Lực đẩy nào cho thị trường bất động sản 2021?
Bất động sản - Ngày đăng : 11:18, 08/01/2021
Ảnh minh họa |
Báo cáo thị trường của Công ty Cổ phần DKRA Việt Nam vừa công bố cho thấy, giai đoạn 2013 - 2015, thị trường BĐS cả nước gặp phải nhiều khó khăn do nguồn cung và tỷ lệ tiêu thụ đều sụt giảm, thậm chí không ghi nhận giao dịch. Để vực dậy thị trường, Nhà nước đã thông qua và ban hành một loạt các chính sách hỗ trợ như gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, hệ thống văn bản pháp luật quan trọng gồm: Luật đất đai năm 2013, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản 2014,... Đồng thời, việc đẩy mạnh triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông có quy mô lớn là những đòn bẩy quan trọng giúp thị trường bắt đầu hồi phục vào năm 2016.
Tương tự giai đoạn 2013 - 2015, thị trường BĐS nhà ở TP.HCM năm 2020 cũng đối mặt nhiều thách thức với ảnh hưởng kép từ đại dịch và đà suy giảm kéo dài từ năm 2019. Do sự siết chặt quy trình thủ tục cấp phép dự án của các cơ quan Nhà nước, nguồn cung dự án mới tiếp tục sụt giảm đáng kể. Tại TP.HCM, thị trường gần như vắng bóng loại hình căn hộ hạng C trong khi nhu cầu ở phân khúc này còn rất lớn. Cùng lúc đó, dù nguồn cung mới giảm mạnh, mặt bằng giá vẫn liên tục tăng cao. Đặc biệt, mức giá sơ cấp ở các giai đoạn sau tăng trung bình 10% - 15% so với giá bán ở giai đoạn trước. Điều này làm khả năng sở hữu nhà cho người có nhu cầu ở thực với nguồn tài chính không cao càng trở nên khó khăn.
Với BĐS nghỉ dưỡng, đây là phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch trong năm 2020 và sự cố vỡ cam kết lợi nhuận cuối năm 2019. Theo đó, thị trường đã manh nha xuất hiện hình thức đầu tư tài chính BĐS giống như tín thác đầu tư BĐS mà luật pháp chưa có quy định cụ thể. Tại khu vực Bảo Lộc - Lâm Đồng, nhiều dự án được quảng cáo với mô hình mới như homestay, farmstay,… Tuy nhiên, hiện nay Nhà nước chưa có quy định cụ thể để giám sát, quản lý hoạt động của các loại hình này. Những điều trên cho thấy thị trường vẫn tiềm ẩn một số nguy cơ và rủi ro nhất định.
Ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc R&D DKRA Việt Nam dự báo, bước sang 2021, để vượt qua khó khăn và bước vào giai đoạn phát triển mới, thị trường BĐS nhà ở sẽ cần nhiều lực đẩy giúp phục hồi và tăng tốc trở lại. Một trong những yếu tố đáng lạc quan là diễn biến kinh tế vĩ mô và công tác kiểm soát dịch bệnh rất tốt của Việt Nam. “Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 ước tính tăng 2.91% so với năm 2019 dù năm qua có nhiều biến động. Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6.8% trong năm 2021 - mức tăng trưởng thuộc hàng đầu thế giới. Điều này mang đến triển vọng, cơ hội và nhiều tín hiệu tích cực cho thị trường BĐS chuyển mình”, ông Hoàng cho biết.
Cũng theo ông Hoàng, các chính sách pháp lý chính thức có hiệu lực trong năm 2021 như Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng sửa đổi 2020, Thông tư 21/2019/TT-BXD, Nghị định 148/2020/NĐ-CP… sẽ giúp thị trường hoạt động minh bạch hơn. Đặc biệt, việc thành lập thành phố Thủ Đức và chủ trương đẩy mạnh triển khai nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm trong năm 2021 cũng là lợi thế thúc đẩy thị trường bứt phá.
Trên nền tảng các tiền đề hiện hữu như trên, nhiều chuyên gia BĐS cho rằng, cần có thêm những giải pháp kích hoạt lực đẩy thị trường BĐS năm 2021 như sau:
- Về chính sách pháp lý: Hệ thống pháp luật liên quan đến BĐS nhà ở phải được bổ sung và hoàn thiện hơn nhằm bắt kịp diễn biến và nhu cầu thị trường. Các quy trình pháp lý cần được đơn giản hóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tháo gỡ những vướng mắc thủ tục, sớm hoàn thiện pháp lý dự án. Từ đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, gia tăng nguồn cung và góp phần ổn định mặt bằng giá trên thị trường.
- Về hạ tầng giao thông: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng giao thông sớm đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, quy hoạch thành phố Thủ Đức cần được Nhà nước ban hành hướng dẫn cụ thể hơn để doanh nghiệp và người dân chủ động có chiến lược phát triển phù hợp.
- Vai trò của doanh nghiệp BĐS: Doanh nghiệp nên đa dạng hóa kênh tiếp cận nguồn vốn mới từ thị trường chứng khoán, quỹ đầu tư ngoại,… để nâng cao năng lực tài chính, hạn chế phụ thuộc vào kênh huy động vốn từ khách hàng. Đồng thời, chủ đầu tư phải chú trọng đầu tư cảnh quan, tiện ích dự án, đảm bảo chất lượng công trình và áp dụng linh hoạt các chính sách bán hàng,… nhằm tạo lợi thế cạnh tranh và thu hút sự quan tâm của khách hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong các mô hình vận hành để cải tiến chất lượng dịch vụ và tối ưu chi phí. Quan trọng hơn hết, các doanh nghiệp cần nghiêm túc tuân thủ quy định của pháp luật, tránh những sai phạm gây bất ổn cho thị trường và xã hội.
- Phát triển BĐS xanh, bền vững: Đây là xu thế tất yếu cho thị trường và các doanh nghiệp. Trong dài hạn, dự án đáp ứng các tiêu chí xanh và bền vững sẽ mang lại nhiều giá trị cho người mua, chủ đầu tư và cả cộng đồng. Do đó, BĐS và bền vững nên được các chủ đầu tư chú trọng hướng tới trong tương lai gần.