Kiểm toán Nhà nước: Chú trọng kiểm toán môi trường
Môi trường - Ngày đăng : 16:30, 06/01/2021
Chỉ rõ nhiều sai phạm về lĩnh vực môi trường
Tại Việt Nam, bảo vệ môi trường luôn là vấn đề mà Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, thể hiện thông qua nhiều chủ trương, đường lối, chính sách về lĩnh vực môi trường, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết của phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.
Ông Vũ Văn Hồng phát biểu tại Hội nghị triển khai chương trình công tác năm 2021 của KTNN |
Phát biểu tại Hội nghị triển khai chương trình công tác năm 2021 của KTNN, ông Vũ Văn Hồng, Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III cho biết, nếu như trong giai đoạn trước đây, KTNN chủ yếu thực hiện lồng ghép nội dung liên quan đến môi trường trong các cuộc kiểm toán chuyên đề, mà phần lớn là các cuộc kiểm toán tài chính kết hợp kiểm toán tuân thủ, thì đến nay các cuộc kiểm toán môi trường đã được thực hiện dưới hình thức kiểm toán hoạt động theo thông lệ quốc tế, tập trung đi sâu đánh giá tính kinh tế, tính hiệu lực, tính hiệu quả.
Một số cuộc kiểm toán môi trường nổi bật phải kể đến như kiểm toán môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp, hoạt động quản lý nhập khẩu phế liệu, quản lý chất thải y tế; kiểm toán việc giảm thiểu sử dụng túi ni lông khó phân hủy; kiểm toán hoạt động cải tạo và phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; cuộc kiểm toán công tác quản lý bảo vệ môi trường khu kinh tế Nghi Sơn...
Theo ông Vũ Văn Hồng, kết quả các cuộc kiểm toán này cho thấy nhiều địa phương ban hành văn bản quản lý thiếu cơ sở pháp lý, bất cập trong quá trình triển khai, thực hiện; việc phối hợp giữa Ban Quản lý các khu công nghiệp và Sở Tài nguyên và Môi trường và Phòng Tài nguyên Môi trường chưa đem lại hiệu quả mong muốn, đặc biệt là việc chia sẻ thông tin, dữ liệu môi trường hoặc trong công tác thanh tra, kiểm tra còn rất hạn chế, không kịp thời. Công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn và giám sát và việc quản lý, sử dụng các hồ sơ, dữ liệu môi trường còn chồng chéo, nhiều khu công nghiệp chưa xây dựng, hoàn thiện các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường và hệ thống xử lý nước thải tập trung trong nhiều năm qua…
Ngoài ra, KTNN còn kiến nghị sửa đổi, bổ sung trên 20 văn bản hướng dẫn, quy định về lĩnh vực môi trường, cùng với đó là hàng loạt các giải pháp, đề xuất phù hợp, mang tính thực tiễn cao tới các cấp, các ngành.
Dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên hoạt động kiểm toán môi trường cũng còn nhiều hạn chế. Ông Vũ Văn Hồng cho rằng, hiện nay do KTNN không có chức năng định giá các thiệt hại gây ra do các hệ lụy về môi trường, vì vậy để xác thực, Đoàn kiểm toán chỉ có thể thuê các đơn vị tư vấn độc lập đánh giá để đảm bảo tính khách quan, minh bạch. Hơn nữa, ở Việt Nam vẫn chưa xây dựng được một ngân hàng dữ liệu về môi trường của quốc gia, cơ chế phối hợp trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước về công tác bảo vệ môi trường còn chưa hoàn thiện, trong khi đây là kênh thông tin hết sức quan trọng, hỗ trợ rất nhiều cho kiểm toán nhà nước trong hoạt động kiểm toán.
Mới đây, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã đưa kiểm toán môi trường thành một nội dung trong Luật. Theo đó: “Kiểm toán môi trường là công cụ kiểm tra các hoạt động bảo vệ môi trường nhằm đánh giá mức độ tuân thủ chính sách, quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường để nâng cao hiệu quả sử dụng tiết kiệm tài nguyên, quản lý chất thải, ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ môi trường của các tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ”.
Để tăng cường kiểm toán môi trường, ông Vũ Văn Hồng cho rằng cần sớm trình Chính phủ xây dựng, ban hành các Nghị định về công tác kiểm toán môi trường, đặc biệt xác định quyền hạn và trách nhiệm của KTNN trong công tác kiểm toán môi trường. Bổ sung nội dung cụ thể về kiểm toán môi trường trong Luật KTNN. Xây dưng hệ thống cơ sở dữ liệu về kiểm toán môi trường một cách đầy đủ, chính xác và khoa học, giúp kiểm toán viên thu thập thông tin để lựa chọn chủ đề kiểm toán tiềm năng.
Bắt đầu kiểm toán nguồn nước lưu vực sông Mê Công
Cuối tháng 12/2020, KTNN đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với KTNN Myanmar và KTNN Thái Lan để khởi động triển khai cuộc kiểm toán hợp tác về quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công. Đây là cuộc kiểm toán quốc tế về lĩnh vực môi trường thứ 2 trên sông Mê Công sau thành công của cuộc kiểm toán các vấn đề về nước lưu vực sông Mê Công do 5 cơ quan kiểm toán gồm Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam cùng thực hiện năm 2012-2013.
Cuộc kiểm toán hợp tác về quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công do KTNN Việt Nam và KTNN Myanmar, KTNN Thái Lan cùng thực hiện. Ảnh: luxurycruisemekong.com |
Cuộc kiểm toán lần này được KTNN Việt Nam với vai trò là Chủ tịch Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á nhiệm kỳ 2018-2021 đề xuất và chủ trì thực hiện. Cuộc kiểm toán có sự tham dự của 2 cơ quan kiểm toán tối cao sử dụng chung nguồn nước sông Mê Công là Myanmar và Thái Lan. Chủ đề cuộc kiểm toán được xác định là: “Kiểm toán việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công gắn với việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững”.
Theo KTNN, trước những thách thức to lớn do ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường nước khu vực sông Mê Công, việc tổ chức cuộc kiểm toán này nhằm đưa ra những khuyến nghị, kiến nghị với các nước có dòng sông chảy qua về việc đảm bảo đủ nguồn nước cho dòng Mê Công, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, đời sống của người dân. Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc từng khẳng định, “Không đơn thuần là vấn đề của môi trường, mà tầm ảnh hưởng của sông Mê Công đang tác động trực tiếp đến sinh kế, đời sống của hàng trăm triệu cư dân, do đó rất cần được quan tâm, coi trọng”.
Dự kiến cuối quý III, đầu quý IV năm 2021, sau khi kết thúc cuộc kiểm toán, 3 cơ quan kiểm toán sẽ phối hợp để tổ chức Hội thảo chung nhằm chia sẻ kết quả kiểm toán cũng như bài học kinh nghiệm cho các cuộc kiểm toán môi trường tiếp theo.