Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xử lý bã thải Gyps tại KCN Tằng Loỏng
Môi trường - Ngày đăng : 12:09, 07/01/2021
Hình thái sản xuất tại KCN Tằng Loỏng hiên nay gồm: Luyện kim, cơ khí, hoá chất, phân bón, vật liệu xây dựng, điện, điện tử và các loại hình công nghiệp phù hợp khác. Hiện có 30 dự án đăng ký đầu tư tổng số vốn đầu tư trên 21.800 tỷ đồng. Trong đó 26 dự án đã đi vào hoạt động ổn định gồm 13 nhà máy sản xuất phân bón, hóa chất; 03 nhà máy luyện kim; 01 nhà máy tuyển quặng và các dự án phụ trợ sản xuất bao bì, kim loại, bi nghiền, tấm lót...
Theo số liệu thống kê, công suất của các nhà máy trong KCN Tằng Loỏng là rất lớn như, phốt pho vàng 101.600 tấn/ năm, apatit 900.000 tấn/năm, đồng 10.000 tấn/ năm, axít H2SO4 98% 160.000 tấn/năm, phụ gia thức ăn DCP 200.000 tấn/ năm, gang thép 500.000 tấn/ năm ... Với công suất sản xuất lớn như vậy, vấn đề về xử lý chất thải nói chung và chất thải rắn nói riêng luôn là áp lực đối với các nhà máy trong đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định của pháp luật.
Khó khăn nhất tại KCN tằng Loỏng là chưa xử lý được bãi thải Gyps. |
Chất thải rắn công nghiệp tại KCN Tằng Loỏng chủ yếu là xỉ thải lò điện của các nhà máy sản xuất phốt pho với thành phần CaO, SiO2, P2O5 và bã thải Gyps của Công ty cổ phần DAP số 2 và Công ty TNHH MTV hóa chất Đức Giang Lào Cai. Ngoài ra, còn có cặn xỉ phốt pho (thành phần P4, Fe, F và bùn nghèo P4, Fe), xỉ sắt (oxyt sắt lẫn canxi và silic), gỉ sắt, gạch chịu lửa phế thải, bụi hỗn hợp của oxyt canxi và oxyt sắt, quặng sót apatit P2O5, bã thải luyện đồng sau xử lý nước tại phân xưởng axit ...
Năm 2020, các nhà máy sản xuất phốt pho đã thực hiện xuất bán xỉ thải phốt pho cho các đơn vị sản xuất vật liệu được khoảng 710.840 tấn, lượng xỉ còn tồn đọng khoảng 203.472 tấn. Công ty cổ phần DAP số 2 cũng đã chuyển giao một phần tro bay cho các đơn vị xử lý để giảm áp lực lưu trữ tại bãi chứa với tổng lượng chuyển giao khoảng 4.000 tấn mỗi năm. Tuy nhiên, vấn đề quản lý chất thải rắn tại KCN Tằng Loỏng hiện nay là bã thải Gyps đang tồn đọng khoảng 5 triệu tấn (Công ty TNHH MTV hóa chất Đức Giang hơn 3 triệu tấn và Công ty cổ phần DAP số 2 khoảng 1,9 triệu tấn) chưa có biện pháp xử lý.
Hiện tại, tỉnh Lào Cai vẫn đang tích cực thu hút các dự án đầu tư, đối tác thực hiện xử lý chất thải công nghiệp tại KCN Tằng Loỏng. Trong đó, khuyến khích các dự án, đối tác xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, nguy hại và đặc biệt khuyến khích các dự án, đối tác xử lý bã thải Gyps bằng công nghệ sản xuất vật liệu, phụ gia, phụ phẩm phục vụ sản xuất hoặc đốt lấy nhiệt nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường đất, nước và không khí.