Số liệu này kịp thời được đưa vào thiết kế đề án đánh giá thuộc đề án Tây Bắc đang triển khai.
Kết quả điều tra (góp vốn theo Thông tư 61) đã phát hiện và làm rõ tiềm năng quặng W nguồn gốc skarnơ xung quanh khối xâm nhập Sông Chảy thuộc tỉnh Hà Giang, nhiều diện tích thuộc huyện Vị Xuyên đã xác định tài nguyên cấp 333 hàng vài chục ngàn tấn WO3 hiện đang tiến hành đề án thăm dò và ở huyện Yên Bình đang tiến hành các đề án đánh giá phát hiện nhiều diện tích có triển vọng về loại quặng này...
Đối với khoáng chất công nghiệp, đề án Phố Lu - Bắc Than Uyên đã phát hiện và điều tra làm rõ nhiều khu vực thuộc Làng Chang, huyện Bảo Thắng tỉnh Lào Cai rộng 51,3 km2 chứa 8 thân quặng graphite có quy mô công nghiệp và đã tính được tài nguyên cấp 334a là 977.000 tấn. Đây là biểu hiện khoáng sản có giá trị đang được Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam dự kiến đưa vào dự trữ quốc gia đối với tài nguyên này.
Mỏ Pb-Zn Bản Bó, Huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng |
Theo ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, bên cạnh công tác điều tra khoáng sản thuộc các đề án đo vẽ lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1/50.000, các đề án đánh giá khoáng sản cũng phát hiện nhiều điểm khoáng sản có giá trị, cần tiếp tục thăm dò và khai thác trong giai đoạn mới như: khoáng sản nhôm - sắt; quặng urani; quặng chì - kẽm; than nâu; khoáng chất công nghiệp.
Cụ thể, đối với khoáng sản nhôm - sắt, đề án đánh giá tổng thể quặng bauxit- sắt laterit khu vực Tây Nguyên kết quả đã tính tài nguyên cấp 333+334a đạt 1.873 triệu tấn quặng tinh (cấp 333 đạt 664 triệu tấn quặng tinh) trên diện tích 600 km2 góp phần cho việc lập quy hoạch thăm dò và khai thác quặng này trong tương lai một cách khoa học và hiệu quả. Ngoài ra, tính được tài nguyên cấp 334a cho sắt nguồn gốc laterit đạt 2.298 triệu tấn quặng tinh sau tuyển rửa, trong đó, 1.675 triệu tấn (TFe>36%) có thể sử dụng cho luyện kim.
Đối với quặng urani, đề án thăm dò quặng urani khu vực Pà Lừa - Pà Rồng huyện Nam Giang tỉnh Quảng Nam lần đầu tiên đã tính được trữ lượng và tài nguyên cấp 333 gần 6. 000 tấn U3O8 và kết hợp nghiên cứu quặng này ở bồn trũng Nông Sơn có tiềm năng lớn phân bố trên diện rộng ở sâu. Đó là cơ sở để Tổng cục tiếp tục điều tra đánh giá, làm rõ tiềm năng khoáng sản năng lượng này ở bồn trũng rộng lớn trong Đề án “Đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản vùng Trung Trung Bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” đã được Thủ tướng và Bộ TN&MT phê duyệt cho phép triển khai năm 2021.
Đối với quặng chì-kẽm, đề án điều tra tổng thể quặng này trên toàn quốc đã tính toán tài nguyên cấp 333+334a khoảng 3.9 triệu tấn kim loại thuộc hai kiểu sulfur và oxit (trong đó kết quả tính mới của đề án gần 90 ngàn tấn kim loại pb+Zn) phân bố trong 19 khu vực được đề xuất thăm dò và điều tra ẩn sâu thuộc các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng và Hà Giang.
Ông Nguyễn Văn Nguyên nhận định, các loại khoáng sản trên đã và đang được triển khai theo Quy hoạch 1388 và vẫn tiếp tục phải triển khai trong giai đoạn mới. Đó là những khoáng sản có “thế mạnh”, cần phải thăm dò, khai thác và đưa vào dự trữ quốc gia.